Start-up Việt nhận vốn triệu đô: Vui, mà chưa chắc đã làm nên cơm cháo
Gần đây nhiều ứng dụng khởi nghiệp (start-up) của Việt Nam đã nhận được hàng triệu USD đầu tư từ các nhà đầu tư (nhà đầu tư thiên thần/quĩ đầu tư thiên thần và nhà đầu tư mạo hiểm). Đó là một bước đầu khởi sắc nhưng không có nghĩa đã giúp các start-up có thể đứng vững trên thị trường.
Đa phần là ứng dụng đơn lẻ…
Cách đây hơn một tháng, ứng dụng WeFit chuyên kết nối các phòng tập GYM đã gọi vốn được một triệu USD trong vòng đầu tư tiền series A.
Quĩ đầu tư mạo hiểm vào WeFit là CyberAgent Capital. Tới nay, CyberAgent Capital đến từ Nhật Bản là một trong những cái tên nhanh tay đầu tư vào các start-up Việt, với hơn 30 doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu.
Trước Tết Kỷ Hợi, một ứng dụng chuyên nhận đặt resort, vila nghỉ dưỡng là Luxstay cũng đã nhận thêm khoản đầu tư 3 triệu USD từ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures và số nhà đầu tư khác.
Logivan, một start-up về vận tải cũng cho biết huy động được 5,5 triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần và các quĩ đầu tư mạo hiểm. Start-up này cũng cho biết sẽ sử dụng khoản tiền trên đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), nguồn nhân lực…
Những cái tên start-up tiếp theo vừa qua đã huy động được vốn hàng triệu USD còn có JAMJA – một ứng dụng đặt chỗ giảm giá, với một triệu USD từ CyberAgent Capital và Bon Angels; Kyna – ứng dụng học trực tuyến; Finhay – ứng dụng về tài chính…
Năm 2018 là một năm mà các start-up về tài chính (Fintech) đã gọi vốn thành công vượt bậc. Theo nghiên cứu của Topica, trong năm 2018 có tổng cộng 889 triệu USD đầu tư vào 92 thương vụ, riêng các ứng dụng về tài chính và liên quan với 8 thương vụ đã chiếm tới 117 triệu USD, xếp đầu bảng.
Từ WeFit đến Luxstay, JAMJA, Kynya… hầu hết đều là những ứng dụng cung cấp các dịch vụ đơn lẻ, hoặc là kết nối các phòng tập GYM, đặt resort, vila nghỉ dưỡng hay học trực tuyến…
Đối mặt với các “ông lớn”
Tại Việt Nam, số lượng quĩ đầu tư mạo hiểm cho các vòng sơ khởi không nhiều, chưa tới con số 10. Vì thế, với số lượng hơn 3.000 start-up tại Việt Nam, nhiều start-up hiện nay tương đối khó tiếp cận các nguồn vốn ở giai đoạn đầu. Chính vì thế, khi start-up nhận được vốn đầu tư là điều rất đáng mừng và phấn khởi.
Song cũng chính vì các start-up Việt có qui mô nhỏ, cung cấp dịch vụ đơn lẻ và tính năng công nghệ hỗ trợ cho dịch vụ cũng chưa nhiều, cho nên ít cho thấy được tiềm năng phát triển mạnh và xa.
Phía Grab Việt Nam từng tiết lộ, khi họ mở thêm nhánh chuyên về đầu tư mạo hiểm là cũng sẵn sàng mua lại những Cty khởi nghiệp khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, một vài lần tiếp xúc với một số ứng dụng khởi nghiệp cung cấp dịch vụ đơn lẻ, họ không nhìn thấy những yếu tố phù hợp để mua lại hoặc đầu tư vào.
Grab hay Go-Viet chính là hai cái tên mà không ít các ứng dụng khởi nghiệp Việt cung cấp dịch vụ đơn lẻ càng ngày càng phải đối mặt với thách thức lớn hơn.
Cần nhớ rằng vào tháng 11.2018, Lala – một ứng dụng có cung cấp dịch vụ giao thức ăn, đã phải tuyên bố ngừng hoạt động mảng này và chuyển hướng vì không thể cạnh tranh với GrabFood đang như cơn bão quét trên thị trường này gây lao đao cho không ít đối thủ.
Trong danh sách dịch vụ của những “ông lớn” như Grab, Go-Jek (đầu tư vào Việt Nam thông qua Go-Viet) không chỉ có năm, ba dịch vụ mà lên đến hàng chục.
Đơn cử Go-Jek, danh sách dịch vụ cung cấp tại thị trường Indonesia lên tới 18.
“Tùy theo thế và lực ở từng thời điểm mà họ dần mở rộng danh sách dịch vụ ra thị trường Việt Nam. Thay vì mua lại các start-up Việt cung cấp dịch vụ đơn lẻ, họ tự phát triển và vận hành vì đã tích lũy được kinh nghiệm cũng như văn hóa doanh nghiệp”, một chuyên gia thuộc lĩnh vực này nhận xét.
Thế Lâm – Báo Lao động