Có quá nhiều quyển sách viết về Binh pháp Tôn Tử ứng dụng trong kinh doanh, chỉ cần google là ra cả đống. Nhưng tôi cho rằng, phần lớn tác giả viết những quyển sách này hoặc là không thực sự đọc (và thực hành) binh pháp Tôn Tử, hoặc không thực sự “khởi nghiệp” kinh doanh.

Những bài viết về chủ đề này của tôi dựa trên trải nghiệm cá nhân, nên có nhiều phần chủ quan, nhưng chắc chắn nó dựa trên những nghiên cứu và trải nghiệm có thật. Mong các bạn quan tâm góp ý, để có thể hoàn thiện các bài viết, làm tài liệu hữu ích cho các thế hệ ‘chiến binh’ tiếp theo.

Bài 1. Đạo

Chiến tranh là đại sự của quốc gia, quan hệ tới việc sống chết của nhân dân, sự mất còn của nhà nước, không thể không khảo sát nghiên cứu cho thật kỹ. Cho nên, phải dựa vào năm mặt sau đây mà phân tích, nghiên cứu, so sánh các điều kiện tốt xấu giữa hai bên đối địch, để tìm hiểu tình thế thắng bại trong chiến tranh:

  1. Một là đạo.
  2. Hai là Thiên.
  3. Ba là Địa.
  4. Bốn là Tướng.
  5. Năm là Pháp.

Vâng, hãy coi “khởi nghiệp” là 1 cuộc chiến, nó quan hệ đến sống chết của bản thân và gia đình, sự mất còn của sự nghiệp, không thể không khảo sát, nghiên cứu thật kỹ.

Đầu tiên, các bạn của tôi, tôi cần phải nhắc lại thêm lần nữa: Khởi nghiệp là 1 cuộc chiến thực sự, quan hệ đến sống chết của bản thân và gia đình, sự mất còn của sự nghiệp.

Một lần khởi nghiệp thất bại, có thể là 10 năm làm thuê trả nợ, hoặc lâu hơn, có thể bay cả cơ nghiệp gia đình, dòng họ, gia đình tan nát, hay 20 năm bóc lịch. Đây là sự thật. Đừng mơ mộng bay theo những câu chuyện “đứng dậy sau nhiều lần khởi nghiệp”, hãy nghĩ cho kỹ.

Vì thế, không thể vì những lý do sau để khởi nghiệp:

  • Vì hứng khởi nhất thời: Phong trào khởi nghiệp đang lên. Nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp, ta cũng khởi nghiệp cho bằng anh bằng em.
  • Vì bức xúc cá nhân: Ghét thằng sếp ngu, suốt ngày o ép, lương thì trả thấp mà tuần nào cũng bắt làm thêm giờ…
  • Vì lòng tham mù quáng: Báo chí hàng ngày nhồi nhét những bài viết… mẹ bỉm sữa khởi nghiệp 2 năm kiếm chục tỉ… quán trà sữa thu dăm chục triệu mỗi ngày… Jack Ma thành tỉ phú chỉ sau 1 đêm… Những tít báo kiểu này nó hấp dẫn, nó ngọt ngào, nó êm ái, nhất là với những kẻ đang khát tiền, như phần lớn chúng ta.
  • Vì đơn giản là bạn thích nó: “Mình thích thì mình làm thôi”

Vâng, thích thì cứ làm, nhưng đừng “phát động chiến tranh”, vì cuộc chiến “khởi nghiệp” không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến bạn, mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh bạn…

Vậy muốn “khởi nghiệp” thì cần những điều kiện gì?

5 điều kiện ở trên. Tôi sẽ phân tích cụ thể từng điều kiện nhé.

1. Đạo:

Đạo là chỉ việc chính trị, đạo nghĩa, phải làm cho nguyện vọng của dân chúng và vua nhất trí với nhau, đồng tâm đồng đức. Có như vậy, trong chiến tranh mới có thể bảo nhân dân vì vua mà chết, vì vua mà sống, không sợ hiểm nguy.

Vâng. Đạo là đầu tiên, và quan trọng nhất. Đạo là đường hướng, là kim chỉ nam cho mọi hành động, là “chính nghĩa”.

Điều đầu tiên khi khởi nghiệp là cần có “chính nghĩa”. Việc bạn đang làm cần phải mang lại lợi ích cho bản thân, cho những người xung quanh, và cho xã hội. Có như thế thì bản thân bạn, những người xung quanh, thậm chí cả khách hàng và toàn xã hội mới đồng tâm ủng hộ cuộc chiến của bạn. Hãy nhìn toàn xã hội VN ủng hộ Uber và Grab thế nào.

Lưu ý: Đừng vội định nghĩa “lợi ích” ở đây là Tiền. Không phải như thế. Khi bạn mở một công ty bán máy tính, một cửa hàng quần áo xách tay, hay đơn giản là một quán trà đá vỉa hè. Hãy tự hỏi: Điều gì mang lại lợi ích cho bản thân, cho khách hàng, và cho những người xung quanh bạn?

Nếu bạn mở cửa hàng, hoặc công ty vì đơn giản là bạn nhìn thấy cơ hội kiếm tiền: Tốt thôi.

Nhưng bạn sẽ đóng cửa hàng, xóa sổ công ty ngay khi cơ hội kiếm tiền giảm sút. Nó chẳng mang lại lợi ích cho ai cả, kể cả chính bạn.

Uber khởi nghiệp thành công vì:

  • Mang lại cơ hội việc làm cho những người lái xe.
  • Cơ hội đi taxi giá rẻ hơn cho khách hàng.
  • Mang lại lợi ích cho chính Uber (thành triệu phú – hay tỉ phú nhỉ?).

Vâng. Uber thành công vì họ có “chính nghĩa”. Họ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, kể cả những người không sử dụng tiện ích của Uber. Hãy tự hỏi bản thân: Đâu là Chính Nghĩa. Đây là điều kiện đầu tiên, và quan trọng nhất, trước khi bạn bước chân vào cuộc chiến khởi nghiệp.

Và những câu hỏi tiếp theo:

  • Việc “khởi nghiệp” này, không ra tiền bạn có làm không?
  • Nếu khởi nghiệp thất bại, đồng nghĩa với 10 năm làm thuê trả nợ, bạn có làm không?
  • Không oai oách gì cả. Bạn sẽ phải làm tất cả những việc xấu xí như rửa bát, quét nhà, bẫy chuột, nửa đêm đi giao hàng… bạn có làm không?…

Vâng, hãy tự đặt câu hỏi, rồi trả lời… để thấu hiểu bản thân và tìm ra “Chính Nghĩa” của bản thân.

Cấp Cứu