Khi thuật toán ngự trị trên mọi ứng dụng và ưu tiên nội dung dựa trên dự đoán tương tác, mỗi ứng dụng sẽ cho ra một Phong cách Đại chúng vốn được tối ưu hóa cho cấu trúc đặc thù của nền tảng đó.

Phong cách Đại chúng sẽ phát triển và định hình qua những lần cập nhật ứng dụng và những đề xuất thuật toán đưa ra cho người dùng.

Khi chúng ta bắt gặp Phong cách Tổng quát này ngoài trong cuộc sống, một nỗi lo khác lại dấy lên: đó là một trải nghiệm không giống con người, mà cũng chẳng chân thực – chúng ta tự hỏi “liệu ta có thể tự quyết định hay máy móc còn hiểu chúng ta hơn chúng ta hiểu chính mình?”.

Nỗi lo này có lẽ chẳng khác gì bản sao của cuộc tranh cãi giữa quyền tự quyết và số phận.

Chiến dịch Chống rập khuôn nội dung

Chúng ta có thể làm gì trong bối cảnh thị hiếu do kĩ thuật số quyết định ngày càng phổ biến?

Tự ý thức và hạn chế tầm ảnh hưởng của thuật toán là một cách. Theo cách này, người ta bỏ qua những xu hướng thời trang hiện tại và quay lại với quần ống loe và những bộ trang phục được nhuộm theo kiểu cột thắt (tie-dye), người ta chỉ đọc những cuốn sách mà họ bất chợt bắt gặp trong hiệu sách cũ, người ta chỉ xem những kênh truyền hình địa phương, chỉ mua đĩa nhựa để nghe nhạc, chỉ viết thư, chỉ đọc báo in và bỏ qua mạng xã hội, chỉ mang trên người những món đồ cổ họ săn được.

Cũng như phong trào đập phá máy móc của công nhân dệt may để phản đối ứng dụng tự động hóa trong ngành dệt may thời thế kỉ 19, chiến dịch Chống rập khuôn nội dung nhằm mục đích phục hồi tính nguyên bản của của thị hiếu – hướng đến những sự vật “độc đáo, bí ẩn, và chân thực”.

Tuy nhiên, ngay khi những “độc đáo, bí ẩn, và chân thực” xuất hiện và lan truyền trên Internet, chúng lại đi vào vết xe đổ của sự rập khuôn, để rồi trở nên quá mức phổ biến như trường hợp của Màu hồng Thiên niên kỉ vào năm 2017 (thời gian mà mọi sự vật từ quần áo đến đồ công nghệ đều có bản… màu hồng).

Có thể thấy, văn hóa thuật toán không mang đến sự đa dạng quan điểm và đặc tính: nếu một phong cách gây được chú ý, nó sẽ sẽ trở thành một phần Phong cách Đại chúng; ngược lại, nó sẽ bị đào thải khỏi sự quan tâm của công chúng.

Vì thế, ngoài chiến dịch trên, chúng ta còn phải khám phá thị hiếu của mình một cách thủ công – hay nói cách khác là phải tách bạch giữa sự ham thích tìm tòi và mạng Internet.

Ham thích tìm tòi trong thời đại số

Hãy cùng quay ngược lại những năm đầu thập niên 2000 – thời điểm chưa có mạng xã hội lẫn những thuật toán tự tùy biến để chọn lọc nội dung. Những nguồn duy nhất để người ta thỏa mãn sở thích của họ là những diễn đàn, nơi các thành viên đưa ra đề xuất “nghe nhạc gì”, “mang giày nào”, và các trang phát nội dung bất hợp pháp – tất nhiên là những trang này không có mục “You may also like this” với những đề xuất của nó.

Những nguồn này là phiên bản số của các cửa hàng đĩa nhựa: bạn tìm chọn một thứ bất kì, thử qua nó – bạn có thể thích hoặc không thích, rồi bạn lại thử một thứ khác, lặp đi lặp lại như vậy để rồi hình thành thị hiếu của mình và thậm chí cả bản chất con người bạn.

Giờ đây, YouTube gợi ý các đoạn phim, Netflix gợi ý các chương trình truyền hình, Amazon gợi ý trang phục, và Spotify gợi ý những bài nhạc. Nếu những thứ được gợi ý không khớp với mong muốn người dùng, các nền tảng trên lại tự tạo nội dung sao cho khớp. Dù vậy, người dùng vẫn cảm thấy những thứ được gợi ý không hấp dẫn như những thứ trước đây họ tìm tòi, săn lùng, vọc vạch.

Công bằng mà nói, việc trải nghiệm những nội dung được gợi ý như vậy thật không thỏa đáng cho người dùng. Điều này không có nghĩa là người dùng không thích các chương trình của Netfilx hay các danh sách bài hát trên Spotify – những thứ này được tạo ra với mục đích để người dùng thích, nên tất nhiên người dùng vẫn có thiện cảm với chúng, chỉ là người dùng không hào hứng như đã từng hào hứng với các trải nghiệm xưa cũ trước đây.

Quốc Huy (Theo Racked)