Thật may là vẫn có những nền tảng khác thay thế cho những cái tên nổi bật hiện tại. Nếu Gap là nền tảng bán lẻ trực tuyến trang phục cơ bản chính hiệu, thì những cái tên khác như Everlane và Entireworld cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường.

Thay vì nghe nhạc trên Spotify, người dùng có thể tìm đến The Overflow nếu muốn thưởng thức nhạc thánh ca hoặc Primephonic nếu muốn hòa mình vào các giai điệu nhạc cổ điển ở chất lượng cao.

Thậm chí những nền tảng số còn được sử dụng để quảng bá cho những vật dụng không ở dạng số. Công ty khởi nghiệp Feather (có giao diện trực tuyến là một trang web cho thuê đồ nội thất) đề xuất cho khách hàng thuê một bộ giường kèm bàn đặt ở đầu giường và khung giường với giá 109 đôla Mỹ/tháng – toàn bộ bộ nội thất này có vẻ ngoài tinh giản được sao chép nhưng lại thiếu nét nổi bật.

Tương tự, các công ty thời trang như Gustin và Taylor Stitch huy động vốn từ người dùng để tạo ra sản phẩm bằng cách thu thập đơn đặt hàng trước khi sản xuất ra bất kì cái áo hay cái quần nào – dễ thấy là hoạt động của các công ty này phụ thuộc vào hành động của người dùng thay vì khả năng sáng tạo của đội ngũ thiết kế.

Còn sản phẩm của các công ty này thì sao? Chúng cũng nhàm chán như những chiếc đồng hồ được tặng trên Instagram, khi mà các công ty này chỉ biết hết lần này đến lần khác cho ra mắt những bộ đồ dã ngoại quê mùa làm từ vải thủ công.

Những công ty trên cho thấy người dùng vừa có thể hưởng lợi từ những nền tảng số và những thuật toán đề xuất lựa chọn, vừa có cảm giác thỏa mãn giả tạo khi biết rằng nội dung họ khám phá do con người tạo ra. Vậy thì tại sao không nhờ một người chuyên gia đề xuất?

Theo trang web công nghệ The Verge, một nhạc công tên là Deb Oh làm công việc tự do là đề xuất nhạc trên Spotify thông qua dịch vụ của cô là Debop, và một danh sách nhạc tùy chọn do cô làm ra có giá 125 đôla Mỹ.

Deb Oh dựa vào cái mà cô mô tả một cách mỹ miều là “bản giao hưởng thuật toán” để tìm nhạc, và rồi những danh sách nhạc cô ấy tạo ra lại dễ dàng kiểm soát và có tính thị hiếu cá nhân hơn.

Dịch vụ do Deb Oh cung cấp chứng tỏ người dùng phải trả nhiều tiền để có trải nghiệm yêu thích một cách thực sự và nguyên bản, khác xa với những đề xuất do các công ty công nghệ quảng cáo đầy rẫy trên mạng. Trong tương lai, thị hiếu sẽ ngày càng được tích hợp vào các nền tảng công nghệ.

Sẽ không có lựa chọn nào khác cho người dùng, trừ khi họ không hề sử dụng bất kì nền tảng nào trên bất kì lĩnh vực văn hóa nào: công nghệ, thời trang, nội thất, âm nhạc, hội họa, phim ảnh, truyền thông.

Phong cách “Vô phong cách”

Trở lại với lĩnh vực thời trang: mỗi hãng đồ hiện nay đều có nền tảng riêng, cung cấp hằng hà sa số những lựa chọn trang phục và phụ kiện theo mùa để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng thông qua chỉ một hệ thống đề xuất thị hiếu.

LOT2046 là một hãng đồ nhỏ, độc lập, hoạt động dựa trên thuật toán (tất nhiên) với tôn chỉ rất đơn giản: gu trang phục của người dùng chỉ gói gọn trong một vài tiêu chí mà máy tính sẽ tùy biến để tạo ra bộ đồ phù hợp, nếu có thêm kiểu cách thêm thắt thì chỉ là những lựa chọn như “tất ngắn hay tất dài” hay “cổ tròn hay cổ chữ V”.

LOT2046 là một hãng thời trang đề cao thuật toán. Theo lời nhà sáng lập hãng này là Vadik Marmedalov – một người thích đứng ở hậu trường, bất kì công nghệ nào cũng phải thấu hiểu nhu cầu người dùng hơn chính cả bản thân người dùng, và công nghệ phải có khả năng báo cho người dùng biết họ muốn gì trước khi họ có ý muốn.

Với Marmedalov, công nghệ không chỉ đề xuất mà phải quyết định thay người dùng trong mọi việc, từ lên kế hoạch đi dã ngoại cho đến đặt cà phê sáng. Nói cách khác, công nghệ phải chi phối toàn bộ thị hiếu người dùng.

Cũng theo Marmedalov, để dành việc quyết định thị hiếu cho những nền tảng như LOT2046 sẽ giúp người dùng bớt lo nghĩ về thời trang và để dành đầu óc cho những vấn đề lớn lao hơn (như suy ngẫm về cái chết).

Điều này đảm bảo rằng bằng cách hạn chế tối đa những tiêu chí, thuật toán rốt cuộc sẽ giúp con người thể hiện cá tính không chỉ thông qua trang phục mà qua sự tồn tại của họ trên đời.

Những tôn chỉ trên của LOT đã dần phản ánh trong đời sống hiện nay, khiến chúng ta tự vấn “tại sao chúng ta không ngừng ra quyết định về những gì ta sử dụng nếu những quyết định đó không phản ánh về con người chúng ta?”.

Đến đây, mỗi người trong chúng ta nên tự nhủ:

  • Tôi thích những gì tôi thích, bất chấp việc chúng nhận được “like”, trở nên phổ biến, hay được một thuật toán nào đó biến thành dữ liệu.
  • Tôi cũng không phủ nhận rằng tôi chắc chắn bị ảnh hưởng bởi Phong cách Đại chúng hiện tại.

Quốc Huy (Theo Racked)