Có ước mơ lớn, tầm nhìn rộng cũng là lời khuyên mà nhiều chuyên gia khởi nghiệp gửi tới các startup trẻ. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc mù quáng theo đuổi ý tưởng của mình.

Liên tục điều chỉnh theo phản hồi thực tế

Đã từng tiếp xúc với cộng đồng startup nhiều quốc gia trên thế giới, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Franchise and Retail Asia nhận xét: “Tại các nước khác, startup thường nghĩ đến việc phát triển ra thị trường quốc tế còn các startup Việt Nam thường xác định phát triển ở thị trường nhỏ, thiếu tầm nhìn rộng. Đây là điều cần phải thay đổi nếu muốn phát triển.”

Có ước mơ lớn, tầm nhìn rộng cũng là lời khuyên mà nhiều chuyên gia khởi nghiệp gửi tới các startup trẻ. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc mù quáng theo đuổi ý tưởng của mình.

Trà lời cho câu hỏi làm sao để giữ chân trên mặt đất mà vẫn theo đuổi được ước mơ, ông Phan Đình Tuấn Anh, sáng lập của Angel4us cho rằng các startup cần thường xuyên làm việc, trao đổi với những người khác nhau để có thêm ý tưởng, kiến thức bổ sung cho công việc của mình.

Không có sản phẩm nào hoàn hảo ngay từ đầu mà các sản phẩm chỉ có thể dần tốt lên nhờ việc liên tục sửa chữa, cải tiến qua phản hồi, đóng góp của khách hàng. Bởi vậy, ông Gibs Song, cố vấn của quỹ đầu tư Big Basin Capital đưa ra lời khuyên: “Các startup phải cố sản xuất ra sản phẩm khả dụng để thử phản ứng của thị trường thật sớm. Nhờ đó, họ có thể sớm phát hiện các lỗi cần sửa trước khi phát triển ở quy mô rộng và tránh được những thiệt hại lớn về sau.”

Đặc biệt, các phản hồi về sản phẩm phải lấy từ các khách hàng chứ không nên dựa trên ý kiến của gia đình, người quen bởi những ý kiến này thường không khách quan.

Bài học để đời mà ông Shlomo Nimrodi, Giám đốc điều hành Ramot, ĐH Tel Aviv (Israel) chia sẻ là minh chứng rõ ràng cho điều này.

“Nhiều năm trước, tôi và các cộng sự cùng xây dựng một doanh nghiệp trong lĩnh vực in ấn. Khi đó doanh nghiệp của chung tôi được đánh giá rất cao bởi có thị trường tiềm năng, mô hình kinh doanh tốt và đội ngũ nhân sự sáng giá. Nhờ đó, doanh nghiệp của chúng tôi được định giá rất cao.”, ông Shlomo Nimrodi nhớ lại.

Tuy nhiên, sự thuận lợi đó đã khiến cho ông Shlomo và các cộng sự chủ quan dẫn đến thiếu những bước chuẩn bị cần thiết trước khi tung ra sản phẩm ở quy mô lớn.

Kết quả là chất lượng sản phẩm ngay trong buổi ra mắt không đạt được yêu cầu của khách hàng và sau nhiều năm vật lộn cố gắng vực dậy doanh nghiệp, ông Shlomo và các cộng sự đã phải bán lại công ty với giá chỉ bằng một phần giá trị định giá ban đầu.

“Bởi vậy, suy nghĩ cởi mở, linh hoạt, ra quyết định theo tình hình thực tế là yếu tố không thể thiếu của một startup thành công.”, ông Shlomo chia sẻ.

Không thể thành công nếu thiếu partner phù hợp

Một yếu tố khác mà các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh là startup phải tìm được những cộng sự, đối tác (partner) phù hợp nếu muốn phát triển và bùng nổ.

“Khách hàng là thượng đế. Nhưng theo tôi thì partner thậm chí còn quan trọng hơn. Giải quyết những vấn đề lớn cần có sự hợp tác của các partner tương xứng.”, bàThạch Lê Anh, đồng sáng lập Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam và Vietnam Silicon Valley Accelerator khẳng định về vai trò của việc lựa chọn cộng sự với startup.

Cũng theo bà Lê Anh, founder không nên chỉ chọn những người giống mình mà phải xây dựng đội ngũ nhân sự kết hợp những người khác nhau để bổ sung, hoàn thiện cho đội nhóm. Tuy nhiên để đảm bảo tính hiệu quả và sự đoàn kết trong nhóm sẽ cần có biện pháp làm việc chung thống nhất cũng như duy trì mối quan hệ.

Không chỉ gói gọn trong lựa chọn cộng sự mà chọn đối tác cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

Bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Facebook Việt Nam cũng là Nguyên Giám đốc tài chính của công ty Misfit với sản phẩm theo dõi vận động Shine. Bà Trang cho biết khi sản phẩm này ra đời thì thị trường đã có các sản phẩm tương tự.

Chiến lược của công ty khi đó là tập trung vào thiết kế và đưa sản phẩm vào network của các đối tác lớn như Coca-cola, Victoria’s secret, Swarovski hay Speedo. Nhờ đó, sản phẩm nhanh chóng được thị trường đón nhận và sau 4 năm, công ty đã gọi vốn được 65 triệu USD.

Nhận xét về điều này, bà Lê Anh cho rằng đây chính là điều mà startup Việt còn yếu. Theo bà, các startup của Việt Nam chưa chú trọng đúng mức đến việc hợp tác với các partner lớn để tận dụng mạng lưới khách hàng có sẵn của họ. Do đó, các startup khó có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Phạm Sơn – Báo Khám phá

Bài gốc