Đông Nam Bộ hiện đang đứng thứ hai cả nước về số doanh nghiệp mới thành lập. Trong đó, số doanh nghiệp tại TP.HCM chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước.

Tại hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vùng Đông Nam Bộ được tổ chức ngày 26.10 tại TP.HCM, lãnh đạo Bộ KH&CN và Sở KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ khẳng định: Doanh nghiệp luôn được xác định là đối tượng trung tâm của hoạt động KH&CN, trong đó khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi.

Nhờ định hướng đó nên trong thời gian qua, hoạt động KH&CN vùng Đông Nam Bộ đã tạo được những bứt phá về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại thành công cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất được chú trọng và triển khai mạnh mẽ.

Điểm sáng từ TP.HCM

Với sự tiên phong, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, Sở KH&CN TP.HCM đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng và trở thành điểm sáng về thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Đông Nam Bộ nói riêng và toàn quốc nói chung.

Chỉ trong thời gian ngắn, TP.HCM đã có 938 dự án khởi nghiệp được kết nối tới các quỹ đầu tư mới và nhờ đó 300 sản phẩm khởi nghiệp đã đến được với cộng đồng. Về hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái khởi nghiệp, Sở KH&CN TP.HCM đã kết nối 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp với diện tích 22.000 m2, trong đó gần 50% hình thành từ nguồn vốn xã hội.

Mới thành lập hơn một năm nhưng mô hình không gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Saigon Innovation Hub đã nhanh chóng trở thành “đại bản doanh” của cộng đồng khởi nghiệp tại thành phố, là hình mẫu được nhiều địa phương tham khảo và học tập. Không chỉ tạo ra một không gian thuận lợi để hợp tác, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, Saigon Innovation Hub cũng đang thực hiện rất hiệu quả vai trò trung tâm kết nối startup với các nguồn lực hỗ trợ cả trong và ngoài nước.

Cũng trong năm qua, 4 Ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp trong những lĩnh vực trọng điểm là một bước tiến dài trong sự phát triển cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành phố. Các Ban điều hành với sự tham gia của các trường, viện, doanh nghiệp dẫn dắt, đơn vị ươm tạo và các quỹ đầu tư đã tạo ra sự gắn kết giữa các thành phần và đề ra định hướng phát triển chung cho toàn hệ sinh thái mỗi ngành.

Đặc biệt, trong khi cơ chế hỗ trợ cho startup vẫn là bài toán khó ở các địa phương thì Sở KH&CN TP.HCM đã tiên phong thực hiện chương trình SpeedUp 2017 và hỗ trợ được gần 12 tỷ đồng cho 14 dự án khởi nghiệp xuất sắc thông qua các cơ sở ươm tạo.

Hạt nhân liên kết vùng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Những kết quả trên của TP.HCM nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo, đại diện Bộ KH&CN cũng như các Sở KH&CN địa phương. Trong phát biểu của mình, ông Phạm Xuân Đà, Cục Trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ KH&CN đánh giá: “TP.HCM đi đầu trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST với sự đầu tư lớn và bài bản, là mô hình tương đối hoàn thiện”.

Do đó, ông Đà đề xuất các tỉnh, thành phố khác liên kết với TP.HCM để cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đem lại lợi ích chung.

Có cùng ý kiến như trên, ông Văn Công Thới, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận cho biết ông hết sức ấn tượng với cách làm của Sở KH&CN TP.HCM và đề xuất TP.HCM làm hạt nhân về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong khu vực.

Đánh giá về những kết quả của Sở KH&CN TP.HCM, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhận xét: “Thành phố Hồ Chí Minh đang đi đầu trong cả nước, đi trước cả Trung ương. Đây là việc vô cùng khó”.

Thứ trưởng Tạc cũng cho biết, trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố, ông đã đề xuất TP.HCM là đơn vị đi đầu, thí điểm trong hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Những thành công của TP.HCM sẽ là căn cứ để Bộ KH&CN đề ra những chính sách về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phạm Sơn – Báo Khám phá