Năng suất trung bình và hiệu quả kinh doanh của những startup có CEO là người sáng lập thấp hơn so với những công ty thuê người ngoài làm giám đốc điều hành.

Lê Anh Xuân, giám đốc điều hành công ty bảo mật 689 CLoud, thừa nhận anh từng thần tượng những người sáng lập có khả năng biến công ty thành đế chế có giá trị hàng tỉ USD. Song, khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, anh nhận ra những tỉ phú có khả năng điều hành xuất sắc như Bill Gates, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg thuộc nhóm rất hiếm.

Thực tế phũ phàng với doanh nghiệp có CEO là người sáng lập

“Một nghiên cứu do tổ chức World Management Survey công bố cho thấy những công ty do đích thân người sáng lập dẫn dắt có năng suất thấp hơn trung bình 9,4% và hiệu quả quản lý cũng thấp hơn so với những công ty mà người sáng lập không dẫn dắt. HIệu quả quản lý và năng suất của các doanh nghiệp đều tăng sau khi người sáng lập rời vị trí giám đốc điều hành”, Anh Xuân nói.

Anh dẫn thêm một nghiên cứu khác ở Mỹ đối với 212 startup ra đời trong khoảng thời gian từ cuối thập niên 90 tới đầu thập niên 2000 cho thấy chỉ 50% người sáng lập vẫn tiếp tục điều hành công ty 3 năm sau khi bắt đầu. Tỷ lệ giảm xuống 40% sau 4 năm và đạt 25% khi công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Rất nhiều trường hợp trong thực tế đã chứng minh khao khát kiểm soát công ty của người sáng lập là lý do khiến họ không thể nhận vốn từ các nhà đầu tư. Gần 80% người sáng lập 212 startup ở Mỹ buộc phải rời khỏi vị trí giám đốc điều hành, chứ họ không làm vậy một cách tự nguyện”, Xuân bình luận.

Quan điểm của người sáng lập đối với nhà đầu tư là một vấn đề

Nguyễn Minh Hoàn, chủ thương hiệu Niềm Tin Vàng, nhận định nhà sáng lập thường coi công ty giống như đứa con vì họ đã dành tâm huyết và tiền cho nó. Vì lý do ấy, từ bỏ quyền kiểm soát là việc rất khó đối với họ.

“Bản thân tôi sẽ cảm thấy sốc nếu các nhà đầu tư yêu cầu tôi rời vị trí điều hành, hoặc tự giới hạn quyền điều hành trong phạm vi nhất định. Tôi nghĩ đa số nhà sáng lập doanh nghiệp đều sẽ có cảm giác như vậy”, Hoàn phát biểu.

Song Hoàn nhận xét rằng, nếu nhà sáng lập nhìn nhận tình hình theo góc của nhà đầu tư, việc người sáng lập rời vị trí CEO để nhường chỗ cho các nhà quản trị giàu kinh nghiệm là yêu cầu rất tự nhiên và khôn ngoan.

“Trong khi nhiều người sáng lập phải tự học rồi rút kinh nghiệm trong vài năm để có thể điều hành doanh nghiệp một cách bài bản và suôn sẻ, những nhà quản trị giàu kinh nghiệm có thể thực hiện việc đó ngay từ ngày đầu tiên họ bước vào công ty”, Hoàn nói.

Theo Hoàn, phần lớn nhà đầu tư không muốn rót vốn vào những công ty phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân. Họ muốn đầu tư vào những startup có thể hoạt động bình thường dù các nhà sáng lập không nắm quyền kiểm soát. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư đưa ra điều kiện thuê giám đốc bên ngoài để họ rót vốn.

Tâm sự của những người chấp nhận bỏ vị trí CEO

Một trong những lý do phần lớn người làm thuê quyết tâm khởi nghiệp là họ muốn tận hưởng sự tự do vận hành một doanh nghiệp theo cách của họ. Lâm Bích Duyên, người sáng lập một trung tâm chăm sóc sức khỏe, cũng không phải là ngoại lệ. Vì chỉ giỏi chuyên môn và thiếu kinh nghiệm cũng như kĩ năng quản lý, Nhung thường ra những quyết định không hiệu quả.

“Tôi thường để tình cảm lấn át lý trí mỗi khi ra quyết định. Khi tôi gọi vốn để mở chuỗi chăm sóc sức khỏe, một số người nói quyết định của tôi thấm đẫm tình cảm và họ muốn tôi nhường quyền điều hành cho người khác, còn tôi tập trung vào chuyên môn”, Duyên kể.

Nhận rõ khiếm khuyết của bản thân, Duyên chấp nhận đề nghị của các nhà đầu tư. Hiện tại, Duyên mời một bác sĩ đã nghỉ hưu và có kinh nghiệm quản lý làm CEO của công ty, còn cô đảm nhiệm vị trí phó giám đốc phụ trách chuyên môn. Sự thay đổi ấy khiến hiệu quả kinh doanh tăng mạnh trong thời gian qua.

Cũng cầu thị và dám nhìn thẳng vào sự thật như Duyên, song Thẩm Minh Hằng, người sáng lập một công ty thời trang, lại mắc một sai lầm khác. Cô chiêu mộ một người có cùng quan điểm với cô trong phần lớn vấn đề, thay vì chọn những ứng viên có đủ tố chất cần thiết để đảm nhận vị trí giám đốc.

“Sau một thời gian, tôi nhận ra cách thức điều hành và ra quyết định của CEO không khác tôi nhiều lắm, và hiệu quả kinh doanh không thay đổi. Vì thế, khi gọi vốn, các nhà đầu tư yêu cầu tôi thay CEO và tôi đồng ý”, chị Hằng kể.

Nhạc Dương – Vietnambiz

Bài gốc