Cách nào để startup Việt bước qua những ‘bãi mìn vô hình’?
Các startup thường mắc rất nhiều sai lầm, trong đó sai lầm lớn nhất là quá quan trọng sản phẩm, đam mê ý tưởng mà bỏ quên câu chuyện kinh doanh.
Một nội dung quan trọng thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp tham dự Diễn đàn kinh tế TP. HCM 2018 chính là làm sao kết nối được cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam với hệ thống khởi nghiệp thế giới, kết nối giữa doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư, nhà tư vấn, chính quyền địa phương và chính quyền quốc gia để giúp startup Việt đi ra thế giới.
Startup Việt Nam còn “sơ khai, nghèo nàn và thiếu văn hóa hợp tác”
Đề cập đến thực trạng của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, ông Lê Minh Nhựt, quản lý chương trình VIISA, đại diện cho quỹ đầu tư tại Việt Nam cho biết: “Đồng hành với startup các tỉnh từ Nam chí Bắc, tôi thấy vẫn còn có sự nhập nhằng về khái niệm giữa lập nghiệp, khởi sự kinh doanh theo công nghệ hay để thoát nghèo.
Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia các tỉnh đều có chương trình nhưng họ khá chật vật trong ứng dụng công nghệ, thiếu môi trường ứng dụng thực tế như TP. HCM, thiếu liên kết giữa các tỉnh, vùng miền để có sự chuyển giao hoạt động.
TP.HCM khá sôi động các chương trình startup, nhiều nguồn lực hỗ trợ nhưng cũng chưa có sự kết nối đi vào chiều sâu về công nghệ, ít có cơ hội tiếp cận thông tin thế giới đang ứng dụng thông tin này thế nào? Các startup khi bước vào cuộc chiến kinh doanh rất thiếu sự hỗ trợ, đứt gánh giữa đường về yếu tố tài chính, kế hoạch tài chính yếu”.
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu cũng cho rằng sai lầm lớn nhất của các startup là quá quan trọng sản phẩm, đam mê ý tưởng mà bỏ quên câu chuyện kinh doanh.
Thứ hai chính là từ nhà đầu tư: Đối với các dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ đã khó khăn, startup còn khó khăn hơn nhiều, đối mặt rủi ro về khả năng xung đột sở hữu trí tuệ, che dấu thông tin, rủi ro định giá, kiểm soát… do vậy nhà đầu tư rất sợ. Nhà đầu tư và startup loay hoay tìm cách đi cùng, hệ sinh thái còn nghèo nàn, chỉ khi tìm ra giải pháp đi cùng nhau mới có màu sắc tích cực hơn.
Từng là cố vấn cho rất nhiều startup Việt Nam và Úc, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo dưới góc độ thực hành, xây dựng các doanh nghiệp như tạo ra những giải pháp thực tế, ông Tony Wheeler, nhà sáng lập ImagineX, cố vấn cao cấp Vietnam Foundation cho rằng: TP. HCM đang phấn đấu trở thành thành phố thông minh, sáng tạo nhưng còn rất nhiều bất cập về giao thông, nhà giá rẻ…
Công nghệ có thể mua nhưng không thể giải quyết vấn đề của chính mình trong dài hạn. Nhiều doanh nghiệp không có giải pháp mà chỉ nhập khẩu nhưng phải có kiến thức để biết cần mua công nghệ nào để trở thành người chiến thắng.
Việc phi tập trung hóa dữ liệu lớn, riêng tư và bảo mật ngày càng quan ngại. Máy học và trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi rất lớn, bảo đảm 90% công việc trong tương lai chẳng liên quan gì đến việc chúng ta đang làm hết. Tự động hóa và robot trong lĩnh vực nông nghiệp liên tục thay đổi, tiến hóa hàng ngày. Lĩnh vực vận chuyển với những trạm sạc pin của Vinfast sẽ thay đổi rất lớn, làm thế nào tạo ra sự cộng lực để thay đổi cuộc chơi, kể cả Blockchain và số hóa? Tất cả nguồn năng lượng mới sẽ kết nối với lưới điện quốc gia thế nào? TP. HCM đã sẵn sàng cho giai đoạn này chưa?
Bàn đến chính quyền thông minh là bàn đến thiết kế đô thị để các hệ thống sẽ tích hợp với nhau, tạo nên hệ thống toàn diện cho tương lai.
“Rất tiếc, gần 90% quy trình hiện nay không dựa trên công nghệ ngay cả những tính toán về mật độ cũng chưa chi tiết. Thành phố thông minh là xoay quanh con người, vậy quản lý giao diện đó như thế nào? Khả năng thích ứng của con người với hệ thống này khi mã nguồn mở, quyền sở hữu trí tuệ được mở ra, giúp con người làm việc trên bình diện toàn cầu?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất và văn hóa hợp tác, từ lập chiến lược, quy trình, đến quy tắc hành xử của tất cả mọi người trong hệ sinh thái đó. Tạo ra thành phố thông minh có hàng ngàn câu chuyện có thể kể không liên quan đến vật chất mà liên quan đến văn hóa.
Để các startup đưa ý tưởng đến thị trường cần có nhà đầu tư, Chính phủ nhưng nhìn vào văn hóa của thành phố này, tôi thấy cách vận hành thiếu sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính phủ phải sẵn sàng bắt kịp tốc độ của doanh nghiệp để cùng doanh nghiệp đi nhanh, làm nhanh, chiến đấu nhanh. Các bên phải ngồi lại thực sự đối thoại với nhau, mới phát huy được vai trò của các phát minh sáng chế đã vào cuộc sống. Silicon Valley là một mô hình mà ở đó 99% startup bỏ cuộc, bị đào thải, còn ở TP. HCM, liệu có chấp nhận rủi ro?
Mô hình trưởng thành cho hệ sinh thái Việt Nam đang còn rất sơ khai, kể cả hệ sinh thái startup, dù đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ startup và tiền đổ vào. Làm thế nào kết nối hệ sinh thái đó với phần còn lại của thế giới? Làm thế nào để doanh nghiệp lớn hưởng lợi từ môi trường này?”, ông Tony Wheeler đánh giá.
Nhiều startup lo lắng sợ hãi doanh nghiệp lớn sẽ lấy hết thị trường khi mua ý tưởng của họ, điều này đúng. Ông Tony Weeler cho rằng doanh nghiệp lớn phải là người đầu tư, tìm kiếm khách hàng sẵn sàng trả tiền cho ý tưởng, trở thành người đồng hành với startup. Còn vai trò Chính phủ là tạo thuận lợi cho ý tưởng ra đời, thay đổi chính sách thuế để doanh nghiệp lớn có thể mua từ startup vì đầu tư vào startup chịu rủi ro cao. Hầu hết startup thất bại, thủ tục phá sản và thanh lý startup cần dễ dàng hơn, có như vậy mới tạo ra hệ sinh thái bảo đảm toàn bộ mọi người đều có thể tham gia.
Làm thế nào đưa sản phẩm startup Việt tham gia thị trường quốc tế?
Công nghiệp 4.0 có sự tương tác giữa công việc với con người, liên quan đến văn hóa, mở ra cơ hội rất lớn cho startup sử dụng lợi thế để ứng dụng, thực tập nhưng làm thế nào để tham gia vào thị trường quốc tế nhanh hơn?
Ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc AiPAC (San Jose, Hoa Kỳ), đại diện cho nhà đầu tư và founder khởi nghiệp thị trường quốc tế chia sẻ: “Muốn đi nhanh hơn, startup cần liên kết với các hiệp hội nước ngoài để giới thiệu chúng ta với thị trường thế giới. Cần chuẩn bị để nói cùng ngôn ngữ với các mô hình nước ngoài.
Silicon Valley có khá nhiều công nghệ đã thành công ở Hoa Kỳ, nếu chúng ta chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu về startup Việt Nam sẽ có cơ hội giới thiệu ra quốc tế. Việc thông hiểu thị trường, có đối tác khiến họ thích thú là lý do họ tham gia hợp tác cùng chúng ta”.
Chia sẻ về Trung tâm đổi mới sáng tạo đang xây dựng ở Silicon Valley để giúp doanh nghiệp Việt Nam, ông Trí nói: “Qua thời gian làm việc với Việt Nam, tôi thấy phần nhiều doanh nghiệp còn sử dụng cách thức, mô hình kinh doanh cũ.
Tôi muốn giúp họ học những phương pháp làm việc thực tế, tiếp cận trực tiếp với các tổ chức cố vấn của Hoa Kỳ. Chỉ cần có một sự kiểm duyệt tại Hoa Kỳ có thể truyền trực tiếp về Việt Nam, từ đó startup có thể học về kỹ thuật, kỹ năng bắt đầu khởi nghiệp, lấy công nghệ đó để kết nối phát triển”.
Từng là nhà đầu tư lớn cho các startup, ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu chia sẻ: “Cách đây vài năm, người ta rất ít đề cập vai trò của doanh nghiệp lớn với startup và ngược lại. Họ cần tìm đến doanh nghiệp lớn để tư vấn, hỗ trợ đầu tư hoạt động tạm thời trước khi có đầu tư trực tiếp, đồng thời có thị trường để đưa sản phẩm vào chuỗi. Ngược lại, doanh nghiệp lớn khi kết hợp với startup có rất nhiều giải pháp cho sáng tạo giúp phát triển bền vững. Riêng 2018, Sao Bắc Đẩu đầu tư 5 startup.
Vẫn có sự nghi ngại giữa doanh nghiệp lớn và startup, sợ việc sau khi mua ý tưởng nhà đầu tư sẽ cho startup ra đường. Chúng tôi không “nuốt” cũng không đầu tư mang tính chi phối vì chúng tôi cần chất xám của các bạn, thực ra hai bên tương hỗ nhau. Thay vì R&D trong lòng doanh nghiệp thì nên tìm kiếm startup để thúc đẩy xã hội cùng phát triển”.
Thường các startup có 4 sự lựa chọn: Sau 2 năm khởi nghiệp phá sản, sống lay lắt, bị M&A hoặc lên ngay thị trường chứng khoán. Để hạn chế rủi ro, CEO iBosses Việt Nam Tăng Ngọc Trường An chia sẻ: “Sau 7 năm làm ở Silicon valley, quay về Việt Nam, tôi thấy các bạn hoạt động rất mạnh năm 2016, với nhiều cộng đồng cố vấn là Sáng kiến khởi nghiệp Việt Nam, Startup Việt Nam… nhưng tiếc rằng xem lại nội dung, tôi hơi buồn vì các trang web toàn thông tin cũ, đào tạo offline là chủ yếu.
Thành lập iBosses, chúng tôi muốn dẫn người khởi nghiệp qua những bãi mìn vô hình, vì cách mạng 4.0 là sự không ổn định giữa công nghệ, văn hóa, pháp luật… người làm tư vấn phải hiểu điều đó. Phải biết tận dụng hết hạ tầng 4.0 để cố vấn trên online chứ không thể lúc nào cũng gặp được nhau, người trẻ tuổi có thể cố vấn cho người lớn tuổi, điều này có vẻ khó chấp nhận ở châu Á. Chúng ta phải biết kết nối hệ thống khởi nghiệp thế giới, iBosses quyết tâm kết nối với Singapore, kết nối giữa doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư, nhà tư vấn, chính quyền địa phương và chính quyền các quốc gia để giúp startup Việt đi ra thế giới”.
Kim Yến – TheLeader