Những cú ngã khởi nghiệp của các doanh nhân hàng đầu Việt Nam
Theo CB Insights (Mỹ) – một trong những hãng nghiên cứu dữ liệu uy tín trên thế giới, 97% công ty khởi nghiệp thất bại ngay trong năm đầu tiên. Chỉ 3% startup có thể duy trì qua năm thứ hai và thành công trong thực tế. Chia sẻ thất bại của các doanh nhân đi trước sẽ là bài học quý báu cho startup trên con đường thực hiện giấc mơ kinh doanh.
Những cú ngã đau đớn
Năm 1988, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan ra đời và bắt đầu tiếp thị sản phẩm ra thị trường phía Bắc. Ông Trịnh Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Công ty ICC – ông chủ kem Dạ Lan lúc đó, phải đích thân đưa sản phẩm ra ngoài chợ tiếp thị suốt nhiều ngày liền. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn không bán được. Ông phải nghĩ kế mới: Mua 10 ống kem đánh răng Dạ Lan, tặng kèm quyển lịch. “Thời điểm đó, có một quyển lịch rất quý, người ta tranh nhau mua kem đánh răng chỉ để… có cuốn lịch! Sau 10 ngày sản phẩm được bán hết, Dạ Lan bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh phía Bắc và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Dạ Lan tựa như một cô gái đẹp, có rất nhiều thương hiệu và nhãn hàng tìm đến hợp tác như P&G, Unilever…”, ông Nhơn kể.
Lúc đó, Công ty Colgate-Palmolive vẽ ra một bức tranh tốt đẹp và đề nghị mua lại nhãn hiệu của Dạ Lan với giá rất cao. Ông chủ Dạ Lan đã dao động, không phải là vì tiền mà tin rằng, mình đang tìm được một người giúp cho công ty phát triển, có thể bay cao, bay xa hơn nữa.
“Tôi cứ nghĩ đã tìm được con đường sáng để đi nhưng không ngờ rằng đó là một cái bẫy giăng sẵn. Để khai tử Dạ Lan, họ đã sản xuất ra chất kem gây chảy nước chỉ trong một thời gian ngắn. Đối tác trả hàng, khách hàng bỏ sản phẩm và sau đó họ gọi tôi lên nói rằng không thể sản xuất tiếp nữa”, ông Trịnh Thành Nhơn đau đớn nhớ lại.
Đến bây giờ, vẫn có không ít người cho rằng, ông Nhơn đã quyết định sai. Nhưng vào thời đó, “Đây là một quyết định đúng và chọn đối tác không sai”, ông Nhơn khẳng định. Ông nói: “Lúc đó, Colgate là một trong những đơn vị sản xuất kem đánh răng hàng đầu trên thế giới, họ có rất nhiều chế độ tốt với mình. Song đáng tiếc là Colgate chỉ “mua” thị phần của Dạ Lan và họ đã làm… chết đi Dạ Lan. Cái sai của tôi là thiếu kinh nghiệm trong hợp tác kinh doanh. Họ vẽ cho tôi một bức tranh quá tốt mà tôi vô tình không biết rằng, đó chính là cái bẫy, khi mình đã vướng vào rồi thì làm sao có thể rút chân được”.
Tương tự, năm 1996 ông Lý Quý Trung khởi nghiệp mô hình quán bar Jazz Club và phải… sang quán vào năm 1999, đồng thời đem hết tài sản cá nhân trả nợ cho bar này trong vòng ba năm! Lý do thất bại vì xây dựng mô hình quán bar nhỏ nhưng chi phí đầu tư quá cao, lại không nắm kỹ và tính toán số lượng khách vào ra, tiêu xài đầu người bao nhiêu. Kết quả, doanh thu không bù được chi phí. “Kinh doanh F&B (Food and Beverage) chỉ cần bất cẩn một chút là rất dễ thất bại”, ông Trung cho hay.
“Thật đau khổ khi phải đóng cửa hay di dời một cửa tiệm đang kinh doanh hiệu quả (chủ yếu do bị mất mặt bằng. Còn đối với các cửa tiệm kinh doanh kém hiệu quả thì khỏi phải nói, thật là nhẹ nhõm khi đóng cửa! Nói vậy chứ không dễ dàng chút nào, nhất là lần đầu tiên quyết định đóng cửa để cắt lỗ”, ông Trung bộc bạch.
Năm 2007, ông Trung tiếp tục khởi nghiệp với chuỗi Gloria Jeans Coffee nhưng cũng thất bại. Tiếp theo, ông Trung phải đóng cửa hai tiệm phở tại Singapore vì không tính toán được thói quen ăn uống của khách hàng và tìm phương án dự phòng bán đồ khác nếu không có khách ăn phở vào buổi tối. Rồi nhà hàng Đào Viên ở Thái Lan cũng thất bại vì sai vị trí. “Trong khi nhiều mô hình kinh doanh F&B không xuất sắc nhưng trúng vị trí tốt có thể thành công”, ông Trung rút ra bài học.
Phải tính đến… thất bại
Ông Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông chia sẻ: “Bản thân tôi từng gặp nhiều startup. Nhiều bạn thao thao bất tuyệt về công ty, về doanh nghiệp, mọi thứ nghe có vẻ rất ổn nhưng xét về nhiều yếu tố, gần như phải làm lại từ đầu. Tôi nghĩ trong kinh doanh, có những thứ mình nên đi chậm, nhưng cũng có những thứ mình cần phải làm nhanh”.
Ông Việt cho rằng: “Khi đầu tư cho kinh doanh, bạn cũng phải tính đến thất bại. Kể cả khi phương pháp của chúng ta tốt thế nào đi chăng nữa cũng sẽ tồn tại những rủi ro. Không hẳn vì dự án, vì thị trường, vì mối quan hệ tốt thì hẳn sẽ thành công. Trong kinh doanh, không ai có thể nói trước được điều gì”. Cũng theo ông Việt, yếu tố khiến cho các startup thất bại chính là “cả thèm chóng chán”, phải kiên trì mới có thể gặt hái được thành công.
“Khi khởi nghiệp, các bạn phải nhìn vào bản thân mình trước. Liệu mình đã đủ kiên nhẫn chưa? Có đủ những chuẩn bị chưa? Tìm hiểu kỹ về thị trường chưa?… Thêm vào đó, khi xây dựng một doanh nghiệp, bạn phải luôn chú trọng về môi trường làm việc, văn hóa công ty, chế độ đãi ngộ tốt cho nhân viên. Là người lãnh đạo, mình phải luôn đi tiên phong đầu tư vào con người trước”.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan kể: “Khi tôi trở về Trà Vinh năm 2004, thời điểm đó, Trà Vinh không có hạ tầng, nhân lực dành cho công nghiệp, nghèo nhận thức, nghèo sự đoàn kết… Ý định mang môi trường sống và cách làm việc ở Canada về Việt Nam của tôi gặp muôn vàn rào cản. Lúc đó, bạn bè biết chuyện tôi bỏ hết việc tại Mỹ và Canada để về khởi nghiệp ở Trà Vinh đều nói tôi điên. Còn nhiều người dân ở Trà Vinh nói tôi là ông “Việt Kiều bị té giếng”!
Sau thời gian vấp váp ban đầu, ông Mỹ nhận ra “muốn nhanh thì phải từ từ” và kiên nhẫn. Ngoài việc tự xây dựng hạ tầng cho doanh nghiệp của mình, tập đoàn Mỹ Lan cũng phải tự đào tạo nhân lực bằng cách liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong khu vực. Cho đến hiện nay, ông “Việt kiều bị té giếng” đã thành công. Kinh nghiệm của ông Mỹ chia sẻ, muốn thành công trên con đường khởi nghiệp, trước hết phải xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp, đó là bước đầu tiên. Còn việc tạo ra sản phẩm, cứ thấy những gì người ta có nhu cầu, cộng đồng cần thì mình đưa ra ý tưởng.
Ý Nhi