Sản phẩm graphene của Nano Life đã được kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các phòng thí nghiệm trong nước và Nhật. Nano Life cũng đang đăng ký sáng chế cho công nghệ này tại Mỹ.

Tại cuộc thi Vietnam Startup Wheel 2018 vừa qua, nhóm Nano Life đã khiến ban giám khảo bất ngờ với dự án sử dụng mỡ động vật tái chế để sản xuất graphene.

Với đặc tính siêu nhẹ, siêu mỏng, siêu bền và khả năng dẫn nhiệt, graphene được giới khoa học đánh giá là vật liệu tương lai trong nhiều lĩnh vực

Vật liệu ‘trong mơ’ của công nghiệp điện tử

Được coi là “siêu vật liệu” của tương lai, graphene đang thu hút sự chú ý của giới khoa học và công nghệ. Graphene có thể sử dụng để tạo ra các tấm vật liệu cực nhẹ, mỏng hơn túi bọc thực phẩm tới 60.000 lần và gần như trong suốt.

Độ bền của graphene thậm chí còn hơn thép tới 200 lần và có khả năng dẫn nhiệt tốt. Với những đặc tính đó, graphene là ‘vật liệu trong mơ’ cho các thiết bị điện tử trong tương lai.

Năm 2014, các nhà khoa học tại đại học Rice của Mỹ đã phát hiện graphene trộn lẫn vanadi oxit có thể tạo ra cực âm pin với khả năng sạc tới 90% dung lượng chỉ trong 20 giây. Thậm chí sau 1000 chu kì sử dụng, khả năng sạc của pin vẫn được giữ nguyên.

Ngoài ra, Đại học công nghệ Michigan cũng nhận ra graphane có thể thay thế platinum, một thành phần quan trọng nhưng có giá thành rất đắt trong các tế bào năng lượng mặt trời.

Đặc biệt với các thiết bị di động, tiềm năng của graphene không dừng ở chế tạo pin hay chip mà còn mở ra khả năng sản xuất các dòng điện thoại, thiết bị đeo siêu dẻo, siêu bền.

Các hãng điện tử hàng đầu như Apple, IBM, Samsung đang chạy đua nghiên cứu về loại vật liệu mới này. Từ năm 2003 khi graphene được phân tách thành công cho tới nay, đã có hơn 5000 sáng chế liên quan đến vật liệu này.

Giá thành bằng 20% và thân thiện môi trường

Lê Minh Tuấn trình bày dự án tại vòng chung kết Vietnam Startup Wheel 2018

Dù có tiềm năng ứng dụng rất lớn nhưng đến nay graphene vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Một nguyên nhân chính nằm ở việc giá thành sản xuất graphene còn cao.

Theo nhóm Nano Life, graphene hiện nay hầu như toàn bộ sản xuất từ than, không thân thiện với môi trường. Tùy loại graphene có giá thành trên thị trường từ 50 USD/gram cho tới 100$/cm vuông.

Lê Minh Tuấn – Đại diện của Nano Life, khẳng định công nghệ sản xuất graphene từ mỡ động vật tái chế có giá thành chỉ bằng khoảng 20%. Đồng thời, việc sử dụng mỡ động vật tài chế cũng góp phần xử lý chất thải hữu cơ, bảo vệ môi trường.

Nếu chỉ tính riêng thị trường smart phone (1.55 tỷ chiếc được bán ra trong năm 2017), việc sản xuất graphene giá rẻ đã có thể mở ra thị trường trị giá hàng tỷ đô la.

Dự án của Nano Life đã thuyết phục được ban giám khảo của Vietnam Startup Wheel 2018 và giành được giải thưởng cho dự án sáng tạo nhất.

Đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT MoMo, thành viên ban giám khảo nhận định: “Đây là sản phẩm rất khó, đòi hỏi công nghệ cao mà ngay cả trên thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Nếu sản phẩm này có thể thực sự sản xuất ở Việt Nam thì sẽ là bước đột phá rất lớn.”

“Sản phẩm của nhóm đã được kiểm tra tại một số phòng thí nghiệm trong nước và tại Nhật Bản. Nhóm cũng đang đăng ký sáng chế tại Mỹ và sẽ tập trung phát triển ở thị trường này. Sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất, dự kiến có thể sản xuất 1 tấn Graphene mỗi tháng ngay trong năm đầu sản xuất”, Lê Minh Tuấn cho biết.

Phạm Sơn – Khampha.vn

Bài gốc