SpeedUp 2017 thể hiện sự tiên phong của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP, tiến tới xây dựng TP đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để bắt nhịp với khu vực và thế giới trong lĩnh vực này.

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, xây dựng Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp thực chất, hiệu quả và bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ cũng như toàn cộng đồng. Trong xu thế chung đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đem lại các lợi ích thiết thực cho phong trào khởi nghiệp.

Dấu ấn SpeedUp 2017

Nổi bật trong đó là chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SpeedUp 2017. Chương trình hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các cơ sở ươm tạo với mức hỗ trợ tối đa cho mỗi dự án lên đến 2 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, chương trình SpeedUp được xây dựng với mục tiêu tăng cường nguồn lực cho cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời kết nối các nguồn lực xã hội với sự tiếp sức của nhà nước để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP, tiến tới việc xây dựng TP đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để bắt nhịp với khu vực và thế giới trong hoạt động này.

Từ khi được giới thiệu, SpeedUp 2017 đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp. Đến nay, từ 112 hồ sơ đăng ký đã có 14 dự án khởi nghiệp trên cả nước được cam kết hỗ trợ từ chương trình với tổng mức hỗ trợ gần 12 tỷ đồng. Trong số này, có 1 startup tự do và 13 startup đến từ các vườn ươm khác nhau; hoạt động trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp…

Mức hỗ trợ cao nhất dành cho một dự án là 1,282 tỷ đồng và thấp nhất là 350 triệu đồng. Đổi lại, chương trình sẽ giữ một tỷ lệ phần trăm cổ phần nhất định trong mỗi dự án, tùy theo thương lượng. Hiện đã có hơn 6 dự án nhận được giải ngân đợt đầu.

Theo đánh giá của UBND TPHCM, chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SpeedUp 2017 là hoạt động thiết thực của Sở KH&CN TP.HCM nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 500.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP. Không chỉ số lượng, các DN này cần phải hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của TPHCM.

SpeedUp 2017 là động lực để các startup tăng tốc

Anh Bùi Hà Thái, Giám đốc điều hành Schoolbus – một trong những dự án nhận được hỗ trợ, cho rằng vườn ươm và chương trình SpeedUp đóng vai trò trung gian rất quan trọng, tạo bước đệm giúp cho các startup có thể tiến đến các mục tiêu lớn hơn trong tương lai. Nguồn hỗ trợ từ chương trình giúp công ty có điều kiện nâng cấp hệ thống, đảm bảo chất lượng các lớp học cũng như mở rộng quảng bá thương hiệu.

Không dừng lại ở hỗ trợ về tài chính, các startup tham gia chương trình còn nhận được lợi ích từ việc mở rộng kết nối, giúp nhanh chóng thương mại hóa sản phẩm, mở rộng thị trường.

Anh Nguyễn Thuần Phác, chủ nhiệm dự án đồ chơi giáo dục thông minh Ekid, nhận xét: “Chương trình tạo một động lực lớn để các startup phấn đấu hoàn thiện mô hình kinh doanh, thúc đẩy gia tăng giá trị sản phẩm không những ở tầm địa phương mà còn ở tầm quốc tế.”

Anh Phác cũng chia sẻ: công ty Ekid Studio của anh sau khi nhận được sự cam kết của chương trình đã tạo được niềm tin với nhà đầu tư Hebronstar (Hàn Quốc) và có cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc.

Do đặc thù riêng nên sản phẩm “Hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh” của công ty Lucky Telecom gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để giới thiệu và triển khai hệ thống. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM và ban tổ chức chương trình Speedup, dự án đã được giới thiệu đến với nhiều bệnh viện trên cả nước, như: BV Đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa); BV Trung ương Huế; BV Nhi đồng 2, BV Gò Vấp, BV Phú Nhuận, BV Ung bướu (TP. HCM).

Bên cạnh sự phản hồi tích cực của các startup, những nỗ lực của Sở KH&CN TP.HCM và ban tổ chức chương trình SpeedUp 2017 cũng được các vườn ươm đánh giá cao.

Từ góc độ của tổ chức ươm tạo, đại diện Vietnam Silicon Valley nhận định, SpeedUp 2017 thể hiện sự tiên phong của Sở KH&CN TP.HCM trong hỗ trợ Startup. Ngoài ra, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã tích cực tiếp thu ý kiến đóng góp và nhiệt tình, chủ động tháo gỡ các vướng mắc về hành chính cho các đơn vị vườn ươm cũng như phía startup. Nhờ đó, quá trình triển khai chương trình được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu của các startup.

Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Không chỉ trực tiếp hỗ trợ startup, Sở KH&CN TP.HCM còn triển khai các hoạt động nhằm tạo ra một cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển và bền vững, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Mới thành lập nhưng Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SIHUB đã trở thành điểm đến của các nhóm – dự án khởi nghiệp, trung tâm giao lưu của cộng đồng khởi nghiệp thành phố.

Sau một năm hoạt động, đã có 800 sự kiện được tổ chức tại SIHUB với 17.000 lượt tham dự. Bên cạnh đó SIHUB kết nối hợp tác với 50 đơn vị quốc tế, hỗ trợ không gian làm việc chung cho 50 dự án, kết nối đầu tư tài chính cho 250 dự án, hỗ trợ, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh cho 671 dự án…

Cũng trong năm 2017, Sở KH&CN TP.HCM thành lập 4 Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp trọng điểm. Những Ban điều hành này sẽ góp phần thúc đẩy sự kết nối, hợp tác giữa các thành phần trong từng Hệ sinh thái cũng như toàn bộ cộng đồng khởi nghiệp để khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại trong cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM.

Ngoài ra, Sở KH&CN TP.HCM cũng thường xuyên tổ chức hỗ trợ tổ chức các sự kiện khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao năng lực cho startup và các tổ chức hỗ trợ.

Kết quả trong giai đoạn 2016 – 2017, đã có 938 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ kết nối để phát triển ý tưởng kinh doanh, 3200 cá nhân và nhóm khởi nghiệp được kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn và trên 300 sản phẩm khởi nghiệp được giới thiệu đến cộng đồng.

Phạm Sơn – Khám phá