Định giá startup giai đoạn đầu là… định giá giấc mơ
Theo chia sẻ từ các ‘cá mập’ của Shark Tank Việt Nam, đầu tư là nghệ thuật chứ không phải khoa học của các con số. Vậy nguyên tắc lựa chọn ‘con mồi’ của các ‘cá mập’ là gì?
Trong quá trình đàm phán để đầu tư, việc định giá của doanh nghiệp, dự án là yếu tố quan trọng hàng đầu. Dựa trên kết quả định giá, các nhà đầu tư mới có thể đưa ra quyết định đầu tư bao nhiêu và cách đầu tư như thế nào.
Tuy nhiên, đây không phải là công việc tính toán đơn thuần mà thực sự phức tạp hơn rất nhiều, thậm chí phụ thuộc không nhỏ vào cảm tính của nhà đầu tư.
Shark Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan, là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Ông đã dẫn dắt hơn 20 startup thành công trong đó có những cái tên nổi bật như Tiki, Foody, Vatgia, Luxstay, Topica.
Từ kinh nghiệm hơn 11 năm trong lĩnh vực này, Shark Dũng chia sẻ: “Đầu tư là nghệ thuật chứ không phải khoa học. Đối với các doanh nghiệp hiện hữu thì việc định giá tương đối đơn giản vì đã có các công thức. Còn định giá startup giai đoạn đầu là định giá con người, định giá giấc mơ”.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Lê Nhật Quang, đại diện quỹ đầu tư VI Group, kể lại một phi vụ đầu tư đáng nhớ của mình. Khi đó, ông Quang đang lưỡng lự có nên đầu tư vào một startup mới bởi những gì startup đó thể hiện chưa đủ để thuyết phục ông và các cộng sự. Quyết định chỉ được ông Quang đưa ra sau chuyến công tác cùng với nhà sáng lập startup đó.
“Thời gian của chuyến đi không có nhiều nhưng qua 12 xưởng sản xuất, lần nào startup này cũng dừng lại để trực tiếp kiểm tra, thử các nguyên liệu. Sự cẩn thận, chi tiết này đã tạo được niềm tin với chúng tôi và tôi đã quyết định đầu tư cho startup này”, ông Quang nhớ lại.
‘Bán mình’ sao cho được giá?
Với các nhà đầu tư, đầu tư cho startup mới bao nhiêu không chỉ phụ thuộc vào các con số. Những startup nào có thể khiến cho nhà đầu tư hiểu và tin tưởng vào mình sẽ có lợi thế không nhỏ. Bởi vậy, một trong những lời khuyên mà các chuyên gia gửi tới các startup trẻ là hãy dành thời gian để tìm được tiếng nói chung với nhà đầu tư trước khi bàn đến việc gọi vốn.
“Muốn gọi được đầu tư thì chúng ta phải tạo ra được niềm tin. Với bất cứ ai, các bạn cũng nên làm quen, làm thân rồi mới tới làm việc. Không thân, không quen mà các bạn nhảy vào làm việc để có được tiền thì khó lắm”, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Trí Tri Group, đồng sáng lập Group Quản Trị và Khởi nghiệp chia sẻ bí kíp “3 làm”.
Nói về yếu tố ảnh hưởng đến quyết định có đầu tư hay không, các cá mập đều khẳng định con người là yếu tố hàng đầu. Với “người đàn bà thép” Shark Thái Vân Linh, những nhà sáng lập hiểu ngành, có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực mình hoạt động sẽ dễ lọt vào mắt xanh của cá mập này. Cách mà nhà sáng lập thay đổi theo thực tế và phát triển ý tưởng mới cũng là điểm cộng cho startup.
Theo Shark Nguyễn Mạnh Dũng, đội ngũ nhân sự cũng là yếu tố giúp các startup có thể nhận đầu tư ngay khi mới ở giai đoạn ý tưởng. “Khi đó, nhà đầu tư không phải đang đầu tư vào ý tưởng mà đầu tư vào những con người có thể thực hiện được ý tưởng đó”, Shark Dũng cho hay.
Tầm quan trọng của năng lực đội ngũ nhân sự là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên số lượng đồng sáng lập tiêu chuẩn mà startup nên có là câu hỏi được nhiều startup đặt ra. Nhiều đồng sáng lập sẽ tạo ra sự bổ sung, hoàn thiện các mặt cho nhóm nhưng điều này cũng tiềm ẩn những nguy cơ xung đột. Vậy con số bao nhiêu là đủ?
Trả lời vấn đề này, các chuyên gia cho rằng điều đó không quá quan trọng mà quan trọng nhất là phải có người lãnh đạo thực sự. Mô hình startup một sáng lập viên cũng cần những nhân sự hỗ trợ còn trong mô hình nhiều đồng sáng lập cũng phải có một người lãnh đạo có quyền quyết định.
Có nhiều yếu tố quyết định đến việc gọi vốn của startup. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì điều quan trọng nhất vẫn là giá trị cốt lõi, lợi ích mang đến cho cộng đồng của startup.
“Khi mình tạo ra được giá trị cho cộng đồng, cho người dùng, chắc chắn mình sẽ thu được tiền”, Shark Dũng khẳng định.
Phạm Sơn – Báo Khám phá