Sau một năm triển khai chương trình SpeedUp 2017, đã có 30/99 (đạt 30.3%) dự án hợp lệ được xem xét hỗ trợ với tổng kinh phí trên 22.4 tỷ đồng. Trong đó, 13 dự án được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng.

Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các startup, năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã tiên phong triển khai chương trình SpeedUp 2017 hỗ trợ kinh phí, tạo ra cú hích cho các startup ở giai đoạn ươm tạo và tăng tốc.

Chương trình là sự hợp tác giữa Sở KH&CN TP.HCM với 24 cơ sở ươm tạo để chọn ra các cá nhân, nhóm khởi nghiệp hoăc doanh nghiệp khởi nghiệp có dự án khởi nghiệp có tính mới và khả năng phát triển để hỗ trợ một phần kinh phí, giúp doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, nâng cao trình độ và phát triển thị trường.

Các dự án được đánh giá, tuyển chọn dựa trên 5 tiêu chí: Chất lượng đội ngũ sáng lập, ý tưởng và mô hình kinh doanh, khả năng tăng trưởng, quy mô thị trường mục tiêu, tính mới trong sản phẩm và công nghệ. Những dự án do các cơ sở ươm tạo đề xuất phải trải qua vòng sơ tuyển của chuyên gia trước khi được hội đồng tư vấn tuyển chọn.

Là cơ sở ươm tạo đồng hành cùng chương trình, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao đã hỗ trợ tích cực cho các dự án tham gia chương trình. 5 dự án của trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ của chương trình với tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng.

Nhận xét về chương trình, TS Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cho rằng: “Mặc dù còn nhiều khó khăn do chương trình hoàn toàn mới nhưng chương trình SpeedUp 2017 là hoạt động có ý nghĩa, đem lại hiệu quả tích cực.”

Theo bà Phan Thị Quý Trúc thuộc Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM, sau một năm triển khai, đã có 30/99 (đạt 30.3%) dự án hợp lệ được xem xét hỗ trợ với tổng kinh phí trên 22.4 tỷ đồng. Đây là tỷ lệ khá cao so với các chương trình hỗ trợ startup khác thường chỉ ở 10 – 15%. Trong đó, 13 dự án được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng.

Đánh giá về tác động của SpeedUp 2017, anh Bùi Hà Thái, Giám đốc điều hành Schoolbus, cho biết: “Chương trình SpeedUp đóng vai trò rất quan trọng, tạo bước đệm giúp cho các startup có thể tiến đến các mục tiêu lớn hơn trong tương lai. Nguồn hỗ trợ từ chương trình giúp công ty có điều kiện nâng cấp hệ thống, đảm bảo chất lượng các lớp học cũng như mở rộng quảng bá thương hiệu.”

Bên cạnh những kết quả đã được, quá trình triển khai SpeedUp 2017 cũng còn tồn tại một số hạn chế do đây là chương trình lần đầu thực hiện. Các cơ sở ươm tạo và startup chưa quen với thủ tục, quy trình nên việc ký hợp đồng cũng như triển khai các nội dung còn chậm. Tính chuyên nghiệp trong quản lý và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của một số cơ sở chưa cao.

Ngoài ra, các startup tham gia chương trình phần lớn chưa qua đào tạo bài bản về quy trình khởi nghiệp nên việc tìm hiểu thị trường, trình bày ý tưởng chưa tốt. Vấn đề đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cũng ít được quan tâm.

Tại buổi tổng kết chương trình Speedup 2017 mới đây, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM nhận xét: “Thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp đã diễn ra sôi động nhưng còn thiếu chiều sâu. Đây sẽ là mục tiêu mà Sở tập trung thực hiện trong thời gian tới”.

Ngoài ra, giá trị các doanh nghiệp khởi nghiệp tại SpeedUp 2017 vẫn còn thấp so với các startup cùng giai đoạn trên thế giới. 66.7% doanh nghiệp được định giá dưới 500.000 đô la, chỉ có 3 doanh nghiệp được định giá trên 1 triệu đô la.

Rút kinh nghiệm từ SpeedUp 2017 vẫn còn thiếu hỗ trợ giai đoạn tiền ươm tạo, ông Dũng cho biết thời gian tới, Sở KH&CN TP.HCM sẽ phối hợp với các vườn ươm và các hệ sinh thái trong các ngành trọng điểm để tạo điều kiện cho nhiều startup tham gia chương trình.

Các startup sẽ được sàng lọc qua nhiều giai đoạn và được đánh giá theo các tiêu chí và nhận hỗ trợ phù hợp theo từng giai đoạn tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc. Nhờ đó, chương trình sẽ phát hiện được nhiều startup tiềm năng và có các hình thức hỗ trợ thiết thực, sát với thực tế.

Phạm Sơn – Báo Khám phá