Chưa vượt biên giới, khó trở thành kỳ lân!
Startup Việt Nam phải được chắp thêm đôi cánh tài chính và chiếc sừng chính sách để trở thành những kỳ lân mạnh mẽ.
Một lần nữa, Việt Nam lại lỗi hẹn với các kỳ lân công nghệ (các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa niêm yết có định giá 1 tỉ USD trở lên) nhưng cơ hội mới vẫn đang mở cửa. Cách đây không lâu, một quỹ đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới. Sẽ không có gì bất ngờ nếu đây là một quỹ chưa bao giờ đầu tư vào Đông Nam Á và thị trường họ tìm kiếm đầu tiên chính là Việt Nam.
Theo Hiệp hội Vốn mạo hiểm của Singapore (Singapore Venture Capital Association – SVCA), có khoảng 8 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm và vốn tư nhân đổ vào thị trường Đông Nam Á trong năm 2017. Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 5% trong tổng số vốn này (đầu tư vào Việt Nam khoảng 300 triệu USD, theo báo cáo Topica Founder Institute 2017). Nhưng đây chính là điểm hấp dẫn của thị trường startup tại Việt Nam. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, chi phí thu hút người sử dụng còn thấp so với các thị trường khác là điểm hấp dẫn của Việt Nam”, đại diện quỹ này cho biết.
Thiếu nhà kết nối, ít quỹ hạt giống
Tuy nhiên, đó chỉ là phần đầu của câu chuyện, chỉ vài tháng sau khi tìm hiểu, quỹ đầu tư này đã phải tạm dừng ý định đầu tư vào Việt Nam. “Chưa có nhiều startup tại Việt Nam có thể tạo được sự kết nối chặt chẽ với nhà đầu tư nước ngoài”, bà Lê Hoàng Uyên Vy, người hiện đang giữ vị trí Giám đốc Điều hành của Quỹ ESP Capital, nhận định.
Trong thời gian qua, Việt Nam là điểm thu hút nhiều quỹ đầu tư có chất lượng. Tuy nhiên, đây là các quỹ đầu tư từ vòng A trở lên, tức đòi hỏi các doanh nghiệp được đầu tư đã có mô hình kinh doanh tương đối rõ ràng, bắt đầu giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo bà Vy, đa phần các công ty khởi nghiệp mà các quỹ đến từ nước ngoài tiếp xúc chưa từng được đầu tư. Do đó, các quỹ này sẽ không tham gia vì họ không phải là những người “cầm tay chỉ việc” như các quỹ chuyên đầu tư vòng hạt giống. Hay nói các khác, họ chỉ mạnh dạn đầu tư khi các công ty này đã có các quỹ hạt giống tham gia. Trong khi đó, số lượng các nhà đầu tư vòng hạt giống ở Việt Nam là không nhiều. Nếu như năm 2017, có gần 100 thương vụ đầu tư, đa phần là các thương vụ nhỏ thì cả Việt Nam chỉ có chưa đến 10 quỹ vòng hạt giống tham gia. Có thể kể đến các cái tên như ESP Capital, SVF, Expara (Singapore), VIISA (FPT, Dragon Capital), 500 Startups Việt Nam (Mỹ), Innovatube, VIC Partners, Velocity… “Số lượng này là quá ít so với thị trường tiềm năng như Việt Nam”, bà Vy nói.
Như vậy, việc nhiều quỹ đầu tư vòng A hoặc vòng sau quan tâm Việt Nam nhưng chưa tìm được công ty phù hợp là một điều đáng tiếc và điều này đang tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Để khắc phục, trong thời gian tới sẽ thấy rõ hai xu hướng diễn ra song song tại Việt Nam. Một là sẽ xuất hiện nhiều quỹ đầu tư tham gia ở vòng hạt giống nhiều hơn và hai là các quỹ hạt giống hiện tại sẽ tăng cường mở rộng danh mục đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Eddie Thái, người đứng đầu thị quỹ 500 Startups Việt Nam, cho biết, với thị trường áp đảo bởi các thương vụ hạt giống nhỏ như Việt Nam, quỹ này cũng quyết định tăng tốc trong thời gian tới. Việc gọi thành công 14 triệu USD sẽ giúp quỹ đẩy mạnh đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Hiện 500 Startups Việt Nam đã đầu tư 36 doanh nghiệp sau 2 năm hoạt động. Trước đó, ông Eddie Thái cho biết đang đặt mục tiêu đạt con số 100 trước năm 2020. “Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới từ năm 1990 đến nay. Đây là tiền đề thuận lợi để tìm kiếm những công ty công nghệ xuất sắc”, ông Eddie Thái cho biết.
Tuy nhiên, trong khi các quỹ đầu tư khá hăng hái với những nhóm khởi nghiệp thì các nhà đầu tư nội vẫn khá trầm lắng. Một chương trình khởi khiệp khá thu hút dư luận trong thời gian qua là Shark Tank, nhưng cho đến nay, chưa có con số chính thức về tổng số vốn giải ngân từ chương trình.
“Chúng tôi nhận ra là hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam đang chạm đến giai đoạn phát triển nhanh. Nhưng điểm khó khăn lớn nhất chính là thiếu các hình mẫu startup thành công và cộng đồng còn chưa hiểu về khởi nghiệp”, ông Andrew, Công tước xứ York, chia sẻ trong dịp ghé qua Việt Nam tìm đại diện tham gia vòng chung kết tại London của chương trình Pitch@Palace.
Đơn cử là thị trường thương mại điện tử, một trong những mảng lớn không thể thiếu của nền kinh tế internet. Nếu Amazon thừa hưởng một nền văn hóa tiêu dùng nhanh nội địa làm nền tảng, thì Tiki lại phải đầu tư và chờ đợi sự phát triển của nền văn hóa tiêu dùng.
Những kỳ lân thương mại điện tử như Lazada cũng thuộc những nước có nền văn hóa tiêu dùng phát triển như Singapore. Sự thiếu nhận thức về khởi nghiệp của cộng đồng và các đối tác địa phương cũng chính là rào cản lớn. Đó là lý do các nhà đầu tư nội chưa mặn mà tham gia. Và dù được khá nhiều quỹ ngoại quan tâm nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn chịu thiệt thòi vì các quy định đầu tư chưa thật sự thông thoáng.
Trên thực tế, khá nhiều startup Việt Nam có dự định đăng ký tại Singapore vì khung pháp luật ưu đãi cho các công ty công nghệ. Thêm vào đó, báo cáo của Google và Temasek cũng cho biết phần lớn các thương vụ đầu tư tại Đông Nam Á trong thời gian qua tập trung vào Singapore (58%) và Indonesia (34%).
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực cho giới khởi nghiệp và các nhà đầu tư là mới đây tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp (tổ chức ở Đà Nẵng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận rằng Việt Nam cần một khung pháp lý để có giải pháp thiết thực hơn cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các chính sách cần phải thông thoáng, thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết Chính phủ sẽ quyết tâm tạo mọi điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh, hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới.
Muốn có kỳ lân, phải đi ra khu vực
Việc bỏ qua làn sóng các quỹ đầu tư vừa qua đồng nghĩa với câu chuyện kỳ lân công nghệ của Việt Nam xuất hiện sẽ khó xảy ra trong vòng 2 năm tới. Cho đến nay, VNG (tiền thân là Vinagame) là kỳ lân không chính thức của Việt Nam và gần 10 năm qua, chưa một công ty khởi nghiệp nào của Việt Nam được vinh danh như vậy.
Nếu tính luôn “ông hoàng không ngai” này thì Việt Nam vẫn mới có một kỳ lân nội địa trong nền kinh tế internet trị giá 50 tỉ USD của Đông Nam Á. Nếu so với trong khu vực thì Việt Nam vẫn đứng sau Indonesia (4 kỳ lân) và Singapore (3 kỳ lân). Báo cáo của Google phối hợp với Temasek dự báo là nền kinh tế internet của Đông Nam Á sẽ chạm mức 200 tỉ USD vào năm 2025, với CARG ở mức 27%.
Gần đây, Topica Edtech Group, đơn vị cung cấp nền tảng giáo dục trực tuyến, công bố nhận 50 triệu USD đầu tư vòng D của Quỹ Northstar Group. Rất khó để xác định được khoản đầu tư cụ thể trong thương vụ này, nhưng rõ ràng Topica Edtech Group đang sở hữu các yếu tố để có thể tạo ra kỳ lân của Việt Nam.
Công thức để tạo ra kỳ lân rất đơn giản: startup phải có doanh thu từ 100 triệu USD trở lên, sở hữu vài triệu người sử dụng trả phí. Việt Nam dù có tỉ lệ người sử dụng internet hơn một nửa dân số nhưng con số chịu trả phí lại không cao, do đó để đạt doanh thu trên, các công ty Việt Nam buộc phải mở rộng quy mô ra khu vực.
Dĩ nhiên, vẫn có một số ngành chỉ nhu cầu nội địa cũng đủ sức tạo ra kỳ lân như y tế hay giáo dục, nhưng đây là các ngành cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Đơn cử, Imprint là một ứng dụng quản lý hồ sơ bệnh án được xây dựng trên nề tảng phi tập trung blockchain. Ứng dụng này có thể giúp bệnh nhân không cần xếp hàng dài trước các bệnh viện công từ 4 giờ sáng, bỏ qua việc chen chúc khi xếp hàng phải thanh toán tiền mặt sau mỗi khâu khám bệnh, tránh tình trạng nhầm lẫn hồ sơ bệnh án.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Công, nhà sáng lập Imprint cho rằng, vấn đề khó khăn nhất không phải là kỹ thuật mà làm sao thuyết phục được các hệ thống bệnh viện cùng đồng bộ ứng dụng. Con đường khả thi nhất hiện nay là tạo ra các sản phẩm đi ra khu vực. Có thể thấy các kỳ lân hiện nay như Grab, Sea hay Go-jek đều là các công ty đa quốc gia. Bà Vy của ESP Capital lưu ý rằng các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao sẽ dễ dàng mở rộng hơn so với nhóm khác.
Lấy ví dụ đơn giản, các sản phẩm như Uiza, công ty cung cấp nền tảng điện toán đám mây cho video và dịch vụ livestream sẽ có thể nhanh chóng mở rộng ra quốc gia khác hơn so với các sản phẩm phục vụ nhu cầu nội địa như Lozi, Clingme chẳng hạn.
Mặt khác việc mở rộng nhanh cũng là cách phòng vệ trước cơn lốc “ngoại xâm”. Đông Nam Á là nơi đầu tư rất hấp dẫn với trong mắt các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc. Alibaba và Tencent có một cuộc đua so kè từng chút một tại khu vực này.
Phần lớn trong 13 tỉ USD được đổ vào Đông Nam Á từ năm 2015 đến nay là thuộc về các nhà đầu tư Trung Quốc. Các nhà đầu tư của các quỹ mạo hiểm Mỹ cũng đã bắt đầu chủ động đầu tư vào khu vực này. Một nghiên cứu bởi Kroll and Mergermarket ước tính các nhà đầu tư Mỹ chiếm khoảng 25% vốn rót vào Đông Nam Á.
Điển hình như ClassPass, mô hình chia sẻ phòng tập tiên phong của Mỹ, ngay khi gọi thêm 85 triệu USD hồi tháng 7 vừa qua đã đánh tiếng tấn công thị trường Đông Nam Á. Ở Việt Nam, WeFit (công ty nằm trong danh mục đầu tư của ESP Capital, có mô hình như ClassPass) hiện dẫn đầu thị trường cũng cho biết sẽ mở rộng sang Đông Nam Á. Theo bà Vy, Công ty sẽ tìm kiếm các quỹ đầu tư hoặc đối tác am hiểu thị trường ở các quốc gia mà WeFit hướng đến để kêu gọi hợp tác. “Đây là cách nhanh nhất để gia nhập một thị trường mới”, bà chia sẻ.
Trên thực tế, thời gian qua đã chứng kiến khá nhiều doanh nghiệp công nghệ mở rộng quy mô như Topica Edtech Group, ANT, Nova Group (nền tảng quảng cáo), WisePass (ứng dụng ẩm thực)… Gần nhất, Haravan, đơn vị cung cấp các giải pháp kinh doanh trực tuyến, cũng chuẩn bị thâm nhập thị trường Thái Lan. “Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tinh thần vượt biên giới. Với mạng lưới 770 doanh nghiệp tại 57 nước, chúng tôi thậm chí sẽ đưa họ đến cả châu Phi nếu nhìn thấy tiềm năng”, Công tước Andrew chia sẻ.
Công Sang- Bảo Ngọc (Nhịp cầu đầu tư)