Ứng dụng gọi xe “made in Vietnam” có nhiều khác biệt với đối thủ ngoại như không thu phí chiết khấu tài xế hay không tăng giá giờ cao điểm.

Aber

Ra mắt thị trường TPHCM đầu tháng này, ứng dụng xe công nghệ Aber được phát triển bởi nhóm kỹ sư 8X, 9X người Việt du học tại Đức. Các nhà sáng lập dự án tuyên bố không thu chiết khấu với lái xe, chỉ thu phí dùng 70.000-300.000 đồng với xe máy, 750.000 đồng đến 2 triệu mỗi tháng với ôtô, đồng thời không tăng cước giờ cao điểm. Aber không sử dụng Google Map mà sử dụng ứng dụng riêng nên chi phí vận hành khá thấp.

Ứng dụng tung ra 6 dịch vụ, gồm: Aber Bike (xe ôm công nghệ), Aber Car (taxi công nghệ), Aber Truck (xe giao hàng, xe tải), Aber Travel (trải nghiệm du lịch), Aber Business (xe doanh nghiệp), Aber Express (Dịch vụ giao hàng). Trước mắt, nhóm bạn trẻ này ưu tiên phát triển mảng xe ôm công nghệ và taxi công nghệ.

Theo một co-founder, Aber không đặt mục tiêu cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.

Emdi

Ứng dụng đặt xe taxi Emdi do các chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố. Theo đó, Emdi chỉ tập trung hỗ trợ các hãng taxi truyền thống, cung cấp giá cước của nhiều hãng taxi khác nhau giúp người dân so sánh giá và lựa chọn giá hợp lý.

Hiện ứng dụng có mặt tại 7 địa phương là Lâm Đồng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bình Định, Đắk Lắk với gần 500.000 người cài ứng dụng.

Riêng tại Hà Nội có 17 hãng taxi đã ký kết sử dụng ứng dụng và sẽ triển khai vào tháng 7. Khoảng cuối năm nay, ứng dụng sẽ có mặt tại thị trường TPHCM.

FastGo

Sau 3 năm xây dựng, FastGo được Công ty FastGo Việt Nam ra mắt thị trường Hà Nội trung tuần tháng 6 vừa qua.

Điểm nổi bật của ứng dụng là gói bảo hiểm cho mỗi chuyến đi của hành khách có giá trị lên đến 200 triệu đồng, đơn vị phát triển không thu phí chiết khấu đối với tài xế theo tỷ lệ % mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng một ngày. Bên cạnh đó là các chương trình phúc lợi và hoạt động đào tạo hỗ trợ tài xế…

FastGo có dịch vụ cốt lõi gồm: Fast Car, Fast Taxi và Fast Luxury và hướng đến khách hàng trong độ tuổi (từ 18-38 tuổi), giới quản lý, lãnh đạo trẻ và khách du lịch.

Sau Hà Nội, ứng dụng sẽ có mặt tại TP HCM vào tháng 7 và tháng 8 là Đà Nẵng. Mục tiêu 3 năm tới của doanh nghiệp phủ rộng tới 8 thành phố lớn, với 20.000 đối tác lái xe, phục vụ 5 triệu khách hàng thường xuyên.

FastGo đã thu hút hơn một triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần và đang tiếp tục làm việc với 5-6 nhà đầu tư với kỳ vọng thu hút thêm 50 triệu USD trong các vòng gọi vốn thời gian tới.

Vato

Ứng dụng ra mắt thị trường hồi tháng 4 năm nay, sau khi Uber tuyên bố rời Đông Nam Á. Vato tiền thân là ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu, sau khi Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang – FUTA Bus Lines mua lại với giá 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) và đổi tên thành Vato.

Thực chất, Vivu đã hoạt động trên thị trường vào tháng 3/2016 nhưng với tên gọi là FaceCar. Ứng dụng từng nổi đình nổi đám với việc gọi được một tỷ USD từ nhà đầu tư Việt kiều tại Đức. Tuy nhiên, thương vụ không thành và ứng dụng này sau đó được bán lại rồi đổi tên thành Vivu.

Điểm nổi bật của ứng dụng nữa là cho phép người dùng mặc cả với lái xe (với giá tối thiểu đưa ra) để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi – chức năng này Grab không có. Giá cước của Vato ở mức 8.500 đồng mỗi km tương tự GrabCar nhưng phần chiết khấu là 20%, thấp hơn 25% của Grab.

Theo FUTA Bus Lines, Vato không chỉ là một ứng dụng gọi xe thông thường, mà còn là phần mềm thương mại điện tử với nhiều tính năng khác tương tự như một sàn giao dịch thương mại điện tử về vận tải, dịch vụ, hàng hoá.

Theo đó, khi khách tải ứng dụng Vato không chỉ gọi riêng xe Phương Trang mà có quyền yêu cầu chọn xe của tất cả các hãng như Mai Linh, hay Vinasun… tuỳ sở thích. Sàn này sẽ giúp nhu cầu người cần sử dụng xe và người có xe gặp nhau. Hiện ứng dụng tập trung 3 phân khúc gồm: Vato Bike, Vato Car và Vato Taxi.

An vui

Không tập trung vào lĩnh vực xe cá nhân, Anvui là giải pháp quản trị tổng thể cho đơn vị vận tải hành khách đường dài nhằm giúp các nhà xe chuyển từ truyền thống sang nhà xe công nghệ. Ứng dụng ra mắt thị trường Hà Nội tháng 7/2017.

Theo đó, Anvui sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xe khách liên tỉnh; giảm chi phí và tăng tính tiện lợi cho các hãng xe; giải quyết bài toán tổng thể cho các nhà xe từ việc quản lý bán vé, in phơi vé, lập lệnh xuất bến quản lý doanh thu và chi phí trong quá trình vận hành.

Ngoài gia tăng doanh thu, ứng dụng còn ghi nhận mọi hoạt động phát sinh đón trả khách lên xuống xe, doanh thu bán vé từng xe, vị trí xe, các chi phí trong quá trình vận hành, giúp tiết kệm tối đa chi phí điện thoại, thất thoát do gian lận. Các hãng xe sẽ giảm bớt thời gian xử lý các giấy tờ…

Sau gần một năm hoạt động, ứng dụng đã có hơn 60 đối tác trong cả nước. Trung bình mỗi tháng hơn 100.000 vé chảy qua hệ thống và 1.800 đầu xe vận hành trơn tru.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Anvui là 200% so với thời điểm khai trương. Doanh thu tháng trước so với tháng sau tăng đều đặn 30-50%. Hiện dự án này đang mở rộng tại thị trường TP HCM.

Thanh Thư – Vnexpress

Bài gốc