Hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam đang thu hút hàng loạt các nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn…

Một quỹ đầu tư nước ngoài tham quan mô hình sản xuất dược liệu sạch của Nguyễn Thị Thu

Mặc dù tỷ lệ các doanh nghiệp startup thành công chưa cao nhưng vườn ươm startup đang ngày càng cho nhiều trái ngọt hơn.

Đừng mong ngồi một chỗ há miệng chờ sung

Vừa cúp điện thoại bàn về đơn đặt hàng của đối tác, nữ giám đốc gần 30 tuổi Nguyễn Thị Thu cười tươi chia sẻ: “Không biết mọi người thế nào chứ em ở đây nhận được quá nhiều sự giúp đỡ”.

Năm 2015, Thu quyết định từ bỏ công việc kế toán ổn định, về quê dấn thân làm nông nghiệp sạch. Ngày ngày quần quật “xắn quần lội ruộng”, tưới phân, cắt cỏ cô gái trẻ cùng chồng kiên trì từng bước gây dựng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại ATK Việt Nam (thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội), chuyên sản xuất cung ứng thảo dược thuần tự nhiên như: Trà chùm ngây, trà đinh lăng, trà cà gai, dầu gội thảo dược, bột rau sấy lạnh…

“Khởi nghiệp ban đầu khi trong tay chỉ có 38 triệu đồng. Vạn sự khởi đầu nan, vốn và thị trường vẫn là hai yếu tố gây khó khăn nhất đối với những startup nhỏ như em”, cô “giám đốc nông dân”- cái tên được người dân địa phương đặt cho Thu nhớ lại.

Thiếu vốn, thiếu công nghệ sản xuất, chỉ có ý tưởng và năng lượng là tràn đầy trong Thu những ngày đầu. Không chịu để cái khó “bó” cái khôn, cô xục xạo tìm hiểu, gõ cửa tất cả những nơi có thể hỗ trợ dự án của mình, từ phòng kinh tế huyện, trung tâm khuyến nông tỉnh tới các vườn ươm, quỹ đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước.

“Căn bệnh của chủ DN trẻ bắt nguồn từ thiếu kinh nghiệm lập dự án, vướng cái gì cũng thấy sợ, nghĩ thủ tục hành chính phức tạp lắm. Vậy nên, họ chỉ đứng ngoài kêu than mà không tìm ra giải pháp, bắt tay làm thực sự”, Thu nói.

Vừa làm, vừa học từ những huấn luyện viên của vườn ươm khởi nghiệp, không chỉ trực tiếp lập dự án, cô “giám đốc nông dân” còn mạnh dạn thuê gom đất ruộng, tự tay cày cuốc làm mô hình hệ sinh thái dược liệu sạch.

Mồ hôi và cả nước mắt gượng dậy sau những trận mưa lụt thất bát của vợ chồng Thu cuối cùng cũng thuyết phục được “lòng người”. Ban đầu công ty được huyện hỗ trợ vốn đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho vùng nguyên liệu, máy cối nghiền…

Tiếp theo đó là niềm vui lớn khi doanh nghiệp của Thu được tổ chức phi chính phủ Thriive lựa chọn và hỗ trợ máy sấy đa năng, máy đóng gói sản phẩm và kho lạnh. Rồi hội phụ nữ, đoàn thanh niên tại địa phương cũng tạo điều kiện cho Thu vay vốn, giúp đỡ kết nối sản phẩm vào hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại…

“Ban đầu em cũng nghĩ làm dự án xin hỗ trợ vốn Nhà nước không những thủ tục rườm rà mà còn dễ mất tiền “chạy” lắm. Tuy nhiên, làm rồi mới thấy tất cả đều minh bạch, không có chuyện phải bôi trơn người nọ, người kia.

Vấn đề là phương án phải khả thi, mình phải làm thật, làm chuẩn, không phải vẽ ra dự án để xin tiền”, Thu nói và thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệp lập dự án. “Ban đầu mình phải tìm hiểu rồi mới tiếp cận xem việc hoàn thiện thủ tục pháp lý như thế nào, điều kiện ra sao, mình có đáp ứng được hay không…

Làm nghiêm túc chứ không phải hời hợt. Đừng bao giờ nghĩ đi lấy tiền của người ta để về làm việc riêng của mình; từng đồng tiền hỗ trợ phải được sử dụng đúng mục đích. Gặp khó khăn thì mạnh dạn đặt vấn đề để tìm phương án tháo gỡ, còn nếu cứ ngồi một chỗ mong “há miệng chờ sung” thì không có đâu”.

Từng bước đi lên, tới nay doanh nghiệp của Thu đạt doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm. Để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến dược liệu, Thu còn đứng ra thành lập Hợp tác xã mang thương hiệu Tâm An với 4,5ha đất canh tác. Hiện, các loại trà và mỹ phẩm thảo dược Tâm An đã có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn như: Lotte, AEON, UCA… đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Giám đốc trẻ Nguyễn Thị Thu (trái) dấn thân với sản xuất dược liệu sạch

Startup không chỉ cần tiền

Đầu năm nay, Finhay, một startup về công nghệ tài chính ở Việt Nam đón nhận tin vui khi được rót vốn gần 1 triệu USD từ quỹ Insignia Ventures Partners và các nhà đầu tư khác.

Ngay từ đầu khởi nghiệp, Finhay đã đặt mục tiêu giúp các bạn trẻ sinh ra trong giai đoạn 1980 – 2000, tiếp cận các quỹ tài chính tại Việt Nam để tiết kiệm thông minh và đầu tư với số tiền chỉ từ 50 nghìn đồng.

Anh Nghiêm Xuân Huy, Giám đốc, kiêm sáng lập Finhay cho biết, không chỉ kết nối đầu tư siêu nhỏ, web và ứng dụng di động Finhay phân tích “khẩu vị rủi ro” của người dùng, rồi tự động đề xuất, quản lý danh mục tiết kiệm và đầu tư cho họ. Dịch vụ thu phí bảo trì và rút tiền nhưng miễn phí đầu vào.

Tiềm năng là vậy nhưng việc gọi vốn đầu tư lại không hề dễ dàng. Sau nửa năm thuyết phục, đầu năm 2018, nhà đầu tư thiên thần Nguyễn Hoàng Giang từ VNDirect và quỹ H2 Ventures của Australia đã quyết định xuống vốn cho Finhay 100 nghìn USD.

“Đó là lúc tôi bắt đầu cảm nhận núi áp lực đè lên vai”, Huy chia sẻ và nhấn mạnh: “Khi gọi đầu tư, startup không chỉ nhận tiền mà cần hỗ trợ một mạng lưới và tư vấn”.

Là một trong những vườn ươm doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được thành lập tại Đà Nẵng vào đầu năm 2017, Công ty CP Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn (Songhan incubator) ra đời với sứ mệnh thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và ươm tạo các tài năng doanh nhân trên toàn quốc.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Lý Đình Quân, Giám đốc Songhan incubator khẳng định, không thiếu nguồn vốn hỗ trợ, chỉ lo thiếu dự án tốt và tinh thần dám làm tới cùng của startup.

Theo đó, khi được lựa chọn, các startup sẽ được công ty hỗ trợ vốn ươm tạo miễn phí dự án, lo hết từ chuyên gia đào tạo tới nơi làm việc, kết nối nguồn lực, công nghệ và đầu ra. Bù lại khi đã thành mỗi startup sẽ trả lại cho vườn ươm này 5 – 10% cổ phần.

Được biết, trong số 28 dự án startup được Songhan incubator hỗ trợ, tới nay số thành công chiếm một nửa, còn một nửa đã thất bại. “Các startup ban đầu đều gặp rất nhiều khó khăn trong khi đội ngũ nhân lực chưa hoàn thiện nên dễ nản và buông xuôi. Có những dự án lập ra từ những ước mơ, tinh thần rất nhân văn, được hỗ trợ nuôi thành hình hài khả thi…

Nhưng khi triển khai thực tế, startup lại chưa quyết liệt, thiếu tư duy sáng tạo, kỹ năng hợp tác, không vượt qua được chính mình. Thay vì làm chủ, các bạn bỏ cuộc quay lại đi làm thuê ổn định cho “nhẹ đầu”, ông Quân nhận định.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), sau 3 năm triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) đã hỗ trợ kinh phí cho hơn 60 dự án do gần 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam thực hiện.

“Chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang có sự cải thiện, minh chứng bằng số lượng vốn đầu tư liên tục tăng từ năm 2016 tới nay.

Đặc biệt năm 2018 đã thu hút tới 890 triệu USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang có sức hút mạnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ trong khu vực và trên thế giới.

Ngày càng nhiều tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư nước ngoài như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… mở văn phòng đại diện hoặc có đối tác tại Việt Nam, ông Quất phân tích.

Tuy nhiên, ông Quất cũng thừa nhận, các startups Việt vẫn còn tồn tại những điểm yếu cơ bản. “Đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có nền tảng công nghệ hay lõi công nghệ thực sự tốt.

Xét về góc độ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, do chưa có văn hóa khởi nghiệp sáng tạo theo chiều sâu, dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tư duy đào sâu vào các vấn đề còn tồn tại trong thị trường để cải tiến sản phẩm, cùng với đó là thiếu khả năng quản trị doanh nghiệp, thiếu tư duy toàn cầu, dẫn đến khó phát triển các mô hình có khả năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp khởi nghiệp “kỳ lân” có khả năng vươn ra thế giới”.

Hoàng Ngân – Báo Giao thông

Bài gốc