Hệ sinh thái khởi nghiệp hướng đến mục tiêu mới
SIHUB – không gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KN-ĐMST) trực thuộc Sở KH-CN TPHCM đã trở thành tổ chức nhà nước với chức năng hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong giai đoạn mới, SIHUB đã sẵn sàng để triển khai những hoạt động nhằm đưa hệ sinh thái khởi nghiệp của TPHCM đến những mục tiêu rõ ràng hơn.
Giới thiệu 10 trụ cột của SIHUB đến năm 2020
Nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) trong chương trình SIHUB 2020 – Hướng đến kết nối toàn cầu vừa được tổ chức tại TPHCM, cho biết: Từ năm 2016, Chính phủ đã phát động Chương trình quốc gia khởi nghiệp. Theo đó, các chương trình hoạt động về KN-ĐMST được định hướng dựa trên cơ cấu phát triển của nền kinh tế.
Điều đó minh chứng rằng, Chính phủ Việt Nam xem khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như là một động lực thay đổi nền kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất xem trọng sự hợp tác quốc tế để cùng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp và tham gia vì mục tiêu chung xây dựng nên hệ sinh thái ĐMST thống nhất và bền vững.
Định hướng đó là có cơ sở khi thời gian qua, KN-ĐMST tại Việt Nam đã trở thành phong trào, lan rộng trong toàn xã hội với nhiều đối tượng tham gia. Thống kê cho thấy trong số khoảng 1.800 startup trên cả nước, có khoảng 834 startup đang hoạt động tại TPHCM (chiếm 42%), con số này cũng nói lên TPHCM có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp.
“Tuy nhiên, các chỉ số về KN-ĐMST của Việt Nam vẫn còn đứng sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia; đa số các startup có quy mô nhỏ, nằm ở giai đoạn hạt giống cần hỗ trợ ươm tạo (chưa bước vào giai đoạn gọi vốn), khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Đi liền đó là cơ chế chính sách vẫn chưa thực sự tạo ra cú hích mạnh cho hoạt động khởi nghiệp”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB nhận xét.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH-CN TPHCM, sau hơn 2 năm kiến tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp, SIHUB đã trở thành tổ chức nhà nước với chức năng hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Song, để nâng cao chỉ số về KN-ĐMST, SIHUB phải sẵn sàng triển khai những hoạt động nhằm đưa hệ sinh thái khởi nghiệp của TPHCM sang giai đoạn mới.
Cụ thể, trong năm 2018, SIHUB cần đẩy mạnh phát triển các chương trình hợp tác với các tổ chức và hệ sinh thái KN-ĐMST của các quốc gia để kết nối doanh nghiệp, cộng đồng, xây dựng một lộ trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trong đó kinh tế sáng tạo đóng vai trò chủ chốt.
Kết nối quanh 10 trụ cột
Cùng với những chương trình hành động cụ thể trên khắp các tỉnh thành, trong đó có vai trò định hướng của nhà nước, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TPHCM đã bước đầu hình thành, thu hút sự tham gia của đầy đủ các thành phần của một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.
Trong đó, SIHUB với trọng trách là “lò ấp”, đã kết nối và hợp tác với nhiều đối tác đến từ các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Thụy sỹ, Thụy Điển, Mỹ, Phần Lan, Canada, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Úc…
Đặc biệt, với Chương trình SIHUB 2020 – Hướng đến kết nối toàn cầu, SIHUB đặt ra mục tiêu tập hợp được các nguồn lực trong nước và quốc tế, cùng nhau giải quyết câu chuyện then chốt phát triển kinh tế Việt Nam bằng thay đổi nhận thức: quyết tâm hội nhập quốc tế, hành động sáng tạo để tạo được những bước chuyển mình sâu sắc đưa SIHUB trở thành một hệ sinh thái KN-ĐMST hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
Và để thực hiện chiến lược này, 10 trụ cột lớn của SIHUB 2020 được giới thiệu bao gồm: Global Partnerships (Đối tác toàn cầu), Global Strategic Alliances (Liên minh chiến lược toàn cầu), Global Events (Các sự kiện toàn cầu), Global Education (Giáo dục quốc tế), Global Research (Nghiên cứu quốc tế), Global Entrepreneurship (Doanh nhân quốc tế), Global Social Impact (Tác động xã hội quốc tế), Global Culture (Hội nhập văn hóa quốc tế), Global Policy (Chính sách Quốc tế) và Global Think Tank (Thương hiệu quốc tế).
Song song đó, trong chiến lược này, SIHUB ký ghi nhớ hợp tác thêm với rất nhiều tổ chức, đối tác của các hệ sinh thái KN-ĐMST và các tập đoàn lớn trên thế giới. Những ký kết, hợp tác này tạo thêm nguồn lực (chuyên gia, nguồn vốn, mô hình…) giúp SIHUB trở thành một hệ sinh thái linh động, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ thêm: “SIHUB đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đầu – giai đoạn xây dựng và kiến tạo. Đây là lúc chín muồi để bước sang giai đoạn 2 của một hệ sinh thái KN-ĐMST, giai đoạn hội nhập toàn cầu”. Còn ông Nguyễn Khắc Thanh kỳ vọng: “Với những mục tiêu mới, SIHUB 2020 sẽ góp phần vào sự phát triển hoạt động KN-ĐMST ở TPHCM, Việt Nam và toàn cầu”.
Đến nay, SIHUB đã ký kết ghi nhớ với các đối tác lớn như: Shihan Future’s Lab, Magic, Quest Venture và German Accelerator trong chương trình Run Way to the world (Chương trình trao đổi startup quốc tế). Bên cạnh đó, SIHUB cũng là đối tác của Swedish Univerity Outreach – chương trình Bonndless, Ivey Business School, Unicef, Tập đoàn Bosch, Kaizen Accelerator… cùng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ KN-ĐMST.
Bá Tân – SGGP