Khi sản phẩm miễn phí, bạn chính là sản phẩm – dữ liệu của bạn cũng vậy.

Facebook, Google và những công ty công nghệ khác đã và đang bán thông tin cá nhân của bạn cho rất nhiều người cần chúng. May mắn rằng, người sử dụng đã ý thức hơn về việc thông tin cá nhân của họ có thể bị thu thập, bán, bán lại và sử dụng để thao túng chính họ bằng những tin tức giả, khiến họ mua một món hàng gì đó, hay thậm chí bầu cử cho một nhân vật nào đó.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp lại chưa ý thức được rằng thông tin của họ cũng rất đáng lo ngại. Facebook và Google có thể đang âm thầm thu thập thông tin của bạn để bán cho đối thủ cạnh tranh của bạn.

Bài học muôn thuở là: “Nếu sản phẩm miễn phí, bạn chính là sản phẩm”, và doanh nghiệp cần phải hiểu rằng điều này cũng đúng với họ. Nếu bạn tạo 1 tài khoản Gmail miễn phí, hay sử dụng Google Drive, hoặc đăng ký tính năng mới ra của Facebook – Facebook Workplace, bạn đang sử dụng một dịch vụ miễn phí.

Vậy, điều đó có nghĩa là gì? Doanh nghiệp của bạn trở thành 1 sản phẩm. Dữ liệu của bạn không chỉ còn thuộc về bạn nữa, mà còn thuộc về Google và Facebook. Đúng vậy, dữ liệu nội bộ với tất cả thông tin mật của bạn, nội dung email đều thuộc về Google và Facebook.

Những mô hình kinh doanh với 1 sản phẩm miễn phí đều nhắm tới việc bán quảng cáo. Những công ty này thu hút những nhà quảng cáo bằng cách cung cấp cho họ những mẩu thông tin được cắt gọt cẩn thận từ người dùng của họ. Để có được những mẩu thông tin được cắt gọt cẩn thận này, họ dùng 1 thứ gọi là trình thu thập dữ liệu.

Họ thu thập dữ liệu và thông tin, ví dụ điển hình nhất là Google, họ dùng những dữ liệu được thu thập để phân loại và xếp hạng internet, thể hiện rõ trong kết quả tìm kiếm của họ. Bạn nghĩ rằng họ không thu thập thông tin doanh nghiệp bạn trong Gmail và Google Drive ư? Và nếu bạn tải file của bạn lên Facebook Workplace, bạn nghĩ rằng họ không có toàn quyền truy cập vào dữ liệu của bạn sao?

Quan trọng hơn nữa, trong ngành công nghiệp số, đã xảy ra những trường hợp công ty lớn ăn cắp ý tưởng sản phẩm của những công ty nhỏ hơn dưới vỏ bọc những cuộc đàm phán mua lại. Sau khi thu thập và hiểu được công nghệ, họ sẽ sử dụng nguồn lực khổng lồ của mình để sao chép và thực hiện ý tưởng nhanh hơn, với khả năng marketing tốt hơn nhiều.

Với những trình thu thập dữ liệu, họ sẽ không cần mời bạn đến văn phòng của họ để khai thác ý tưởng của bạn. Vì họ có thể trực tiếp xem được những ý tưởng đó. Và đừng có quá bất ngờ khi tự nhiên họ cho ra mắt những sản phẩm giống y hệt những thứ mà bạn đang phát triển.

Trên cả những lo lắng về việc bị theo dõi dữ liệu, những dịch vụ này không đảm bảo bảo mật, môi trường làm việc không được mã hoá. Vận hành doanh nghiệp của bạn trên những nền tảng miễn phí này khiến dữ liệu công ty của bạn dễ bị tiếp cận bởi tin tặc, bởi vì Google và Facebook sẽ không đủ quan tâm đến việc bảo mật dữ liệu cho bạn. Họ quan tâm bảo mật dữ liệu của họ hơn.

Điện thoại di động là một mối lo về bảo mật nữa. Đừng chủ quan về những ứng dụng công ty bạn đang dùng trên di động, và cách thức những ứng dụng này theo dõi và chia sẻ dữ liệu của bạn. Điện thoại Android rất nổi tiếng về những lỗ hổng này. Bạn không thể tắt chế độ định vị trên điện thoại Google, và những ứng dụng Android thường xuyên chứa những phần mềm độc hại.

Nếu quyền riêng tư là xu hướng mới đối với cá nhân, chúng cũng nên được áp dụng đối với những doanh nghiệp nhỏ. Những doanh nghiệp nhỏ cần phát triển một văn hóa về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu từ ngay bây giờ.

Khi bạn còn sử dụng những phần mềm miễn phí như Gmail, Google Drive hoặc Facebook Workplace, văn hoá công ty của bạn chưa đề cao quyền riêng tư và tính bảo mật. Hơn nữa, những hợp đồng yêu cầu bảo mật đều vô giá trị khi bạn giao dữ liệu của bạn cho những gã khổng lồ công nghệ qua những phần mềm miễn phí.

Đây là một vài mẹo giúp bạn xây dựng văn hoá tôn trọng quyền riêng tư cho startup của bạn:

  1. Không sử dụng những dịch vụ miễn phí như Facebook Workplace, Gmail, Google Drive hay Google Cloud. Khi sử dụng những dịch vụ miễn phí, dữ liệu được tải lên đám mây của họ là những dữ liệu không còn nằm trong tay bạn nữa. Chúng giờ cũng thuộc về những nhà cung cấp dịch vụ miễn phí. Hơn nữa, bạn sẽ không muốn lưu trữ thông tin nhạy cảm của công ty mình tập trung vào một nơi không được mã hoá, và có nguy cơ bị tin tặc xâm nhập.
  2. Phân biệt những cuộc trao đổi kinh doanh và những cuộc trao đổi riêng tư. Một lần tấn công, một phần mềm độc hại, bạn sẽ mất cả dữ liệu doanh nghiệp và dữ liệu cá nhân.
  3. Không sử dụng điện thoại Android. iPhone cũng có phần mềm độc hại, nhưng Android kém an toàn hơn và cung cấp một cửa sau cho tin nhắn mã hoá – cũng là một cửa sau cho tin tặc.
  4. Sử dụng mã hoá. Sử dụng mã hoá cho việc lưu trữ, email và chia sẻ dữ liệu.

Sự theo dõi và thu thập dữ liệu gia tăng là do những công ty công nghệ lớn muốn cạnh tranh với nhau để có những thông tin chất lượng, có thể thu hút những nhà quảng cáo, giúp cho các thuật toán trí tuệ nhân tạo, và cho những khách hàng khác muốn mua và bán thông tin về bạn và doanh nghiệp của bạn.

Việc bảo vệ dữ liệu của bạn sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Và cũng không nghi ngờ gì, các cuộc tấn công nhằm vào dữ liệu cũng sẽ gia tăng và có những hậu quả nghiêm trọng hơn. Bước đầu tiên đối với một doanh nhân là bảo vệ những dữ liệu mật và quý giá của bạn, xây dựng chúng thành một văn hoá cần thiết cho công ty ngay từ ban đầu.

Surphi10