Nói đi cũng phải nói lại, trên thực tế không chỉ có các nghệ sĩ “hợp tác” với thuật toán để tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Dù khô khan và rập khuôn, các thuật toán cũng chỉ là sản phẩm của con người; đáng chú ý hơn, hầu hết những người điều khiển thuật toán hiện đều là kĩ sư làm việc ở Thung lũng Silicon.

 

Thêm vào đó, người dùng hiện tại vẫn có quyền quyết định cũng như sự tự do để lựa chọn cái họ thích và bỏ qua những thứ không vừa ý họ. Những quyết định của chúng ta sẽ góp phần tạo nên những gì phổ biến ở hiện tại lẫn những thứ được bảo tồn trong tương lai.

Tựu chung lại, một đầu của thuật toán là sự kiểm soát của giới kĩ sư, và đầu còn lại chịu sự ảnh hưởng của người tiêu dùng. Với việc công nghệ ngày càng lấn át tính nguyên bản và độc đáo, viễn cảnh này thực sự đã an ủi chúng ta đôi chút.

Khôi phục bản chất thị hiếu

Để kết thúc bài viết này, hãy cùng quay lại với thiết bị được đề cập ngay từ những dòng đầu tiên: camera gợi ý phong cách Echo Look của Amazon.

Thiết bị này làm được những gì? Đưa ra tỉ lệ phần trăm yêu thích những bộ trang phục mà chưa chắc người dùng sẽ thấy thoải mái (đó là chưa kể cái máy còn không giải thích được tại sao ra được tỉ lệ đó); chụp lại những bức hình rất vừa mắt nhưng chẳng khác gì những tấm gương – chỉ cho người dùng thấy những gì họ đã biết; và trên hết là chỉ đề xuất những lựa chọn được những người khác quan tâm chứ không hướng người dùng theo phong cách cá nhân của họ.

Kết luận: thiết bị không thấu hiểu người dùng, vì nó không thể cho người dùng biết họ cảm thấy thoải mái trong loại trang phục nào hay những cái họ mặc sẽ giúp họ thể hiện bản thân như thế nào trên góc độ tầng lớp xã hội hoặc giới tính. Có thể nói rằng ở thời điểm hiện tại, các thuật toán đã làm vơi đi sự nhạy cảm thẩm mĩ và nhận thức thị hiếu của chúng ta.

Dẫu cho Amazon có quảng cáo rằng Echo Look giúp người dùng tìm được phong cách phù hợp nhất, không khó để nhận ra ẩn ý kinh doanh đằng sau lời ca tụng trên. Một người dùng khi tham khảo áo sơ-mi kẻ ô sẽ nhận ngay một bảng quảng cáo toàn sơ-mi kẻ ô có màu sắc tương tự, không khác biệt hay kiểu cách hơn là bao so với cái áo người đó đang sở hữu.

Trên thực tế, Amazon đã sử dụng dữ liệu trang phục thu thập từ khách hàng để ra mắt các dòng sản phẩm của chính tập đoàn thương mại điện tử này; thế nên kết quả tìm chỉ toàn là những bản sao của bất kì trào lưu ăn mặc hiện nay.

Đứng trước tình hình trên, chúng ta – những người có thị hiếu đa dạng và quyền quyết định cố hữu – có thể quan tâm đến sự khác biệt giữa lựa chọn cá nhân và đề xuất của máy móc, thậm chí là quan tâm đến chính lĩnh vực thời trang, vì rằng thị hiếu có lẽ là thứ duy nhất còn lại giúp chúng ta không rơi vào sự đơn điệu…

… hoặc có thể thị hiếu là thứ đầu tiên chúng ta sẽ gạt đi, như lời nhận xét về thời trang thuật toán của một giám đốc của hãng thời trang công nghệ Stitch Fix: “Nếu như thời trang công nghệ tỏ ra hiệu quả thì tôi nghĩ khách hàng cũng chẳng quan trọng việc máy móc thiết kế hay đề xuất trang phục họ đang mặc.”.

Rõ ràng lựa chọn đầu tiên sẽ khả dĩ hơn. Sau cùng thì chúng ta không muốn máy móc chi phối cả sở thích lẫn tính sáng tạo – hai trong số đặc trưng cơ bản của nhân loại – không chỉ trong lĩnh vực thời trang, mà còn cả âm nhạc, điện ảnh, hội họa, văn học, và những loại hình nghệ thuật khác.

Một dòng cuối cho cụm camera Echo Look: người dùng sẽ chỉ ‘nhìn thấy’ những kiểu mẫu rập khuôn ‘vang vọng’ lại về phía họ.

Quốc Huy (Theo Racked)