Chỉ trong 3 quý đầu năm 2018 TP.HCM đã có thêm 27 doanh nghiệp KH&CN mới. Trong số này có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp.

TP.HCM đang là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp KH&CN với 62 doanh nghiệp. Ảnh: Sở KH&CN TP.HCM trao chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho công ty SAVIPHARM

Ngày 27.8 vừa qua, Sở KH&CN TP.HCM đã trao giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho công ty CP Dược phẩm SAVI (SAVIPHARM), nâng số lượng doanh nghiệp KH&CN của TP.HCM lên con số 62.

Như vậy, chỉ trong 3 quý đầu năm 2018 TP.HCM đã có thêm 27 doanh nghiệp KH&CN mới, tăng 77% so với cuối năm 2017. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, danh sách doanh nghiệp KH&CN mới của TP.HCM còn có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đây là điểm đáng chú ý bởi hầu hết các startup thường nhắm tới các chính sách dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn dễ tiếp cận và sát với nhu cầu của startup hơn.

ELINKGATE là startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC). Cuối tháng 7 vừa qua, sản phẩm KVM ‘cứu hộ’ máy tính từ xa của công ty lần đầu ra mắt thị trường. Đây là cũng là một trong những startup đầu tiên của TP.HCM được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN.

Thiết bị KVM của ELINKGATE ứng cứu máy tính từ xa kể cả khi không có hệ điều hành với giá chỉ bằng 1/4 các sản phẩm có tính năng tương tự của nước ngoài. Công nghệ này đã được cấp bằng công nhận sáng chế.

Trao đổi về quyết định đăng ký doanh nghiệp KH&CN, anh Nguyễn Xuân Hoàng, CEO của ELINKGATE, cho biết: “Tại nhiều điểm hiện tại, những hỗ trợ dành cho doanh nghiệp KH&CN chưa có tác dụng nhiều với công ty bởi chúng tôi vẫn đang được hưởng các chính sách hỗ trợ startup công nghệ. Tuy nhiên, ELINKGATE có các kế hoạch phát triển và mục tiêu cụ thể về kết quả kinh doanh. Khi đó, những ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN sẽ rất quan trọng.”

Theo quy định, doanh nghiệp KH&CN được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10%, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ năm đầu tiên doanh nghhiệp có thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp KH&CN còn được áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao…

Theo anh Hoàng, những ưu đãi đó sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát triển, chiếm lĩnh thị trường và có thêm nguồn vốn để tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D). Đồng thời, được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cũng là sự khẳng định với sản phẩm, công nghệ của doanh nghiệp, nâng cao uy tín, vị thế của công ty.

Được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN sẽ tạo thuận lợi không nhỏ cho các startup trong giai đoạn phát triển, chiếm lĩnh thị trường. Ảnh: ELINKGATE ký thỏa thuận hợp tác với công ty ODS trong buổi ra mắt sản phẩm

Một lý do nữa khiến cho ELINKGATE quyết định đăng ký doanh nghiệp KH&CN nằm ở sự thuận lợi trong quy trình, thủ tục đăng ký. Nhờ điều này nên dù nhân sự của ELINKGATE có chưa tới 10 người và hầu hết tập trung vào kỹ thuật cũng có thể dễ dàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

“Thủ tục đăng ký doanh nghiệp KH&CN rất thuận lợi. Công nghệ của chúng tôi đã có bằng sáng chế nên thời gian các khâu xét duyệt rất nhanh chóng. Tổng thời gian để được xét duyệt và cấp chứng nhận chỉ mất 2 tháng”, CEO Nguyễn Xuân Hoàng cho biết.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, nhận xét: “Các startup dựa vào công nghệ, ý tưởng mới nên việc startup trở thành doanh nghiệp KH&CN là rất tiềm năng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường hơi quá chú trọng vào việc làm sao chiếm lĩnh thị trường nên các thủ tục như chứng nhận doanh nghiệp KH&CN chưa được quan tâm nhiều. Nhưng đến mức độ phát triển nào đó thì họ sẽ quan tâm đến điều này.”

Phạm Sơn – Khampha.vn

Bài gốc