Công ty tài chính VietMoney sẽ được “chuẩn hóa” hoạt động rồi mở rộng toàn quốc bằng hình thức nhượng quyền thương mại.

Quỹ Indochine Investment (TP.HCM) cho biết sẽ đầu tư vào CTCP Vietmoney để mở rộng mô hình kinh doanh của Vietmoney trong lĩnh vực tài chính cá nhân Công ty Cổ phần Việt Money (VietMoney) tiến hành lễ ký kết đầu tư. Thỏa thuận bao gồm mở rộng thị trường, xây dựng đối tác, nền tảng quản trị và nghiên cứu các sản phẩm mở rộng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhã, Phó tổng Giám đốc Indochine Investment, cho biết, quỹ quan tâm tới mô hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ trực tuyến, đặc biệt là hình thức nhượng quyền thương hiệu mà VietMoney đã và đang thực hiện là mô hình mới xuất hiện tại Việt Nam và rất có nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Trịnh Văn Phương, Tổng Giám đốc VietMoney, cho biết sau khi nhận được khoản đầu tư từ Indochine Investment, công ty sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống quản trị, tiếp tục mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành khác ngoài TP.HCM. VietMoney kỳ vọng với nguồn vốn từ các nhà đầu tư, đơn vị sẽ đạt được mục tiêu mở rộng mạng lưới chi nhánh trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, VietMoney sẽ xây dựng và cung cấp ứng dụng Vmoney trên nền tảng điện thoại thông minh (Smartphone), đem lại sự thuận tiện và trải nghiệm cho khách hàng.

CTCP VietMoney là một đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), bắt đầu thành lập từ năm 2016, hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ trực tuyến. Đại diện công ty cho biết đây đây là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này. Tính đến hiện nay, VietMoney đã phát triển được 7 chi nhánh tại khu vực TP.HCM, tất cả các chi nhánh đều có hoạt động kinh doanh tích cực và ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng.

Ông Phương cho biết VietMoney hướng tới là mang đến cơ hội kinh doanh có lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, đồng thời mang đến các giải pháp tích cực nhằm đa dạng hóa các dịch vụ tài chính cá nhân, từng bước góp phần chuẩn hóa, minh bạch hóa các dịch vụ tài chính vi mô, đẩy lùi các tệ nạn và hệ lụy xã hội liên quan đến lĩnh vực tài chính tiêu dùng như cho vay nặng lãi hoặc các hình thức tín dụng phi chính thức có sự xuất hiện của xã hội đen và vi phạm pháp luật.

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, theo số liệu của UBND TP.HCM thì tổng số cơ sở hoạt động kinh doanh cầm đồ đã lên tới 2.553 cơ sở. Đây là thị trường tín dụng tiêu dùng ngách, phục vụ nhóm khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng

Trước Vietmoney, đã cóMekong Capital đầu tư vào hệ thống cầm đồ F88, tập trung nhiều ở Hà Nội. F88 cũng có tham vọng phủ sóng toàn quốc.

Thanh Phong – Nhịp cầu đầu tư

Bài gốc