Cô gái đình đám với ‘start-up’ 2 triệu USD
Sinh năm 1993, Phạm Khánh Linh đang sở hữu một “start-up” đình đám trong cộng đồng khởi nghiệp với số vốn gọi được cho đến nay đã lên tới hơn 2 triệu USD.
Trưởng thành từ dân chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, học hết lớp 10, Linh sang Anh học cấp 3. Sau đó, cô theo học ngành Khoa học tự nhiên của ĐH Cambridge danh giá. Ở Anh, Linh từng giành Huy chương Vàng top 16 trong cuộc thi Vật lý quốc gia.
Tốt nghiệp cử nhân Cambridge, Linh đầu quân cho tập đoàn Goldman Sachs. Sau một năm làm việc tại đây, cô trở về Việt Nam làm việc cho một công ty nông nghiệp với mục tiêu muốn tìm hiểu xem công nghệ có thể giải quyết vấn đề gì cho một ngành công nghiệp truyền thống.
Với khát khao làm cái mới và gây tác động xã hội, trong thời gian làm việc ở nhà máy của công ty này, Linh nhận thấy các xe tải luôn rỗng thùng ở chiều về, gây lãng phí nguồn lực. Logivan – ứng dụng công nghệ giúp kết nối chủ xe tải và chủ hàng – được ra đời theo cách đó.
Với các tài xế, Logivan sẽ giải quyết vấn đề thu nhập, tránh bỏ phí xe rỗng chiều về. Còn với các chủ hàng, thay vì đi hỏi từng chủ xe thì họ có thể đăng tin trên ứng dụng để các tài xế phù hợp liên lạc lại.
Bằng cách đó, ứng dụng sẽ giúp giảm chi phí vận tải cho các chiều xe đi về. Lớn hơn là thu hút các công ty nước ngoài muốn đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Hãy ‘giết chết’ ý tưởng
Trước khi bắt tay vào làm, Linh đã gặp nhiều chuyên gia trong ngành vận tải để tham vấn và nhận được nhiều phản hồi lạc quan. Cô cũng tìm hiểu những mô hình tương tự đã thất bại cũng như tham khảo những mô hình thành công để rút ra bài học kinh nghiệm cho mình.
Một kinh nghiệm để đưa Logivan đi tới ngày hôm nay mà Linh rất tâm đắc, đó là “hãy giết chết ý tưởng của mình”.
Từng thất bại trong việc phát triển một số ý tưởng khác thời sinh viên và lúc mới ra trường, lần này, Linh thận trọng hơn trước khi bắt tay vào thực hiện.
Cô đặt ra những câu hỏi phản biện: Nếu khách hàng không đón nhận ý tưởng? Nếu không tiếp cận được với chủ xe? Tiếp cận rồi, làm thế nào để tạo ra những thuật toán kết nối họ hiệu quả nhất? Nếu nguồn cung nhiều hơn cầu hay ngược lại?…
“Khi trả lời được những câu hỏi đó thì ý tưởng của bạn mới có cơ hội thành công” – Linh chia sẻ.
Từ ý tưởng tới 13.000 tài xế và 2 triệu USD
Những ngày đầu tiên, nhóm của Linh lên tận cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị để tiếp cận với các chủ xe tải. “Thời điểm ấy, xe tải tắc ở trên đó khoảng 10km, các tài xế ăn ngủ tại chỗ cả tuần liền. Đó là cơ hội để chúng tôi tiếp xúc với họ. Nhưng ban đầu, họ tưởng chúng tôi là phóng viên nên không muốn chia sẻ”.
Hiểu được điều đó, cả nhóm thay đổi cách ăn mặc, nói chuyện để “giống họ hơn”. Khi đã được tin tưởng và chia sẻ thông tin, lúc ấy, nhóm mới giải thích mình đang làm gì.
“Nhưng sau đó, chúng tôi nghĩ rằng nếu cứ như thế cũng chưa chắc đã lấy được niềm tin của tài xế về lâu dài. Nhóm bắt đầu làm ‘road show’ ở những điểm nghỉ tập trung nhiều xe tải, mặc đồng phục chuyên nghiệp hơn, tổ chức chung chiến dịch với các công ty lớn… Mục đích là để các tài xế biết đến Logivan, hiểu được những lợi ích và tải ứng dụng về điện thoại của mình”.
Mới chỉ hoạt động được hơn 1 năm nay, hiện tại Logivan đã có khoảng 13.000 tài xế, trong đó 50-60% sử dụng ứng dụng thường xuyên.
Cái tên Logivan ra đời với nhiều ý nghĩa: logi là viết tắt của logistic (hậu cần) và van (xe tải).
Linh nói: “Bản chất ngành này là khó vì nó đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay rồi, nhưng bây giờ công nghệ mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường. Cái khó là thay đổi hành vi và tư duy người dùng. Cái khó thứ 2, đây là lĩnh vực B2B (business to business), chứ không phải B2C (business to customer) như Grab, Uber. Khách hàng của Logivan là doanh nghiệp, vì thế chúng tôi phải thay đổi hành vi cũng như tư duy, giải pháp cung ứng của cả một công ty, tức là nó đòi hỏi thời gian lâu hơn”.
Cũng giống như nhiều “start-up” khác, Linh đưa ý tưởng của mình tham gia nhiều cuộc thi gọi vốn và thu được thành công “kha khá”: giải Nhất cuộc thi Uber EXCHANGE hồi tháng 11/2017 với chuyến đi sang Silicon Valley học hỏi kinh nghiệm, vượt qua hàng nghìn đối thủ để giành chiến thắng trong cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức tại Hội nghị công nghệ và khởi nghiệp quốc tế RISE hồi tháng 7/2018… Quan trọng nhất, Logivan đã gọi vốn 2 vòng thành công với số vốn đầu tiên 600.000 USD và vòng gần đây nhất là 1,75 triệu USD.
Trong cuộc thi “PITCH – The Startup Battle” (Cuộc chiến khởi nghiệp) được tổ chức thường niên bởi RISE, đây cũng là lần đầu tiên một công ty khởi nghiệp đến từ Việt Nam giành chiến thắng. Vượt qua hơn 800 đội thi tiềm năng được trưng bày sản phẩm tại hội nghị, Logivan là 3 “start-up” xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết, trình bày và phản biện trực tiếp trước các nhà đầu tư lớn và các đối tác toàn cầu.
Vượt qua 2 đối thủ nặng ký, Logivan xuất sắc giành chiến thắng chung cuộc.
Đặc biệt, ngay trước phần thi thuyết trình trong vòng chung kết 10 phút, ứng dụng đã nhận được đề nghị hợp tác đầu tư với số vốn 1 triệu USD.
“Các nhà đầu tư luôn nhắm đến những thị trường có tiềm năng tạo ra lợi nhuận lớn nhất có thể. Sau đó, họ nhìn vào đội ngũ, người sáng lập, những con số đã làm được và với số vốn được rót thì trong tương lai công ty sẽ làm được gì” – Linh cho biết.
Bàn về cộng đồng “start-up” trong nước, Linh cho rằng Việt Nam chưa có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm cho các “start-up” ở giai đoạn sớm. “Đó là một bất lợi” – Linh nói.
“Nếu so sánh thì ‘start-up’ của nước ngoài sáng tạo hơn, mạo hiểm hơn. Việt Nam thường có xu hướng làm theo mô hình nước ngoài rồi cải biến theo tình hình trong nước. Điều đó cũng rất đúng, bởi vì tại sao mình phải quá mạo hiểm? Bản thân tôi cũng rất thích cách làm đó. Nó có khả năng thành công cao hơn một mô hình chưa từng có trên thế giới”.
Cần những người biết phản biện ‘sếp’
Quản lý một doanh nghiệp với hàng trăm nhân viên là một thách thức hằng ngày với cô gái 25 tuổi. “Nhiều lúc muốn điên đầu” là chia sẻ vui của Linh khi đứng trước những cuộc tranh luận, những phản biện lẫn nhau của những người trẻ ở đây.
“Phản biện lẫn nhau là lý do Logivan phát triển. Chúng tôi không thích văn hoá của những công ty truyền thống – nhân viên chỉ biết vâng lời ‘sếp’”.
Một câu hỏi mà Linh hay sử dụng trong vòng phỏng vấn là “Thách thức lớn nhất mà bạn từng gặp là gì?”. “Câu hỏi này giúp mình biết được ứng viên có thích được thử thách hay không và họ đã vượt qua nó như thế nào, bài học rút ra là gì”.
Với tư duy mở của người trẻ, công ty cũng không chọn bằng cấp, mà chọn kỹ năng. “Chúng tôi có thể chọn một ứng viên rất giỏi lập trình mà không cần tốt nghiệp các trường top trong nước như Bách Khoa, Khoa học tự nhiên. Logivan hứng thú với những người dành thời gian cho những ý tưởng điên rồ, những suy nghĩ khác biệt, biết phản biện ‘sếp’ thay vì chỉ biết hết giờ làm đi về”.
Là một công ty khởi nghiệp, nhưng người sáng lập ra nó tự tin rằng mức lương trả cho nhân viên luôn cao hơn thị trường. “Bởi vì chúng tôi coi trọng người tài, chứ không phải vì đang có một nguồn vốn tốt” – Linh khẳng định.
Khi được hỏi tại sao đang có công việc với mức thu nhập tốt ở một tập đoàn hàng đầu, cô lại quyết định về Việt Nam làm khởi nghiệp, Linh nói: Ở những tập đoàn lớn, mỗi người chỉ là một nhân tố nhỏ trong cả một hệ thống đồ sộ và rất khó nhìn ra ảnh hưởng của mình. Còn với “start-up”, với Logivan, Linh thấy mình đang giải quyết một vấn đề lớn, có tác động tích cực tới xã hội.
“Mục tiêu của Logivan là thành công trong việc giúp cho 1 triệu tài xế xe tải, công-ten-nơ sử dụng ứng dụng để tăng thêm thu nhập, mở rộng kinh doanh”.
Chia sẻ về bản thân, Linh cười và nói, hiện tại cô không có nhiều sở thích cá nhân. “Những sở thích bay bổng ngày xưa bây giờ đều ‘co’ lại thành một thứ duy nhất. Nói chuyện về kinh doanh, về Logivan là việc mà tôi thích nhất bây giờ”.
Nguyễn Thảo – Vietnamnet