Cơ hội nào cho startup Việt khi ứng dụng blockchain vào ngành quảng cáo, marketing?
Hiện chỉ có 1% các công ty trên thế giới đang bắt tay vào nghiên cứu ứng dụng của blockchain cho ngành quảng cáo trực tuyến. Điều này có nghĩa là, các startup Việt đang đứng cùng vạch xuất phát với các công ty trên thế giới.
Nhiều bài toán cần giải quyết
Theo ước tính của công ty chuyên theo dõi hoạt động quảng cáo Zenith (Anh), năm 2018, thị trường quảng cáo toàn cầu đạt doanh thu khoảng 579 tỷ USD, riêng quảng cáo trực tuyến chiếm khoảng 269 tỷ USD. Đến năm 2022, doanh thu của quảng cáo trực tuyến có thể tăng lên tới 350-400 tỷ USD.
Dự báo này được xem là có căn cứ khi trên toàn cầu nhiều công ty mới ra đời và dành nhiều tiền cho việc quảng cáo các sản phẩm trên internet. CEO của Umbala Nguyễn Minh Thảo khẳng định: “Thời kỳ hữu xạ tự nhiên hương đã qua lâu rồi. Chúng tôi đã có một sản phẩm cực tốt, được nhiều người dùng trên thế giới biết đến nhưng vẫn không thành công. Lý do là chúng tôi thiếu tiền làm marketing”.
Tiềm năng to lớn là vậy nhưng ngành quảng cáo trực tuyến vẫn tồn tại nhiều vấn đề khó giải quyết. Anh Nguyễn Văn Vững CEO của Bigbom chỉ ra 4 vấn đề mà ngành quảng cáo trực tuyến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt: Đầu tiên là click tặc tràn lan. Nhiều công ty phải chống lại vấn nạn này bằng cách phát triển một công cụ phát hiện và báo cáo lại với Google.
Thứ 2 là gian lận thống kê. Không có bất cứ căn cứ nào có thể khẳng định đảm bảo báo cáo của Facebook và Google chính xác 100%. Ngoài những công ty chủ quản, không ai có thể xâm nhập vào hệ thống của họ để kiểm tra.
Thứ 3 là vấn nạn bùng tiền, chậm thanh toán. Thị trường Việt Nam có tỷ lệ bùng tiền quảng cáo rất cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian qua, Facebook siết tỉ lệ tiếp cận người dùng xuống mức cực thấp. Cuối cùng là triển khai không đúng cam kết, mỗi bên làm một kiểu, khác xa thỏa thuận ban đầu.
iên đoàn quảng cáo quốc tế (WFA), bao gồm những thương hiệu lớn như McDonald’s, Visa hay Unilever dự đoán rằng ngành quảng cáo trực tuyến sẽ mất 50 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2025 do những hành vi gian lận. Trong khi đó, người dùng facebook hoàn toàn không có quyền sở hữu những nội dung do chính họ tạo ra trên mạng xã hội. Người sở hữu thực sự nó là các công ty chủ quản của Facebook, Instagram, Youtube.
“Các mạng xã hội này sử dụng dữ liệu của bạn để xây dựng hệ thống quảng cáo và kiếm tiền dựa trên các dữ liệu này. Các công ty làm nội dung lớn của Việt Nam như Orion hay Cát Tiên Sa tạo ra những nội dung tuyệt vời và tham gia vào mạng lưới Youtube, thu hút cộng đồng người sử dụng. Nhưng họ có thể kinh doanh trên mạng lưới người này không? Câu trả lời là KHÔNG. Tất cả đều phụ thuộc vào chính sách của Facebook hay Youtube. Ngay cả quy định số tiền bạn được thụ hưởng từ nội dung do bạn tạo ra cũng do các mạng xã hội này quy định” – anh Thảo nói thêm.
Và tất cả những vấn đề này được cho rằng sẽ được giải quyết bởi blockchain.
Cơ hội chia đều cho tất cả
Hiện nay trên thế giới, số lượng công ty ứng dụng blockchain vào ngành quảng cáo, marketing rất ít, chỉ khoảng 1%. Là một trong những công ty đang phát triển các ứng dụng công nghệ trên nền tảng blockhain vào ngành quảng cáo, marketing, anh Nguyễn Văn Vững khẳng định, cơ hội đang chia đều có tất cả.
Nguyên nhân khiến các nhà phát triển đưa ra câu chuyện này là bởi. “Hiện chưa có nền tảng blockchain có thể các vấn đề của riêng ngành quảng cáo trực tuyến. Blockchain hiện đang phát triển theo chiều rộng, chưa phát triển theo chiều sâu. Trong 3-5 năm tới, blockchain sẽ sinh ra những ứng dụng riêng biệt hỗ trợ ngành quảng cáo trực tuyến” – CEO của Bigbom Nguyễn Văn Vững phân tích.
Trong 4 vấn đề mà ngành quảng cáo trực tuyến đang phải đối mặt, Bigbom lựa chọn giải quyết vấn nạn chậm hoặc không thanh toán và thực hiện hợp đồng không đúng cam kết. Bigbom xây dựng hệ sinh thái Bigbom Eco để bất cứ nền tảng, dịch vụ hay sản phảm nào liên quan đến quảng cáo kỹ thuật số trên thế giới đều có thể tham gia. Họ có thể là nhà quảng cáo(Advertisers), nền tảng quảng cáo (Ads Platforms), công ty quảng cáo (Agencies), đơn vị xuấtbản (Publishers)…
Chia sẻ về tầm nhìn của Bigbom, anh Nguyễn Văn Vững cho hay, ở BigBom Eco người bán và người mua sẽ giao dịch với nhau theo hợp đồng thông minh (smart contract). Tại đây, các bên thỏa thuận và trao đổi về mức giá cũng như KPIs cụ thể và tiến hành ký kết trên smart contract.
Nhờ đó, nhà quảng cáo không cần lo lắng về năng lực triển khai của đối tác, cũng như nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo cũng không còn phải lo ngại về khả năng thanh toán của khách hàng. Đáng chú ý, các hợp đồng thông minh sẽ được trình bày dưới dạng ngôn ngữ thông thường với nhiều thứ tiếng khác nhau. Sau khi hai bên chốt được các nội dung thỏa thuận, Bigbom Eco sẽ tự động chuyển sang ngôn ngữ lập trình để gửi lên blockchain.
Trong khi đó, lĩnh vực livestreaming hiện đang được đánh giá vô cùng tiềm năng. Ở Việt Nam, live streaming bán hàng của các idol giải trí có giá trị khoảng 2 triệu USD mỗi tháng. Vì thế, Umbala của anh Nguyễn Minh Thảo mong muốn xây dựng một blockchain based camera economy (nền kinh tế camera dựa trên blockchain).
Theo đó, Umbala network sẽ giải quyết bài toán khó nhằn của các startup trong việc acquire user (tìm kiếm người dùng mới). Nếu như các startup thường phải chi rất nhiều tiền để có được 100.000 người dùng đầu tiên thì hệ thống của Umbala sẽ giảm bớt chi phí bằng cách cho phép các đơn vị trong hệ sinh thái được sử dụng chung hệ thống người dùng (do Umbala xây dựng), giảm tối đa chi phí phải đổ vào giai đoạn này.
“Chúng tôi sẽ xây dựng một giao thức camera mở ( open camera protocol) và camera token “UMB” (đồng UMB) để phát triển hệ sinh thái các ứng dụng sử dụng camera – làm công cụ cơ bản phục vụ mục đích kinh doanh của từng tổ chức và loại hình kinh tế trong xã hội” – Founder của Umbala cho hay.
Bên cạnh đó, trên nền tảng blockchain network, các protocal theo ngành dọc cũng sẽ được hình thành như trong lĩnh vực robotic công nghiệp, drone, chăm sóc sức khỏe…. ,
Câu hỏi là bao giờ nên bắt đầu việc xây dựng những hệ sinh thái dựa trên blockchain như BigBom hay Umbala đang làm, các founder cho rằng, không có lời khuyên nào cho sự bắt đầu. Đừng nghĩ rằng nhất thiết phải có đầy đủ nguồn lực, kinh nghiệm hay vốn đầu tư mới dám bắt đầu.
“Bây giờ là tốt nhất để làm mọi thứ. Thiếu nguồn lực thì tìm thêm nguồn lực, thiếu kiến thức thì học thêm, thiếu kinh nghiệm nhờ người tư vấn, thiếu vốn thì kiếm vốn. Quan trọng là bạn biết được mình muốn làm gì, có thể làm gì?” – Nguyễn Văn Vững – Founder của BigBom nói.
Ngọc Vũ – Khoa học phát triển