Khởi nghiệp “đụng” môi trường kinh doanh
Với nhiều chương trình thúc đẩy, Việt Nam đang muốn được nhìn nhận như một “quốc gia khởi nghiệp”, nhưng thực tế có những đặc thù của môi trường kinh doanh chưa thật sự hỗ trợ các mô hình đổi mới sáng tạo.
Nami đã triển khai trên Facebook Messenger. Hiện Nami, một startup của Việt Nam đã Nami đang tiến vào thị trường Mỹ, Thụy Sỹ, Nhật Bản, và có nhiều sản phẩm công nghệ khác ngoài kinh doanh tài chính.
Một “thị trường khó chịu” của startup ngoại
Telepod là một startup ở Singapore của một nhóm sinh viên mới tốt nghiệp. Với ý tưởng chia sẻ xe scooter điện chi phí rẻ, Telepod đã rất thành công trên đất nước của họ, rồi đến Thái Lan và cả ở Mỹ, tại những nơi có đông người dân sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng.
Jin Ni, CEO của Telepod, cho biết họ khởi nghiệp chỉ với 1.000 đô la Singapore và một ứng dụng di động để đặt xe. Đầu tiên, họ thuyết phục các công ty xe điện cho mượn xe để tiếp cận thị trường. Sau khi được 5 công ty cho mượn 10 chiếc scooter điện, cả nhóm đã đứng tại các điểm dừng của tàu điện và một số nơi trong trung tâm thành phố để thí điểm hoạt động.
Chỉ sau hai ngày, số người đăng ký dùng nền tảng ứng dụng này đã vượt xa sự mong đợi vì có rất nhiều người muốn thuê scooter điện để đi từ bến tàu xe vào trung tâm với giá chỉ 2 cent!
Giải pháp của Telepod đã được Singapore Mass Rapid Transit (Công ty quản lý giao thông của Singapore) đầu tư 18.000 đô la Singapore ở vòng gọi vốn đầu tư thiên thần và họ đã mua 25 chiếc scooter điện để đặt tại các trạm tàu điện ngầm.
Cũng với ý tưởng chia sẻ xe scooter điện giá rẻ, Telepod vào Việt Nam với giá cho thuê 15 cent cho một lần thuê. Nhưng qua tư vấn của Quest Venture và Saigon Innovation Hub, họ biết đây là một thị trường không dễ xâm nhập như ở các nước khác. Ở đây, ai cũng sở hữu một chiếc xe gắn máy.
Câu hỏi đặt ra: ai sẽ là người dùng xe scooter điện trên những đường phố kẹt xe thường xuyên và có nhiều ổ gà trên mặt đường? Thêm nữa, đặt xe ở những nơi công cộng liệu có an toàn khi mỗi bãi giữ xe hiện hữu nơi đây đều phải có người trông coi?
Và giải pháp của Telepod đã được điều chỉnh từ chia sẻ scooter điện giữa các tuyến phương tiện công cộng (ở nước ngoài) sang phạm vi hẹp hơn (ở Việt Nam) là giữa các khu dân cư cao cấp, các trường đại học, các điểm du lịch tại các thành phố du lịch đã có cơ sở hạ tầng tốt. Sự điều chỉnh này giúp họ giải quyết được nhu cầu giữ xe nhưng khả năng sinh lợi thì rất nhỏ.
Một câu chuyện khác của startup Build Easy từ Malaysia. Theo nhà sáng lập Tan Yong Meng, Build Easy sử dụng công nghệ mixed reality (thực tế ảo tăng cường) để định hình thiết kế nhà, quản lý xây dựng từ xa và liên kết các nhà cung cấp, các công ty xây dựng để lên kế hoạch xây nhà cho khách.
Tất cả các mắt xích trong ngành được kết nối với nhau thành chuỗi và khách hàng chỉ phải làm việc với một đầu mối. Các nhà cung cấp cũng liên kết với nhau qua Build Easy. Thế nhưng khi vào Việt Nam, startup này chỉ có thể giữ lại sản phẩm thiết kế nhà. Nguyên nhân được cho là các dịch vụ cung cấp không sẵn sàng liên kết với người bên ngoài để cùng kinh doanh.
Đặc biệt, giải pháp về giá cả minh bạch do Build Easy đưa ra lại là trở ngại cho họ ở một thị trường mà giá cả của một công trình tùy thuộc vào mối quan hệ và theo từng hợp đồng cụ thể. Ngoài ra, rất ít nhà cung cấp ở Việt Nam dùng công nghệ để kết nối thành một mạng lưới.
Dù đã điều chỉnh mô hình kinh doanh nhưng cả Build Easy cũng như Telepod chưa thu hút được sự đầu tư vào thị trường mới. Ở Việt Nam, họ cần một nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro vì khả năng thắng là không lớn.
Theo nhận định của một nhà đầu tư, khả năng sinh lời từ thị trường nhỏ hẹp của họ là rất chậm. Bà Vy Lê, Quản lý điều hành (general partner) của quỹ đầu tư ESP, người đồng hành với các startup này, cho biết hiện họ chưa thể vào Việt Nam vì chưa tìm được vốn đầu tư. Có lẽ họ cần phải điều chỉnh các sản phẩm của mình thêm nữa.
Startup nội ngoảnh mặt
Trong khi các startup nước ngoài đang gõ cửa thị trường Việt Nam cùng những trở ngại thì cũng có không ít công ty khởi nghiệp trong nước bỏ ra nước ngoài.
Như Nami Corp, sau vài tháng khởi nghiệp ở Việt Nam đã rời thị trường trong nước để sang Singapore. Đây là công ty nghiên cứu công nghệ blockchain và ứng dụng ở nhiều mảng dịch vụ.
Các sản phẩm của họ bao gồm Nami Assistant về cung cấp các nghiên cứu tài chính (đã nhận được giải sáng tạo từ Facebook và VP Bank); Nami.Today là kênh truyền thông cho các hoạt động trong tập đoàn; sàn giao dịch Nami Trade về đầu tư trên thị trường ngoại hối, chỉ số, trái phiếu, tiền điện tử…
Trao đổi với TBKTSG, ông Giáp Văn Đại, CEO của Nami, cho rằng luật pháp ở Việt Nam không ủng hộ các doanh nghiệp khởi nghiệp dùng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính có liên quan đến tiền điện tử như Nami. Ở Singapore, họ không phải đối mặt với rủi ro vì các quy định chế tài trong kinh doanh.
Khi chính phủ đã có các quy định rõ ràng thì các startup chỉ cần tuân thủ và có thể yên tâm trong các hoạt động kinh doanh về phương diện luật pháp.
Tại đây, Nami được đóng thuế theo mức của một công ty nghiên cứu công nghệ và chỉ đóng thuế sau hai năm hoạt động. Ngoài ra, môi trường kinh doanh ở Singapore còn là cửa ngõ tiếp cận thị trường thế giới, vì đối tác sẽ dễ tin tưởng một công ty có giấy phép kinh doanh từ thị trường quen thuộc này.
Sau hai năm hoạt động, Nami đang tiến vào thị trường Mỹ, Thụy Sỹ, Nhật Bản, và có nhiều sản phẩm công nghệ khác ngoài kinh doanh tài chính.
Chuyện của các startup và công ty khởi nghiệp trên đây đã phần nào cho thấy cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh và nhiều yếu tố khác của môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa thật sự hỗ trợ các mô hình đổi mới sáng tạo. Tuy Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, nhưng chưa bao quát các vướng mắc tồn đọng.
Đã có các quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như Đề án 844 tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng với một số chương trình hỗ trợ vốn được triển khai. Nhưng vẫn còn có một số trở ngại do những đặc thù của môi trường kinh doanh mà các startup sẽ phải còn trầy trật vượt qua.
Mỹ Huyền – Thesaigontimes