Những startup “ngã ngựa” tại thị trường Việt Nam trong năm 2018
Để khởi nghiệp thành công, mỗi startup cần rất nhiều yếu tố như: Kiến thức, kinh nghiệm, vốn, tầm nhìn, tính thời điểm, may mắn,…Nhưng kể cả khi hội tụ tất cả các yếu tố đó, nhiều startup vẫn phải chấp nhận kết thúc nghiệt ngã sau vài năm hoạt động.
Quy mô dân số hơn 90 triệu người, kinh tế tăng trưởng ổn định và thu nhập ngày càng gia tăng, Việt Nam trở thành một thị trường tiêu dùng vô cùng hấp dẫn trong mắt giới đầu tư. Tuy nhiên, “bánh ngon” không phải lúc nào cũng dễ “xơi”. Nhiều tên tuổi startup trong và ngoài nước đã phải ngậm ngùi dừng bước tại thị trường Việt Nam trong năm 2018.
Uber (2014-2018)
Xuất hiện tháng 6/2014 tại TP.HCM, ứng dụng gọi xe có trụ sở tại San Francisco, California đã mang tới quốc gia hình chữ S loại hình vận tải đầy mới lạ: rẻ hơn taxi truyền thống, đặt xe bằng điện thoại tiện lợi và thanh toán qua thẻ tin dụng. Chỉ cần truy cập vào ứng dụng, chọn điểm đến, khách hàng dễ dàng đến bất cứ đâu mình muốn, họ biết rõ loại xe, biển kiểm soát, tên và số điện thoại tài xế.
Những khách hàng đầu tiên của Uber tại Việt Nam lần đầu tiên được đi những cuốc xe khuyến mãi giá rẻ bằng nửa đi taxi, xe sạch đẹp, tài xế lịch sự, theo dõi được lộ trình của xe… Tất cả những điều này trước đó chưa ai được trải nghiệm khi đi “taxi”.
Trên đà phát triển, tháng 11/2014, Uber tiến ra Thủ đô Hà Nội. Trong vòng 2 năm sau đó, Uber mở rộng khu vực hoạt động tại Nha Trang và Đà Nẵng đồng thời ra mắt thêm dịch vụ xe 2 bánh uberMoto, loại hình tương tự với xe ôm truyền thống để đáp ứng nhu cầu đi lại với chi phí rẻ hơn, đặc biệt tránh được tình cảnh tắc đường tại các thành phố lớn.
Dù trở thành hiện tượng trong ngành kinh doanh vận tải tại Việt Nam nhưng Uber cũng vướng vào một số lùm xùm như liên tục bị taxi truyền thống phản đối hay liên tục kêu kinh doanh thua lỗ để nợ thuế, lách thuế.
Trong lúc cuộc cạnh tranh giữa Uber và một đối thủ khác cũng vào thị trường năm 2014 là Grab đang giằng co thì cuối năm 2017, bất ngờ xuất hiện tin đồn Uber rời khỏi Việt Nam. Đến tháng 3/2018 Uber chính thức thông báo đã bán toàn bộ thị trường Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đổi lại 27,5% cổ phần tại Grab.
Đúng 0h ngày 9/4/2018, hoạt động của Uber tại Việt Nam chính thức ngừng lại. Tài xế Uber khi truy cập vào ứng dụng đồng loạt nhận được thông báo “Ứng dụng Uber hiện không hỗ trợ thị trường của bạn” cùng với đó là khuyến cáo người dùng khi muốn sử dụng dịch vụ hãy chuyển qua Grab. Kỷ nguyên Uber tại Việt Nam chính thức khép lại.
VuiVui (2016-2018)
Xuất hiện vào khoảng cuối năm 2016 và ra mắt chính thức đầu 2017, thời điểm cơn sốt thương mại điện tử (TMĐT) lên cao, VuiVui.com mang theo tham vọng của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động, tiến vào thị trường tỷ đô với danh mục 50.000 sản phẩm khác nhau.
Hoạt động theo mô hình B2C (Business to customer), sàn thương mại điện tự VuiVui ban đầu chỉ bán những mặt hàng thế mạnh của tập đoàn bao gồm điện tử, điện máy… Sau này mở rộng sang nhiều mặt hàng khác như thời trang, mỹ phẩm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh FMCG,…
Ông Tài từng tự tin cho rằng, VuiVui.com sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, là bên có dịch vụ khách hàng đứng số 1 trong lĩnh vực TMĐT.
Tuy nhiên, trái với dự tính của ông chủ chuỗi Thế Giới Di động, Vuivui.com đã không không thoát khỏi “vết xe đổ” của những trang TMĐT trước đó như Beyeu.vn, Deca.vn, Cucre.vn hay Lingo.vn.
Tháng 10/2018, Vuivui đóng cửa tất cả các ngành hàng, chỉ tập trung bán riêng các mặt hàng FMCG. Và đến cuối 2018, trang TMĐT này chính thức dừng hoạt động. Người tiêu dùng khi truy cập website VuiVui.com nhận được thông Vuivui.com sẽ chuyển thành Bachhoaxanh.com, đồng thời sau đó vài giây, trang web tự động chuyển sang trang Bachhoaxanh.com.
Lala (2017-2018)
Nền tảng đặt và giao đồ ăn Việt với tên gọi Lala bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 dưới sự đầu tư của Scommerce Group. So với một số đối thủ trước đó như Now hay sau này là GrabFood, Lala cũng không hề thua kém khi tận dụng được nguồn lực từ những đối tác trong cùng hệ sinh thái Scommerce gồm 10.000 shipper của AhaMove và 7.000 nhà hàng của iPOS.
Trong một cuộc trò truyện hồi tháng 4 vừa qua, CEO Vũ Hoàng Tâm còn khẳng định Lala có lợi thế về thời gian bởi họ sở hữu hệ thống app kết nối với nhà hàng; thời gian từ lúc khách đặt hàng đến lúc khách nhận được thức ăn sẽ ngắn lại. Trong khi đó, các bên khác đều phải đợi tài xế đến quán mua rồi mới có thể giao cho khách hàng.
Tuy nhiên chỉ 1 năm sau khi ra mắt, Lala đã lặng lẽ biến mất. Những người lãnh đạo cũng từ chối trả lời câu hỏi của truyền thông. Trên Google Play hay App Store, ứng dụng với tên gọi Lala: Food Delivery không còn hiển thị, fanpage chính thức đóng cửa, website gỡ bỏ tính năng cho phép người dùng đặt món.
Theo thông tin tại địa chỉ lala.vn, nhiều khả năng Lala sẽ chuyển đổi mô hình từ B2B2C (buiness to business to customer) như trước đây sang B2B (buiness to business), chỉ tập trung vào các giải pháp kinh doanh cho nhà hàng. Nghĩa là giống Vietnammm trước đó, Lala cũng rút khỏi thị trường giao nhận đồ ăn tận tay khách hàng.
GNN Express (2006-2018)
GNN Express tiền thân là CTCP Dịch vụ Gió Nam, hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát, chuyển phát nhanh kể từ tháng 12/2006 với số vốn điều lệ ban đầu là 100 triệu đồng.
Thời kỳ phát triển mạnh, GNN có 5 chi nhánh tại 5 thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Một số khách hàng đánh giá GNN Express là hãng giao hàng uy tín, giá thành không quá cao nhưng chăm sóc khách hàng tốt, nhiều người đã sử dụng dịch vụ trong vòng vài năm.
Tuy nhiên ngày 1/9/2018, GNN bất ngờ phát đi thông báo trên fanpage chính thức về việc doanh nghiệp này phải dừng hoạt động do “không còn đủ khả năng tài chính”.
Ông Hoàng Ngọc – Tổng giám đốc công ty cho biết, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty đã không cân đối được thu, chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động khác, mức nợ tổng cộng tại thời điểm đó lên đến 5,5 tỷ đồng. Thậm chí có những khách hàng phải chịu khoản nợ lên tới 400 triệu đồng.
Ngày 5/9/2018, đại diện GNN đã có buổi gặp gỡ giải quyết vấn đề với khách hàng. Ông Ngọc cho biết GNN tạm dừng hoạt động kinh doanh chứ không tuyên bố phá sản, đồng thời cam kết sẽ giải quyết tồn đọng hàng hóa và nợ nần, không làm khách mất trắng tiền hàng.
Đến nay, fanpage chính thức cũng như website của công ty đều đã đóng cửa.
Tamtay.vn (2008-2018)
Với lịch sử hoạt động lên tới 10 năm, Tamtay là mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam nhưng sau này dưới sự cạnh tranh của Face, Instagram,…Tamtay ít được giới trẻ biết đến hơn.
Ra đời năm 2008, Tamtay nhanh chóng tạo dựng được một cộng đồng lớn mạnh mà ở đó mọi người cùng tham gia chia sẻ, lưu giữ những hình ảnh, những tâm sự đáng nhớ trên môi trường Internet. Mạng xã hội này gây ấn tượng với nhiều video, ảnh đẹp mắt, blog có sức lan tỏa cũng như các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi sinh viên trong giới trẻ.
Nhưng giống như những gì ban quản trị Tamtay nhận định, “cuộc vui nào rồi cùng đến hồi hết”. Đầu tháng 4 năm nay, mạng xã hội tamtay.vn chính thức đóng cửa. Trước đó 1 tháng, người sử dụng đã được thông báo để có thể tải về các nội dung ảnh, blog, thông tin cá nhân… họ đăng tải trên mạng xã hội Tamtay.vn. Còn sau 1/4/2018m, các dữ liệu này đã được xóa bỏ khỏi máy chủ, không thể truy cập hay tải về nữa.
Nhật Anh – TTVN