Châu Á: Điểm nóng thị trường lữ hành 120 tỉ USD
Một nhóm startup dẫn đầu bởi Klook với sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư có tài chính hùng hậu như SoftBank (Nhật) đang bành trướng mạnh vào thị trường các hoạt động kinh doanh lữ hành trị giá 120 tỉ USD, phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong ngành du lịch.
Các công ty này cung cấp đa dạng dịch vụ từ vé công viên đến lớp học nấu ăn và các tour đi bộ, nhắm đến đối tượng millennial (những người lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội, trong độ tuổi từ 18-35) đặc biệt tại thị trường du lịch châu Á đang tăng trưởng nhanh. Sự gia nhập của những tay chơi mới có tài chính hùng hậu này đang buộc các hãng lữ hành truyền thống phải đầu tư mạnh tay hơn vào ngành du lịch.
“Nhu cầu đi lại giữa các khu vực tại châu Á có quy mô lớn không kém Mỹ hay châu Âu, nhờ đó đã đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng”, Eric Gnock Fah, đồng sáng lập Klook, nhận xét. Klook tuyên bố đã huy động lượng vốn lớn nhất so với bất kỳ công ty kinh doanh lữ hành và tour du lịch nào trên toàn cầu.
“Trong khoảng thời gian 5 năm, tôi cho rằng thị trường châu Á sẽ lớn hơn cả Mỹ và châu Âu. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ các nhà đầu tư nhìn chung rất lạc quan về triển vọng của ngành này”, Gnock Fah nói thêm.
Klook đã nhận được 225 triệu USD vốn đầu tư từ SoftBank, đưa tổng số vốn huy động được lên tới 520 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có cả Goldman Sachs và Sequoia Capital, định giá startup này lên tới hơn 1 tỉ USD.
Được thành lập vào năm 2014, Klook cung cấp hơn 100.000 hoạt động lữ hành tại hơn 270 thành phố trên thế giới. Gnock Fah cho biết Công ty đã tận dụng được cơn bùng nổ về tăng trưởng trong tầng lớp người đi du lịch trẻ đến từ Trung Quốc; có tới 85% khách hàng của Klook đến từ châu Á.
Klook tuyên bố Công ty chiếm tới 50% doanh số bán trực tuyến châu Á trong lĩnh vực cung cấp các hoạt động kinh doanh lữ hành và dự báo tốc độ tăng trưởng 3 con số trong doanh thu giao dịch 1 tỉ USD năm 2018 của Hãng.
Với lượng vốn mới được bơm vào, Klook cho biết sẽ bành trướng vào thị trường Nhật cũng như đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại châu Âu và Mỹ. Trước tiên, công ty này tiến quân vào thủ đô các nước, sau đó mới len lỏi vào thị trường ngách.
Tại Khao Yai, một thị trấn bên ngoài Bangkok, Thái Lan, khách hàng có thể đến thăm các nông trại và vườn nho. “Các công ty tổ chức tour và kinh doanh các điểm đến du lịch đang trở thành một nhân tố thiết yếu trong ngành du lịch”, Neel Laungani, đứng đầu mảng viễn thông, truyền thông và công nghệ tại châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng Deutsche Bank, nhận xét.
“Những công ty trẻ tuổi này đã trở thành những nền tảng có đầy đủ các dịch vụ, từ đề xuất điểm tham quan đẹp nhất trong một thành phố cho xử lý booking và xuất vé điện tử ngay tức thì. Họ đã khám phá ra nếu bạn tương tác thường xuyên với khách hàng thì sẽ nâng cao được mức độ tương tác đó và rồi bạn sẽ càng có được nhiều giao dịch hơn, thường xuyên hơn nữa với khách hàng đó”, Laungani nói thêm.
Tương tự, GetYourGuide có trụ sở tại Berlin, được sự hậu thuẫn từ hãng đầu tư Battery Ventures và tập đoàn đầu tư vốn cổ phần tư nhân KKR, đã huy động được 170 triệu USD và tập trung vào việc phát triển mạnh hơn ở Mỹ sau khi củng cố vị trí ở châu Âu. “GetYourGuide là công ty kỹ thuật số đầu tiên hàn gắn một thị trường trực tuyến toàn cầu phân mảnh, thiếu tập trung”, CEO Johannes Reck nói.
Phocuswright, công ty nghiên cứu ngành du lịch, cho biết doanh thu của thị trường các hoạt động kinh doanh lữ hành và tour du lịch sẽ đạt 120 tỉ USD vào năm 2019, trong đó hơn 1/3 chảy vào túi các nhà cung cấp dịch vụ châu Á. Cơ hội tăng trưởng của người chơi trực tuyến, đặc biệt là các nền tảng di động, là rất lớn, xét trong bối cảnh chỉ khoảng 20% doanh số bán trong ngành đến từ trực tuyến trong năm nay.
“Liệu sẽ có một người chơi chiếm lĩnh thị trường trong tương lai dĩ nhiên là một câu hỏi mà chúng ta thường đặt ra, nhưng cho đến nay vẫn chưa được đặt ra trong ngành lữ hành”, Maggie Rauche, chuyên gia phân tích của Phocuswright, nhận định.
Các công ty truyền thống không chịu ngồi yên. TUI Group năm ngoái đã mua lại Musemen, một startup về các hoạt động kinh doanh lữ hành và tour du lịch có trụ sở đặt tại Milan. Những kẻ phá bĩnh “đời đầu” trong lĩnh vực du lịch trực tuyến cũng đang cố gắng giành lấy thị phần.
Năm 2014 TripAdvisor đã mua lại Viator và năm 2018 tiếp tục thâu tóm nền tảng công nghệ đặt chỗ Bokun. Cả 3 hãng lữ hành trực tuyến lớn nhất của thế giới là Booking, Ctrip, Expedia đều bán tour và cung cấp các dịch vụ lữ hành. Trong khi đó, Airbnb đã ra mắt nền tảng Experiences của mình vào năm 2016.
“Phần lớn tốc độ tăng trưởng này đều đến từ các thị trường mới nổi tại châu Á, vốn đang tiếp sức mạnh cho tăng trưởng của ngành du lịch toàn cầu”, Parin Mehta, Giám đốc Airbnb Experiences khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhận định.
Đàm Hoa – Nhịp cầu đầu tư