Bài 5: Tác chiến

Nên nhớ, trong kinh doanh, mọi thứ đều chỉ có nguyên tắc chung thôi, chứ không có bí kíp hay kỹ xảo nào cả.

Nhiều khi rất khó để liên tưởng giữa việc ‘tác chiến’ trong chiến tranh với thực tế công việc. Gần đây, khi các doanh nghiệp phương Tây vào Việt nam, chúng ta bắt đầu nghe tới các cụm từ kiểu như “chiến dịch marketing”, hay các “chương trình khuyến mãi”…

Nói chung các “chiến dịch” kiểu này có thể hiểu như một kế hoạch tác chiến nhỏ. Một chiến dịch marketing (online chẳng hạn), người đứng đầu cần hiểu rõ mặt lợi, mặt hại của nó. Nếu cứ thấy thiên hạ chạy quảng cáo ầm ầm, mình cũng chạy quảng cáo, thiên hạ làm clip Youtube, mình cũng làm clip… mà không hiểu rõ mục đích từng chiến dịch, mặt lợi hại của nó thì nói chung là chỉ tổ ném tiền xuống sông xuống biển.

Nhà nhà online, người người online vô hình trung làm chi phí chạy quảng cáo online tăng chóng mặt. Việc xuất hiện thường xuyên trên các trang Facebook, hay trang đầu tiên tìm kiếm Google sẽ gây hao tổn tài chính, kiệt quệ nguồn lực công ty (nhất là với các công ty startup, vốn mỏng, lực yếu).

Vì thế, người đứng đầu cần sáng suốt, lựa chọn phương án chạy marketing với nguồn lực vừa phải, đánh ‘đúng’ và đánh ‘trúng’, điều này phụ thuộc nhiều vào ‘tướng soái’, biết cân nhắc thiệt hơn để hành động cẩn trọng.

Điều thú vị ở đây là Tôn Tử đã nhìn nhận vấn đề rất linh hoạt. Không có quy định cứng nhắc nào hết, mọi yếu tố đều cần được cân nhắc thiệt hơn trước khi đưa ra quyết định ‘tác chiến’.

Đây là điều khá ngạc nhiên với tôi, khi đọc lý thuyết của một bậc tiền bối “hủ nho” cách đây hàng nghìn năm.

Trong triển khai công việc cũng vậy, không có sản phẩm nào là “đắt” hay “rẻ” nếu không đặt nó vào môi trường, bối cảnh, thời điểm của thị trường.

Không có “chiến dịch” kinh doanh nào là “đúng” hay “sai” nếu không xét đến toàn bộ những yếu tố tác động xung quanh. Một chai nước lọc trong siêu thị giá 4.000đ, ra vỉa hè giá 5.000đ, lôi trong tủ lạnh ra giá 7.000đ, bán trong rạp chiếu phim giá 20.000đ là điều hết sức bình thường.

Một điều quan trọng mà các bạn cần để tâm: Khi xây dựng công ty start-up (khởi nghiệp), nghĩa là bạn đang hoàn thiện sản phẩm riêng, hay dịch vụ chưa từng có trên thị trường, hoặc to hơn là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.

Vì thế, không thể triển khai các “chiến dịch” theo cách “bắt chước” các cách làm, cách triển khai của các cty khác được. Sản phẩm của họ khác, dịch vụ khác, mô hình khác, thời điểm khác, thậm chí thị trường cũng khác.

Việc triển khai ‘rập khuôn’ các phương thức ‘tác chiến’ sẽ làm mất đi tính cách của công ty start-up, hay nói thẳng ra, nó làm “tầm thường hoá” công ty khởi nghiệp của bạn, làm cho chiến dịch của bạn trở nên “dễ đoán”, và dễ bị bắt bài.

Đây là lỗi thường gặp của những bạn trẻ mới ra trường, rất ham học hỏi và thích nghe lời khuyên của những người đi trước.

Tôi nhắc lại, trong mọi trường hợp, chỉ có nguyên tắc chung thôi. Không có bí kíp nào hết. Không có lối mòn nào cho các bạn đi. Không có “thánh nhân” nào dắt tay bạn đến thành công cả.

Chính các bạn phải tự nghiên cứu, tìm hiểu tất cả các yếu tố tác động tới từng chiến dịch, để đưa ra những quyết định phụ hợp cho chính mình. Không ai thành công hộ các bạn. Và tất nhiên, cũng không ai thất bại thay các bạn đâu.

Cấp Cứu