Mô hình hỗ trợ tìm kiếm: Ẩm thực thông minh
Những câu hỏi của khách hàng là “ăn gì và ở đâu?”, đó chính là lozi – ứng dụng tìm kiếm đồ ăn do 4 chàng trai trẻ sáng lập.
Năm 2015, họ đã nhận được vốn đầu tư 2 triệu USD từ hai quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và DesignOne Nhật Bản cho ý tưởng của mình. Và một trong những người tiên phong của nhóm là Nguyễn Hoàng Trung.
Chàng trai trẻ với khát vọng vươn xa
Sinh ra ở mảnh đất Quảng Ngãi đầy nắng gió, sau khi hoàn thành chương trình cấp II, Trung đã quyết định khăn gói ra Hà Nội để học THPT tại trường chuyên Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Với tính cách luôn mong muốn chiến thắng, thích môi trường cạnh tranh và luôn dành thời gian suy nghĩ sau mỗi thất bại, Trung luôn tự đưa ra những quyết định và tin vào những điều mình sẽ làm.
Theo anh, nếu muốn thỏa mãn tất cả thì cần có sự hy sinh và quyết tâm. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Trung may mắn nhận được học bổng toàn phần của học viện KAIST – ngôi trường xếp hạng 3 trong Top 300 trường đại học hàng đầu châu Á của Hàn Quốc. Nhưng khi đang theo học năm thứ 2 tại học viện này, Trung đã đưa ra quyết định bất ngờ là từ bỏ việc học tập và trở về nước khởi nghiệp.
Lozi – ứng dụng tìm kiếm địa điểm ẩm thực tại Việt Nam
Lý do bỏ dở việc học tại một trường đại học danh tiếng, Trung cho biết: “Ở trường đại học tại Hàn Quốc, hầu như bạn sẽ chẳng bao giờ có ngày nghỉ, kể cả cuối tuần bởi đây là thời điểm sinh viên phải “dọn kho” – giải quyết đống bài tập còn tồn đọng của cả tuần và vùi đầu vào chuẩn bị cho những kỳ thi liên miên tiếp theo.
Cứ như vậy, ngày trôi qua ngày, mình bỗng cảm thấy dần biến thành nô lệ của sách vở và những bài kiểm tra. Khi đó mình tự hỏi, có gì đó không ổn ở đây không? Những câu hỏi tiếp tục được đặt ra trong đầu rằng bản thân đang theo đuổi điều gì? điều đó sẽ dẫn mình tới đâu? và liệu mình có hạnh phúc với nó hay không?
Trung cho biết, anh không phải là người coi trọng điểm số bởi vì đó không phải là thước đo cho sự thành công. Vậy là, sau 2 năm du học tại Hàn Quốc, anh đã quyết định dừng việc học và trở về Việt Nam, bởi anh biết nếu tiếp tục con đường đang đi, anh sẽ không bao giờ đến được đúng nơi mình muốn.
Đi và trải nghiệm nhiều, Trung nhận ra rằng mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin về các địa điểm du lịch thú vị, tuy nhiên ăn gì và ở đâu khi đến một nơi xa lạ sẽ khiến không ít người bối rối. Đó cũng là xuất phát ý tưởng của Trung và các cộng sự.
Với ý tưởng xây dựng một ứng dụng công nghệ chia sẻ về ẩm thực và địa điểm ăn uống, tháng 7 năm 2012, Trung đã thuyết phục được 3 người bạn khác cùng tham gia vào dự án, trong đó có 2 người cũng quyết định rời ghế nhà trường để theo đuổi đam mê giống Trung.
Chia sẻ với cái tên Lozi, Trung vui vẻ cho biết, cả nhóm cũng đã dành 1 tháng suy nghĩ nhưng cuối cùng không ai nghĩ ra. Rồi trong cuộc họp nhóm, một người bạn đã phân tích những khó khăn mà nhóm sẽ gặp phải khi thực hiện dự án mà chưa có sự chuẩn bị, chủ yếu là đam mê và yêu thích. Và một câu nói nhằm để trấn an nhóm bạn lúc đó “Lo gì” – vậy là cái tên Lozi ra đời từ đó.
Để hiện thực hóa ý tưởng, 4 bạn trẻ đã trải qua 9 lần “đập đi xây lại” trước khi cho ra đời phiên bản Lozi.vn hoàn chỉnh vào năm 2014. Mỗi người trong nhóm đều tự đặt ra các câu hỏi như: làm thế nào tìm kiếm địa điểm ẩm thực nhanh nhất ? làm thế nào để tìm kiếm món ăn mình yêu thích nhất ?… Kết quả từ sự kết hợp những câu hỏi và giải đáp, Lozi càng ngày khẳng định được sứ mệnh của mình nhằm tìm kiếm những địa điểm và món ăn một cách dễ dàng.
Trong suốt quá trình khởi nghiệp, Lozi thường xuyên bị các nhà đầu tư Việt Nam từ chối vì cho rằng không phù hợp với thị trường trong nước. Bằng niềm tin và sự bền bỉ, Hoàng Trung đã dần khẳng định mình và gặt hái được những thành công nhất định.
Năm 2014, Lozi trở thành 1 trong 9 công ty khởi nghiệp được đề án Silicon Valley (thuộc Bộ KH&CN) lựa chọn đầu tư với số tiền là 10.000 USD. Năm 2015, Lozi nhận 2 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài và được đánh giá là 1 trong 5 startup có giá trị nhất năm 2016.
Với riêng Trung, năm 24 tuổi, anh lọt vào Top 30 người trẻ thành công dưới 30 tuổi do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Kể từ khi có thêm nguồn tài chính, Lozi đã mở rộng thêm địa bàn và có cơ hội mời thêm các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực bán hàng và công nghệ. Hiện Lozi đã mở văn phòng tại TP Hồ Chí Minh và Trung trở thành CEO của Lozi tại khu vực này. Theo Trung, một leader nên là người đi đầu và đón nhận những khó khăn.
Chia sẻ về thành công, Trung cho biết: “Mình chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân đã thành công. Còn rất nhiều điều mà bản thân cần phải hoàn thiện trên con đường này. Để đạt được điều mình muốn thì không có bí quyết thần kỳ nào ngoài việc chăm chỉ, tận tâm và yêu những thứ mình đang làm, chỉ có như vậy bản thân mỗi người mới có thể thành công. “Nhiều người hỏi mình rằng liệu có khi nào mình nghĩ sẽ thất bại hay không.
Mình đã trả lời rằng đó là điều bản thân trăn trở hằng ngày”, Trung tâm sự. “Dù luôn có một niềm tin mạnh mẽ rằng mình sẽ thành công và nhìn thẳng vào thực tế trong giới startup công nghệ, tỷ lệ thành công là những con số vô cùng nghiệt ngã, chỉ là 10/90, thậm chí 5/95. Startup bên cạnh một chút điên khùng, liều lĩnh và mộng mơ luôn rất cần một tư duy tỉnh táo và thực tế”. Định hướng trong thời gian tới , Lozi sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác ngoài ẩm thực như mỹ phẩm, thời trang và các phụ kiện.
Minh Phượng – Khoa học phát triển