Bài 4: Kế sách

Thế đấy. Sau khi nghiên cứu chán ra, vẽ kế hoạch be bét, bàn thảo với anh em bạn bè, khảo sát thị trường, gãi gia đình xem được đồng vốn nào không… giờ là lúc ngồi liệt kê lại xem 5 yếu tố đã đủ chưa (Đạo, Thiên, Địa, Tướng, Pháp).

Cần liệt kê ra giấy tất cả những yếu tố này, mặt mạnh mặt yếu của từng yếu tố. Hãy thành thật, đừng ra vẻ ‘đạo đức giả’ ở đây, nếu bạn có “nhà mặt phố, bố làm to” thì cần ghi ra lợi thế này và những cách thức nắm bắt, khai thác lợi thế tuyệt đối như thế. Những tâm lý đỏng đảnh kiểu “không thèm nhờ vả gia đình”, “mình là người có tự trọng”… không có lợi ích gì ở đây hết.

Cần phải phân tích, khai thác, nắm bắt mọi lợi thế mà mình có thể có. Từ “nhà mặt phố, bố làm to”, hay bạn xinh đẹp được đại gia chống lưng, cho tới nghề gia truyền của gia đình, tài lẻ bản thân, hoặc đơn giản là cái xe máy, xe đạp trong nhà có thể phục vụ công việc. Tất cả các yếu tố cần được xem xét kỹ lưỡng và mạch lạc, để có thể đưa ra được quyết định quan trọng: Tiến hành chiến tranh!!

Nói chung là khi đã hội tụ đủ 5 yếu tố kể trên, thì còn phải tìm ra cách tạo tình thế có lợi để làm điều kiện tiến hành “khởi nghiệp”.

Một câu chuyện thế này: Hồi năm 2005, tôi còn làm nhân viên kỹ thuật, đi sửa chữa máy tính cho khách hàng. Đến nhà 1 anh tên Thắng, (có cô vợ Pháp và 1 cô con gái), tôi ngồi cài lại Windows cho máy anh.

Việc cài máy này mất tầm 1 tiếng, thành ra có tí thời gian ngồi buôn chuyện với anh Thắng.

Thắng chia sẻ:

– Tớ mất 2 năm nghiên cứu về trà đạo để viết sách, xuất bản bên Pháp. Tớ nghiên cứu trà đạo Nhật, Trung quốc và Việt Nam. Rồi quyết định chọn một loại trà đạo để quảng bá bên Pháp. Theo cậu, tớ nên chọn trà đạo nào?

– Hơ… em nghĩ là Nhật hoặc Trung Quốc, chứ Việt Nam uống trà xuề xoà bỏ xừ…

– Lúc đầu tớ cũng nghĩ như cậu. Rồi sau khi nghiên cứu kỹ, tớ quyết định chọn trà đạo Việt Nam.

– Vì sao?

– Trà Nhật rất hay, rất kỹ và rất đẹp. Nhưng trà Nhật nó cầu kỳ quá, uống trà gì, buổi nào, mấy người, phải ngồi trong cái phòng thế nào, trong phòng trang trí những gì, quy trình uống phải tuân thủ các bước này nọ kia… nó ko thể ứng dụng cho cuộc sống công nghiệp bên Pháp. Chả ai có đủ thời gian và công sức để theo được như thế.

Trà Trung Quốc thì thoải mái hơn trà Nhật, uống lúc nào cũng được, ở đâu cũng được, mà số lượng các loại trà lại phong phú.

Nhưng bọn Trung Quốc có 1 cái cực đoan, là cho cái gì vào mồm thì cũng phải “bổ cái nọ cái kia”, “chữa bệnh này bệnh nọ”. Nghe thì có vẻ tốt, nhưng thực ra việc nói tới bệnh tật là tối kị bên Pháp. Dân Pháp rất sợ nói tới bệnh tật. Thành ra trà Việt Nam lại phù hợp, đủ tinh tế, đủ đơn giản và không cực đoan.

– Anh phân tích hay quá! Xưa nay em cứ coi trà Nhật với Trung quốc mới đẳng cấp. Thế anh định xuất bản sách để bán bên kia à?

– À, hình thức thì là bán như cho thôi. Mục tiêu chính là quảng bá trà đạo Việt Nam ở Pháp, rồi tớ sẽ xuất trà với ấm chén sang bên đấy bán. Chuẩn bị tháng sau sẽ xuất 2 container đầu tiên…

Câu chuyện còn lan man này nọ, nhưng đại ý nó là như thế. Anh Thắng ko kể kỹ về toàn bộ những điều anh đã nghiên cứu (về tài chính, về thói quen tiêu dùng của người Pháp…), nhưng tôi tin là anh đã làm đúng cho một kế hoạch “khởi nghiệp”.

Sau này tôi ko có cơ hội gặp lại anh Thắng, và cũng không biết thông tin gì về chuyện đi buôn ấm chén của anh bên Pháp nữa. Dù sao, buổi nói chuyện với anh đã gây ấn tượng mạnh tới tôi.

Hoá ra, tất cả những điều tôi đang “tin” là hoàn toàn cảm tính, thiếu nghiên cứu cụ thể. Mọi điều tôi làm, từ việc học hành, xin việc, đi làm… đều do cảm tính, và thông tin được nhồi nhét từ những phương tiện truyền thông. (cảm thấy ngành IT là sở thích, là xu hướng tương lai…), mà không hề có sự nghiên cứu cụ thể và mạch lạc về bản thân, về đường hướng cho công việc và sự nghiệp.

… Sau lần đó, tôi nghỉ việc.

Cấp Cứu