Nhà sáng lập Cốc Cốc: Startup có xu hướng sử dụng nhân lực CNTT ngoại
Theo ông Lê Văn Thanh, đồng sáng lập Cốc Cốc, xu hướng không thể tránh khỏi là các startup công nghệ sẽ hướng đến sử dụng nhân lực từ nước ngoài, chủ yếu là lao động từ Nga và Trung Quốc, do trình độ nhân lực kỹ sư CNTT người Việt chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trao đổi với ICTnews mới đây, ông Lê Văn Thanh, đồng sáng lập Cốc Cốc cho rằng, cách mạng 4.0 sẽ cần sử dụng một nguồn nhân lực về CNTT rất lớn, đồng thời sẽ bùng nổ một nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực khác như: công nghệ sinh học, điều khiển học, tự động hóa. Nhân sự một số ngành khác cũng cần điều chỉnh, ví dụ như ngành luật chẳng hạn, các văn bản luật sẽ được số hóa, khi đó các luật sư sẽ chuyển sang tư vấn luật qua mạng, do đó số lượng nhân lực trong ngành luật cũng giảm đi.
Với ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa như robot hay trí tuệ nhân tạo sẽ khiến các công việc làm phổ thông bị thay thế, do đó nguồn nhân lực phổ thông giảm đi và dịch chuyển sang lao động sử dụng trí óc nhiều hơn.
Ông Lê Văn Thanh chia sẻ, những ngày đầu Cốc Cốc mới khởi nghiệp, ông và các cộng sự mong muốn cho ra đời ứng dụng cho người Việt và do các kỹ sư người Việt phát triển ra nó. Tuy nhiên, vào thời điểm đó (năm 2010) tuyển các nhân sự kỹ thuật người Việt vô cùng khó khăn, Cốc Cốc có tuyển dụng các kỹ sư người Việt nhưng họ làm mãi không được.
Đội ngũ kỹ sư CNTT của người Việt không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, ý tưởng ban đầu là tuyển các kỹ sư người Việt để làm ra sản phẩm cho người Việt dùng không đạt kết quả như mong muốn.
Cuối cùng Cốc Cốc phải tuyển thêm kỹ sư người nước ngoài, ban đầu chủ yếu là người Nga, sau đó Cốc Cốc có mời thêm được các nhà phát triển hệ thống là người Việt từng làm việc trong các công ty công nghệ của Mỹ về nước làm việc. Tính đến nay, Cốc Cốc có khoảng 60 kỹ sư CNTT người nước ngoài đang làm việc.
“Tuy hiện nay trình độ kỹ sư CNTT người Việt đã khá hơn những năm trước, nhưng các kỹ sư người nước ngoài vẫn là một phần quan trọng trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT của Cốc Cốc. Nhất là ở mảng phát triển hệ thống cho nhiều người sử dụng cùng lúc, không thể thiếu sự tham gia của các nhân sự nước ngoài. Các kỹ sư nước ngoài cũng sẽ truyền kinh nghiệm cho nhân sự người Việt”, ông Lê Văn Thanh cho hay.
Cũng theo ông Lê Văn Thanh, Việt Nam đang nói nhiều đến Cách mạng 4.0, nhưng ở giai đoạn đầu Việt Nam rất khó có thể tạo ra những công nghệ mới cho thế giới, mà chỉ có thể học hỏi công nghệ mới mà các công ty công nghệ lớn của thế giới chia sẻ để ứng dụng.
Việt Nam muốn là người đi tiên phong phải có những thay đổi đột phá từ nền tảng giáo dục, suy nghĩ sáng tạo, nền tảng khoa học. Việt Nam cần có những phản ứng nhanh về thay đổi về đào tạo con người, nếu không chuyển dịch nhanh về giáo dục sẽ thay đổi không kịp. Nhanh chóng đổi mới giáo dục sẽ giảm thiểu được rủi ro và thất bại của các startup.
Cách mạng 4.0 bản chất là sự kết nối giúp thay đổi tất cả mọi thứ, sẽ đánh thức nhận thức của cộng đồng nhiều doanh nghiệp, ở giai đoạn đầu sẽ bùng nổ, mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng, công nghệ thay đổi nhanh, nếu ai đi chậm sẽ bị vượt rất nhanh.
“Xu hướng không thể tránh khỏi là các startup công nghệ sẽ hướng đến sử dụng nhân lực từ nước ngoài, chủ yếu là lao động từ Nga và Trung Quốc. Ở Nga và Trung Quốc các nước khác vào kinh doanh rất khó, vì họ nhiều người giỏi quá, còn ở Việt Nam thì ngược lại, người giỏi chạy hết ra nước ngoài làm việc” ông Thanh cho hay.
Qua kinh nghiệm sử dụng lao động nước ngoài của Cốc Cốc, mặt bằng lương của một số công ty công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu của người nước ngoài. Lương tương đương, thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam rẻ hơn, thời tiết không quá khắc nghiệp, Việt Nam có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, chi phí sinh hoạt rẻ, đó là những điểm hấp dẫn lao động nước ngoài đến Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cần tính đến việc đầu tư cho giáo dục để thu hút lao động từ nước ngoài. Vì rất nhiều người nước ngoài thích đến Việt Nam làm việc nhưng sau khi lập gia đình và có con, cần tìm cho con cái môi trường học tốt thì các trường quốc tế ở Việt Nam chưa đáp ứng được mong muốn của họ. Nên một số người đã rời khỏi Việt Nam, sang nước khác làm việc để có môi trường học tập tốt hơn cho con em mình.
“Việt Nam cần tính đến việc đầu tư cho giáo dục tốt hơn để thu hút nhân lực trình độ cao ở nước ngoài”, ông Thanh cho hay.
Ông Lê Văn Thanh cùng 2 người bạn là sinh viên Việt Nam học ở Nga, sau khi về Việt Nam đã cùng lập ra công ty Cốc Cốc từ năm 2010, nhưng đến năm 2013 mới chính thức cung cấp dịch vụ. Vào năm 2015, Cốc Cốc được Hubert Burda Media (châu Á) đầu tư 14 triệu USD và nhanh chóng phát triển trở thành nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm dành riêng cho người Việt.
Cốc Cốc ra mắt dịch vụ vào tháng 5/2013, trên một nền tảng duy nhất là Window, đến giờ đã phát triển ứng dụng trên mọi nền tảng, hiện tại trên Andoird đã có 3,5 triệu lượt tải, trên iOS là 550.000 lượt tải. Cốc Cốc đã đạt trên 22 triệu người dùng vào tháng 9/2017, chỉ đứng sau Chrome ở Việt Nam.
Khôi Nguyên – ICTNews