Mục tiêu 1 tỷ USD của startup Việt Nam khó tới nhường nào?
Việt Nam là khu vực có làn sóng khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ nhiều năm qua, nhưng tới nay, duy nhất VNG là công ty chạm ngưỡng tỷ USD vào năm 2014.
Lần lượt từ trái qua phải: CEO Base.vn – Phạm Kim Hùng, CEO Luxstay – Nguyễn Văn Dũng, CEO FastGo – Nguyễn Hữu Tuất
Trở thành startup kỳ lân là mục tiêu vươn tới của mọi công ty khởi nghiệp, nhưng tại Việt Nam, 15 năm trở lại đây ngoài cái tên VNG thì chưa có thêm startup nào đạt tới đỉnh cao này. Có nhiều lý do giải thích cho việc thiếu vắng những startup “tỷ USD” tại Việt Nam.
Đó là hạn chế về tầm nhìn của công ty khởi nghiệp, số lượng quỹ đầu tư không nhiều, hạ tầng công nghệ và chính sách cho startup ở Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi… Vậy đâu mới là những lý do xác đáng?
Chưa nhiều những trận đánh mang tầm quốc tế
“Thẳng thắn mà nói, để một startup trở thành “kỳ lân”, tôi cho rằng phải có những trận đánh mang tầm quốc tế. Do đó, nếu các nhà sáng lập chỉ có tư tưởng quanh quẩn ở Việt Nam, thì sẽ rất khó đạt được tốc độ tăng trưởng, cũng như đạt tới quy mô đủ lớn”, ông Phạm Kim Hùng – CEO Base.vn nêu quan điểm.
Theo ông Hùng, việc thị trường trong nước đang thiếu vắng các “kỳ lân” là bởi, quy mô thị trường chưa đủ lớn để giúp startup tăng tốc thật nhanh. Một lý do khác là các startup trong trận đánh tại thị trường Việt Nam vốn đã mất nhiều công sức, tiền bạc. Trong khi đó, để đạt tới mục tiêu định giá 1 tỷ USD, startup cần một cuộc chơi đường dài.
“Thông thường, để vươn tới tầm quốc tế, startup phải giải quyết xong thị trường trong nước. Nhưng thực tế, trận chiến ngay tại thị trường Việt Nam cũng rất khắc nghiệt. Trừ khi startup xác định được tư duy thị trường trong nước chỉ là một trong những thị trường có thể đánh, tức là đánh đồng thời nhiều thị trường, thì may ra có thể đi nhanh hơn”, vị CEO trẻ tuổi cho hay.
Quan điểm của ông Phạm Kim Hùng, phát triển nhanh là một chiến lược tốt. Nhưng phát triển bền vững và cân bằng mới là đích đến cuối cùng mà các startup cần hướng tới.
“Bản thân Base.vn phát triển các sản phẩm B2B, nên đặc thù là việc xây dựng sản phẩm sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, tốc độ không thể đẩy nhanh trong một sớm một chiều”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo vị CEO này, thị trường mà Base.vn tham gia vẫn còn dư địa rất lớn. Startup của ông theo tính toán còn có thể tăng trưởng 50 – 100 lần nữa. Lý do là bởi ngay từ đầu, cuộc chơi mà Base.vn tham gia không chỉ gói gọn tại Việt Nam, mà đó là tất cả các thị trường có sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh.
“Chúng tôi tự tin có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm cùng loại sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh, mà không cần một thị trường cụ thể. Dự kiến, quý 3 hoặc quý 4 năm nay, Base.vn sẽ xúc tiến sang các thị trường ngoài Việt Nam”, ông Phạm Kim Hùng tiết lộ.
Cần những thương vụ bắt tay mang tính chiến lược
Đồng tình với quan điểm của ông Phạm Kim Hùng, ông Nguyễn Văn Dũng – CEO Luxstay cho rằng, lý do Việt Nam đang thiếu vắng những startup “kỳ lân” là bởi quy mô của thị trường trong nước vẫn chưa đạt tới mức “lý tưởng”.
Quan điểm mà ông Dũng đưa ra khá trùng khớp với báo cáo e-Conomy SEA 2018 từ Google và Temasek mới được công bố gần đây. Theo đó, mặc dù nền kinh tế Internet Việt Nam được đánh giá là tiềm năng, nhưng thị trường Việt Nam vẫn chưa thể top 4 hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
Cụ thể, trong lĩnh vực du lịch trực tuyến mà Luxstay tham gia tại Việt Nam – nơi quy tụ những ông lớn hàng đầu trong hoạt động đặt phòng, cho thuê khách sạn, homestay, hay đặt vé máy bay, tour du lịch, nghỉ dưỡng, Google và Temasek ước tính đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.
Tiềm năng là vậy, nhưng xét về quy mô thị trường, Việt Nam vẫn xếp sau những quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, hay Singapore… trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, một lý do khác theo CEO Luxstay cũng khá quan trọng, đó là việc các startup Việt Nam đang thiếu những cái bắt tay đến từ các Tập đoàn lớn trong nước.
Lấy dẫn chứng từ thị trường Trung Quốc, ông Dũng nói: “Không cần nhìn đâu xa, ngay như thị trường Trung Quốc gần chúng ta, các startup kỳ Lân liên tục ra đời một phần là nhờ có sự giúp sức của các tập đoàn lớn đã thành công trước đó”.
Sự giúp sức ở đây theo vị CEO không hẳn là vấn đề về tiền bạc, mà có thể là sự cộng hưởng trong hệ sinh thái, những mối quan hệ làm ăn, hợp tác… Bởi thông thường, để một startup mới nổi được các ông lớn nhắm tới sẽ cần hội tủ nhiều yếu tố, trong đó, bao gồm cả yếu tố may mắn.
“Không dễ để các startup nhận được trợ giúp từ các ông lớn. Trừ khi các tập đoàn này cảm thấy bị đe dọa ở một mảng kinh doanh nào đó, thì các thương vụ bắt tay mới diễn ra. Bản thân tôi coi đây là điều đáng lẽ nên xuất hiện thường xuyên tại Việt Nam, cũng giống như việc người đàn anh đi trước nâng đỡ đội ngũ đàn em kế cận”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
Việt Nam là sân khách, hay sân nhà?
Phân tích kĩ hơn quan điểm của ông Phạm Kim Hùng, ông Nguyễn Hữu Tuất – CEO FastGo cho rằng, nhiều startup đang nhìn nhận Việt Nam là sân nhà, còn những thị trường bên là sân khách. Về cơ bản, quan niệm này không sai, nhưng sẽ phần nào thu hẹp tầm nhìn của các startup.
Lấy ví dụ với ứng dụng gọi xe FastGo, ông Tuất nhận định, ở thời điểm hiện tại, thị trường gọi xe trong nước vẫn còn khá sơ khai. Vị CEO đưa ra dự đoán, ít nhất là 5 năm nữa, thị trường gọi xe tại Việt Nam mới chính thức đi vào quỹ đạo.
Như vậy, nếu chỉ mãi nhìn vào thị trường trong nước, FastGo sẽ rất khó tiến nhanh và mạnh. Do đó, startup này xác định Đông Nam Á mới thực sự là sân nhà, và các thị trường khác là sân khách. Ông Tuất ví von, chiến lược này cũng tương tự câu chuyện nhà mạng Viettel quyết định đi về nông thôn, trước khi tiến vào thành thị.
Ngoài ra, theo vị CEO của FastGo, trước khi các startup Việt Nam vạch ra được một lộ trình phát triển cụ thể, thì việc đầu tiên cần làm, đó là xác định thế mạnh của bản thân. Bởi khi “biết người, biết ta, trăm trận, trăm thắng”.
“Nếu cứ chạy đua giảm giá, khuyến mãi như Grab, thì FastGo đã thua từ vạch xuất phát. Ở FastGo, chúng tôi đề cao tinh thần hỗ trợ và phục vụ. Vì vậy, các đối tác luôn coi FastGo là người bạn đồng hành. Khi tôi có dịp tiếp xúc với các tài xế, rất vui khi biết họ luôn ưu tiên FastGo. Bằng mọi cách, họ phục vụ khách hàng với tinh thần cao nhất. Bởi các đối tác đều hiểu rằng, nếu FastGo phát triển thì bản thân họ cũng phát triển. Và nhờ tinh thần đó, tỉ lệ khách hàng quay lại với FastGo khá cao, trên 50%”, ông Nguyễn Hữu Tuất khẳng định.
Theo lời vị CEO này, FastGo đã và đang có chiến lược riêng. Đó là việc xác định gọi xe là một cuộc chơi lâu dài, vạch lộ trình 3 năm để vươn mình. Bởi thực tế, cùng thời điểm với FastGo có nhiều ứng dụng gọi xe của Việt Nam đã ra mắt, nhưng chỉ vài tháng sau đã phải rời bỏ cuộc chơi.
“Khi đã vạch ra được lộ trình cụ thể, startup sẽ đi rất nhanh, chiếm những vị trí trọng yếu, có lợi, giúp đạt được mục tiêu thị phần. Như với trường hợp của FastGo, vị trọng yếu ở đây nên được hiểu là: ai sẽ người chiếm được đối tác lái xe, ai là người duy trì được tốc độ phát triển, tài chính, ai là người khai thác được những dịch vụ vệ tinh, tạo ra nguồn thu tốt hơn”, CEO FastGo nhấn mạnh.
Việt Hưng – The Leader