Khối camera nhỏ, trắng, đứng vững vàng trên chân đế, bên ngoài phủ một lớp bọc mượt, còn bên trong thì tích hợp một micro, một loa, và một thấu kính trông như con mắt. Khi đặt khối camera này lên giá, nó sẽ bảo người dùng nhìn thẳng vào nó và “đừng quên mỉm cười!”.

Sau đó, một cái đèn sẽ nhấp nháy, và rồi đèn chớp sáng lên – kết quả là một bức ảnh chụp từ đầu đến chân xuất hiện trên màn hình điện thoại, trông như hình phản chiếu từ một tấm gương lớn: chủ thể trong hình hơi ngượng ngập, mặc bộ quần áo rất bình thường, còn bối cảnh trong hình thì được làm mờ. Thật là một bức ảnh không được hấp dẫn cho lắm…

… nhưng đó là một bức ảnh được chụp bằng Echo Look – một thiết bị thông minh mới của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon (chính là khối camera trắng nhỏ trên chân đế).

Với lời giới thiệu “giờ đây trợ lí ảo sẽ giúp bạn tìm được vẻ ngoài tuyệt nhất”, Echo Look cho phép người dùng tự chụp chính họ và đánh giá lựa chọn trang phục của họ. Người dùng đứng trước Echo Look và tự chụp trong nhiều bộ trang phục khác nhau. Trong vòng 1 phút, trợ lí ảo Alexa của Amazon sẽ cho biết bộ cánh nào đẹp hơn.

Sau khi sử dụng Echo Look một thời gian, một người dùng nọ nhận thấy những kết quả lựa chọn của Echo Look như sau: “mặc một bộ đồ đen sẽ đẹp hơn mặc một bộ đồ xám”, “xắn ống tay áo lên sẽ đẹp hơn cài nút ở cổ tay”, “quần jean xanh là số một”, “dựng cổ áo thực ra vẫn ổn”…

Những bộ cánh đem ra so sánh sẽ được chấm điểm theo số phần trăm, như “đồ đen được 73% trong khi đồ xám chỉ có 27%”. Tuy nhiên, đằng sau những tư vấn và đánh giá trên lại không có một lời giải thích nào ngoại trừ một lời thông báo “bộ trang phục được phối như vậy khiến bạn trông đẹp hơn” của ứng dụng Echo Look.

Thật vậy, Echo Look không hề đưa ra lí do cho đề xuất trang phục; nhiệm vụ của sản phẩm này là gợi ý cho người dùng thấy một bộ trang phục lí tưởng. Nhiệm vụ này cũng tương tự như nhiệm vụ của các thuật toán đằng sau đề xuất phim của dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix, mục Khám phá của nền tảng nghe nhạc Spotify, hay trang tin tức của Facebook và YouTube.

Tất cả những thuật toán của các nền tảng trên đều có mục tiêu mang đến cho người dùng một gợi ý hợp ‘gu’ với từng người.

Câu thông báo nước đôi “bộ trang phục được phối như vậy khiến bạn trông đẹp hơn” của Echo Look đã dấy lên vấn đề giữa thị hiếu cá nhân và trải nghiệm sử dụng các sản phẩm thuật toán, bao gồm những câu hỏi về sở thích và lí do cho sở thích, cũng như hệ quả xảy ra khi sở thích ngày càng do những sản phẩm công nghệ (như cụm camera ở đầu bài) chi phối.

Thị hiếu là một đặc điểm của con người, nó tồn tại gần như vô thức – bằng chứng là chúng ta thích hoặc không thích một thứ gì đó mà không rõ nguyên do. Thực tế con người không tính toán hay đo đạc sở thích mà chỉ đơn thuần cảm nhận nó một cách cá nhân. Vì thế, có thể nói việc thay thế đánh giá cảm quan bằng thuật toán (như trường hợp của Echo Look) làm mất đi “tính người” của chúng ta.

 

 

Mọi thành tố văn hóa chúng ta thẩm mĩ hóa và thưởng thức – “những lựa chọn đời thường nhất trong cuộc sống đời thường của chúng ta, như nấu nướng, ăn mặc, trang trí”, như nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu đã viết trong cuốn Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste năm 1984 – đều là một phần quan trọng trong cá tính của chúng ta và phản ánh chính con người chúng ta.

Với lí lẽ này, việc chúng ta để cho các thuật toán được cập nhật dữ liệu liên tục và do các ông lớn công nghệ nắm giữ chi phối thị hiếu của chúng ta cũng phản ánh rằng chúng ta chỉ là những kẻ phụ thuộc vào máy móc.

Quốc Huy (Theo Racked)