2 Startup Việt có sức ảnh hưởng ở thung lũng Silicon
TS Lương Minh Thắng và TS Vũ Duy Thức, hai Startup Việt có sức ảnh hưởng ở thung lũng Silicon đã lập tổ chức phi lợi nhuận VietAI nhằm tạo cầu nối các nhà khoa học trẻ Việt Nam vươn ra thế giới, giúp họ nâng cao kỹ năng lập trình.
Nhận bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại ĐH Stanford, Mỹ
Tốt nghiệp THPT trong nước, Lương Minh Thắng theo học ngành khoa học máy tính tại ĐH Quốc gia Singapore. Tại đây anh bắt đầu nghiên cứu về máy học và ngôn ngữ tự nhiên. Sau đó anh được giữ lại làm trợ lý nghiên cứu tại trường cho đến năm 2011 nhận được học bổng theo học tiến sỹ tại ĐH Stanford, Mỹ.
Năm 2014, Thắng thực tập tại Google Brain. Anh và nhóm nghiên cứu sử dụng “neural machine translation”, nghiên cứu về áp dụng mạng nơ-ron nhân tạo giúp chương trình dịch thuật có thể tự động dịch những câu phức tạp thay vì dịch những cụm từ đơn lẻ như trước, đồng thời giúp máy hiểu sâu hơn ý nghĩa từ ngữ ở nhiều ngôn ngữ, xử lý được những đoạn văn dài.
Giáo sư Christopher Manning, người hướng dẫn nghiên cứu cho Thắng từng nhận xét: “Thắng là một người hiếm có. Cậu ấy có khả năng đóng góp quan trọng trong lĩnh vực khoa học ở tầm chiến lược. Thông qua những đóng góp về nghiên cứu ngôn ngữ máy tính, Thắng là một trong số ít những người có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đặc biệt là machine translation (dịch máy tự động) và học sâu”.
Năm 2016, Lương Minh Thắng nhận bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại ĐH Stanford và chính thức làm việc tại Google Brain. Anh đã có 20 nghiên cứu nhận được hơn 2.000 trích dẫn, được Forbes bình chọn vào danh sách 30 Under 30 năm 2018. “Các startup ở Việt Nam làm nghiên cứu thiếu dự án thực tế để phát huy hết khả năng. Với các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, điều họ cần là máy móc hiện đại và dữ liệu lớn, nguồn tài nguyên mà các công ty công nghệ lớn đang quy tập”, Thắng nói.
Nâng tầm robot
Đồng môn của Thắng là TS Vũ Duy Thức (SN 1982) từng tốt nghiệp cử nhân tại ĐH Carnegie Mellon, sau làm tiến sĩ công nghệ thông tin chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại ĐH Stanford. Thức là người Việt trẻ nhất nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Stanford. Anhcũng là một trong 40 gương mặt trẻ được tờ Silicon Valley Business Journal (tờ báo hàng đầu ở thung lũng Silicon – Mỹ) vinh danh bởi có hoạt động nổi bật nhất trên tất cả lĩnh vực tại đây.
Hiện Thức là Giám đốc điều hành Công ty OhmniLabs, chuyên sản xuất robot kết nối trực tuyến tại thung lũng Silicon. Anh là một trong những người khai sinh ra robot gia đình và là người Việt Nam duy nhất được vinh danh trong 40 nhân vật ấn tượng, có thành tích đặc biệt xuất sắc dưới 40 tuổi năm 2017 của thung lũng Silicon.
Thức thành lập Công ty OhmniLabs gắn với sự ra đời của phiên bản robot Ohmni thử nghiệm, robot có khả năng di chuyển linh hoạt và có một máy tính bảng được gắn trên đỉnh. Thông qua robot Ohmni, những cuộc gọi video được thực hiện và kết nối tự động có thể thu, phát hình trực tiếp. Robot cũng có thể tự động đi theo cùng con người để xem phim, đi dạo giống như một người bạn.
Các thế hệ robot gia đình đang được Thức và nhóm nghiên cứu hoàn thiện và phát triển. Đó là những robot chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi, hỗ trợ dạy học, hoặc giúp đỡ y tá trong bệnh viện.
Vũ Duy Thức có tham vọng tạo nên bước đột phá về robot bằng cách tạo ra một nền tảng mở để giảm chi phí đầu tư và thời gian nghiên cứu. Anh cùng đồng nghiệp xây dựng hệ thống mở Kambria (open platform) dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Từ nền tảng có sẵn, bất cứ kỹ sư lập trình nào cũng có thể đóng góp và phát triển thêm để có những con robot giá rẻ do không phải nghiên cứu từ đầu. “Kambria sẽ giúp họ và san sẻ quyền lợi. Họ có thể cùng đầu tư vào những dự án công nghệ có tiềm năng và lợi nhuận lớn dựa trên nền tảng có sẵn”, Thức nói.
Thức cho biết nền tảng công nghệ trên đang hợp tác phát triển xe không người lái, máy bay không người lái và robot y tế. Với dự án của mình và cộng sự, Thức đã vượt qua hơn 1.000 startup để đạt giải Nhất cuộc thi G-Startup Worldwide tại Silicon Valley.
Giúp đỡ sinh viên nghèo Việt Nam
TS Lương Minh Thắng và TS Vũ Duy Thức đã cùng nhau lập tổ chức phi lợi nhuận VietAI nhằm tạo cầu nối các nhà khoa học trên thế giới giúp nâng cao kỹ năng cho các nhà lập trình, chuyên viên công nghệ thông tin tại Việt Nam. Hiện VietAI nhận được gần 1.000 đăng ký, từ sinh viên, nhà nghiên cứu, giáo sư cho đến các nhà quản lý. Mục tiêu trong năm nay của Thắng và Thức là đào tạo 100 kỹ sư về Machine Learning tại Việt Nam, 10% trong số đó sẽ được dẫn dắt xa hơn để trở thành những người đầu ngành về AI trong tương lai.
Dự án kết hợp với một số trường đại học như ĐH Quốc gia TPHCM để chuyển giao những chương trình giảng dạy AI từ Google, Stanford về Việt Nam. “Trong thời gian ngắn chúng tôi hy vọng dự án có thể tạo được đội ngũ kỹ sư, lập trình viên AI đủ để đáp ứng một số yêu cầu trước mắt cho phát triển AI tại Việt Nam”, Thức tin tưởng.
Ngoài VietAI, Thức còn là nhà đồng sáng lập nên VietSeeds, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm gây quỹ giúp đỡ các sinh viên nghèo học giỏi tại Việt Nam. “Khó khăn nhất của Việt Nam trong phát triển các ngành công nghệ vẫn là nguồn nhân lực. Việt Nam đang rất thiếu chuyên gia làm trong lĩnh vực này. Quỹ học bổng VietSeeds đã được duy trì suốt hơn 7 năm qua, đến nay trao tặng hơn 200 suất học bổng cho sinh viên, học sinh với trị giá 4.000 USD/suất”, Thức cho biết.
Lộc Hà – Báo Tiền phong