Startup Việt tăng mạnh thu hút vốn nhưng vẫn lộ nhiều điểm yếu
Từ năm 2014 đến nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam (startup Việt) thu hút vốn tăng mạnh cho thấy trào lưu đầu tư vào khối doanh nghiệp này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh những điểm mạnh startup Việt cũng còn bộc lộ nhiều điểm yếu.
Thu hút vốn tăng gấp 3 lần
Một thống kê sơ bộ từ Topical Founder Institute (TFI) cho thấy, năm 2017 Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư vào startup với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về số thương vụ và tăng gần 50% về giá trị vốn đầu tư so với năm 2016.
Sang năm 2018, lượng startup Việt nhận được đầu tư và giá trị tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, năm 2018 tổng số vốn đầu tư vào startup Việt lên đến 889 triệu USD, tăng gấp ba lần so với năm 2017.
Năm 2018 Việt Nam cũng tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư vào startup, nhưng trong đó 10 giao dịch hàng đầu đã mang về 734 triệu USD, chiếm đến 83% tổng giá trị thỏa thuận. Đó là những giao dịch trên 30 triệu USD đổ Sendo, Tiki hay một số thương vụ dù không được tiết lộ công khai nhưng được cho là giá trị lớn như MoMo.
Điều đáng ghi nhận là, trong tổng giá trị thỏa thuận thì vốn đầu tư từ chính nhà đầu tư nội lại chiếm phần lớn, đến hơn 500 triệu USD, tương ứng với khoảng 60% giá trị đầu tư.
Năm 2018 cũng là năm được mùa của các startup về tài chính (Fintech) với 8 thương vụ có tổng giá trị thỏa thuận 117 triệu USD, sếp sau là lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch… Theo ông Mai Duy Quang – đại diện ban lãnh đạo TFI, số lượng startup tại Việt Nam mỗi năm tăng đều đặn.
Một con số thống kê sơ bộ cũng cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng 3.000 startup đang hoạt động. Tuy nhiên, đa phần là các startup với quy mô nhỏ.
Bộc lộ nhiều điểm yếu
Các chuyên gia tư vấn về startup đánh giá rằng, nhìn chung điểm yếu dễ nhận thấy nhất tại nhiều startup Việt chủ yếu là người sáng lập thiếu các kiến thức, kĩ năng về quản trị, kế toán.
Ở một góc nhìn khác, một số startup Việt cũng cho thấy việc thiếu tập trung khi thể hiện quá nhiều ý tưởng mà thiếu điểm nhấn. Nhiều startup chưa tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề mà xã hội đang rất cần thiết. Nói như một nữ doanh nhân từng thành đạt với startup về công nghệ: “Mở quán trà sữa cũng gọi là khởi nghiệp là có thể bị lệch”.
Cũng theo nữ doanh nhân này, nhiều bạn trẻ đang dễ cảm thấy tự hài lòng với thành công ban đầu khi nhận được khoản vốn đầu tư, dẫn đến chủ quan, gọi là “ngủ quên trên chiến thắng”, nhưng thực chất cũng chưa thể gọi là chiến thắng được.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng – sáng lập và CEO của GotIt, một startup đã gọi vốn thành công 9 triệu USD. Ảnh: Zing.vn
Theo thống kê của TFI, lượng startup thu hút vốn thành công dựa vào các nền tảng công nghệ đang tăng mạnh tại Việt Nam là điều đáng mừng.
Nhưng theo nhiều chuyên gia, mặt chưa được của nhiều startup là lĩnh vực chọn khởi nghiệp chưa có một tiềm năng thị trường đủ lớn để thuyết phục được các nhà đầu tư. Cùng với đó là thiếu các kiến thức nền tảng như quảng trị doanh nghiệp, pháp luật, thị trường…
Thế Lâm – Báo Lao động