VNPT sẽ là đầu mối hỗ trợ các công nghệ như AI, blockchain, VR,…cho các dự án hoàn thiện, phát triển sản phẩm quy mô toàn cầu.

VNPT sẽ hỗ trợ nhiều công nghệ, cố vấn cho các dự án tham gia Nhân tài Đất Việt. Ảnh: Hà Thế An. 

Thông tin này được chia sẻ tại Lễ phát động khu vực phía Nam giải thưởng này được tổ chức tại Công viên phần mềm Quang Trung sáng 28/05.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty truyền thông VNPT – Media thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), năm nay tại hạng mục “Công nghệ thông tin” (CNTT) của giải thưởng sẽ có thêm hạng mục “Sản phẩm CNTT khởi nghiệp” với sự khuyến khích các dự án khởi nghiệp sáng tạo ở dạng ý tưởng, có sản phẩm mẫu và cần nguồn lực để phát triển.

Theo đó, VNPT sẽ là đầu mối hỗ trợ các startup sử dụng các nền tảng của VNPT như AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain, VR (thực tế ảo),…nhằm giúp các dự án hoàn thiện, phát triển sản phẩm quy mô toàn cầu. Đây cũng là mục tiêu mà VNPT hướng đến nhằm đưa trí tuệ Việt ra thế giới.

Năm 2019, giải thưởng Nhân tài Đất Việt kỳ vọng sẽ lan tỏa đến cộng đồng trí thức Việt đang học tập, nghiên cứu trên khắp thế giới. Hiện đã có một số dự án của người Việt ở nước ngoài đăng ký tham gia giải thưởng.

“Chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm chín muồi để đưa ra các chương trình hỗ trợ với những công nghệ, cơ sở dữ liệu mà VNPT đang có để hỗ trợ cộng đồng trong bối cảnh làn sóng chuyển đổi số đã len lỏi vào nhiều doanh nghiệp và cộng đồng. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp, hỗ trợ các dự án tham gia giải thưởng hạ tầng, công nghệ, dữ liệu mà VNPT đang xây dựng. Chúng tôi cũng sẽ cố vấn về mặt con người, bao gồm các chuyên gia nhằm giúp các dự án đi đúng hướng”- ông Tấn nói.

Cũng theo vị Phó tổng giám đốc VNPT, đơn vị hoàn toàn có thể trở thành nhà đầu tư cho các dự án chất lượng hay hợp tác đề cùng nhau thương mại hóa sản phẩm CNTT có tính tăng trưởng cao. VNPT cũng sẽ tiếp nhận những nhân tài trong lĩnh vực CNTT đưa vào các dự án phát triển công nghệ của công ty.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó tổng biên tập báo điện tử Dân Trí chia sẻ, giải thưởng Nhân tài Đất Việt với hạng mục mới ở lĩnh vực CNTT nhằm hướng đến khuyến khích các dự án khởi nghiệp sáng tạo của các bạn trẻ với tiềm năng thương mại hóa quy mô toàn cầu.

“Với sự tham gia hỗ trợ, đồng hành từ phía doanh nghiệp là VNPT chúng tôi tin tưởng, những sản phẩm công nghệ với trí tuệ Việt sẽ lan tỏa không chỉ trong nước mà ở quy mô quốc tế. Điều đó thể hiện ở năng lực biến ý tưởng thành sản phẩm thực tiễn của đội ngũ trí thức chúng ta”- ông Tuấn Anh nói.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó tổng biên tập báo Dân Trí phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt tại Công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Bạn Nguyễn Trọng Vịnh, sinh viên khoa cơ – điện tử, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) chia sẻ, bản thân đang phát triển một dự án sử dụng robot trong nhà hàng. Vịnh bày tỏ sự ủng hộ và kỳ vọng lớn vào việc doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp ở dạng ý tưởng và có sản phẩm mẫu.

“Đây là một nguồn lực quan trọng để chúng em kiểm chứng tính thương mại hóa của sản phẩm và thay đổi sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Ở môi trường doanh nghiệp, chúng em sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng và cách làm việc trong môi trường thực tế, đòi hỏi tính hiệu quả cao”- Vịnh chia sẻ.

Nhân tài Đất Việt là giải thưởng do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng. VNPT và báo điện tử Dân Trí là hai đơn vị đồng tổ chức từ năm 2004. Giải thưởng tôn vinh các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong 4 lĩnh vực là: CNTT, khoa học ứng dụng, y dược và môi trường, với tổng tiền thưởng là 1,1 tỉ đồng.

Với lĩnh vực CNTT, sẽ có 4 hạng mục sản phẩm sẽ được trao giải trong năm 2019 là: sản phẩm số triển vọng, sản phẩm CNTT kết nối di động, sản phẩm CNTT khởi nghiệp.

TP.HCM là địa phương luôn có lực lượng tham gia giải thưởng đông đảo qua các năm. Trong 14 năm qua, TP.HCM đã đạt nhiều giải cao của giải thưởng này. Cụ thể, năm 2014, sản phẩm “Chip vi điều khiển 8 – bit thương mại của Việt Nam SG8V1” của ICDREC – ĐH Quốc gia TP.HCM đạt giải Nhất hạng mục “Sản phẩm CNTT thành công”.

Sản phẩm “Busmap” (ứng dụng hỗ trợ người đi xe buýt) của Lê Yên Thanh, cựu sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đạt giải Nhì hạng mục “Ứng dụng trên thiết bị di động”.

Hà Thế An – Khampha.vn

Bài gốc