Cuộc thi ưu tiên các ý tưởng, giải pháp sáng tạo, có tiềm năng mở rộng, xuất khẩu ra thị trường quốc tế và đặc biệt là có tác động lớn đến xã hội.

Cuộc thi VIETNAM SDG CHALLENGE 2017 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) hợp tác với HATCH! VENTURES tổ chức vào sáng 28/10 tại TP.HCM. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2017 (WHISE 2017).

Đây là cuộc thi hàng đầu tìm kiếm ý tưởng doanh nghiệp và ý tưởng đổi mới sáng tạo, hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (Sustainable Development Goals – SDGs). Sẽ có 3 đội thi nhận được hỗ trợ tài chính lên đến USD 45.000 để tiếp tục phát triển dự án theo chương trình Ươm mầm khởi nghiệp quản lý bởi HATCH! và UNDP Việt Nam.

Cuộc thi sẽ ưu tiên các ý tưởng có tiềm năng mở rộng, xuất khẩu ra thị trường quốc tế; các ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo kết hợp công nghệ mới hoặc nghiên cứu khoa học mới.

Các sản phẩm, dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu ở giai đoạn sản phẩm tối thiểu có thể sử dụng được. Sản phẩm hoặc dịch vụ có tác động tới xã hội, phản ánh được một hoặc nhiều mục tiêu Phát triển bền vững, cũng như có tác động lớn đến thị trường và cộng đồng ở Việt Nam.

Đỗ Hoàng Thái Anh là một người khiếm thính. Anh hiện đang phụ trách một hội phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại Hà Nội.

Thái Anh cho biết, ở các nước phát triển, cộng đồng người khiếm thính luôn được quan tâm và cung cấp các công cụ để giao tiếp với người bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có một nền tảng công nghệ nào hỗ trợ họ. Những người khiếm thính muốn trao đổi với người khác phải nhờ đến những người phiên dịch viên có khả năng hiểu ngôn ngữ ký hiệu.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu ở Việt Nam đang rất hạn chế.

Tôi muốn tạo ra một nền tảng công nghệ để hỗ trợ cộng đồng của mình bước ra thế giới bên ngoài, giao tiếp và tiếp cận thông tin dễ dàng hơn”- Thái Anh chia sẻ bằng ngôn ngữ kí hiệu.

Sản phẩm của Thái Anh là một chương trình chạy trên internet có khả năng kết nối bằng video giữa người khiếm thính và người bình thường thông qua hệ thống tổng đài. Người trực tổng đài là phiên dịch viên làm cầu nối thông tin giữa người khiếm thính và người bình thường.

Với sản phẩm này, Thái Anh mong muốn rút ngắn khoảng cách giữa người khiếm thính và cộng đồng xã hội, giúp họ có nhiều cơ hội để khẳng định giá trị của bản thân nhiều hơn.

Hà Thế An- Báo Khám phá