Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam cần quan tâm đến những yếu tố nào để tạo nên chiến lược truyền thông phù hợp? TS. Hoàng Xuân Phương – Trưởng Bộ môn Truyền thông Doanh nghiệp – Khoa Báo chí – trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi quanh chủ đề này.

DNVVN của Việt Nam thường có những điểm mạnh và điểm yếu như thế nào khi triển khai những chiến dịch truyền thông hiện đại?

Trong những năm gần đây, khi Internet ngày càng phát triển những nền tảng digital cho truyền thông, các DNVVN bắt đầu làm truyền thông nhiều hơn. So với cách truyền thống đòi hỏi kinh phí cao và phức tạp, hiện nay chỉ với 50-70 triệu đồng/ tháng, các công ty Việt Nam đã có thể làm truyền thông online trên Facebook hay Google. Và thực tế là các DNVVN hiện nay đang đi theo hướng này.

Điểm mạnh của công ty nhỏ là họ dám làm và họ cũng khá nắm bắt các xu thế để phù hợp với thời đại, phù hợp với đối tượng khách hàng của họ. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung của truyền thông DNVVN, tôi thấy họ thiếu tầm chiến lược.

Doanh nghiệp nước ta thích làm truyền thông ngắn hạn, một phần lý do là vì thiếu nghiên cứu thị trường. Trong hoạt động truyền thông gồm 2 phần: chiến lược và kỹ thuật. Các DNVVN hiện nay chỉ chú trọng kỹ thuật.

Nghĩa là khi họ có sản phẩm mới hoặc muốn làm khuyến mãi, họ sẽ dùng mạng xã hội như Facebook “chạy” chiến dịch rầm rộ. Nhưng do thiếu tư duy chiến lược nên chỉ sau 2-3 tháng chạy chiến dịch thì thương hiệu lại mất hút trên thị trường, không còn ai nhớ tới. Nếu có chiến lược cụ thể thì thương hiệu mới có thể được phát triển xuyên suốt qua từng giai đoạn.

Doanh nghiệp Việt cần bổ sung những gì để hoàn thiện tư duy chiến lược trong truyền thông?

Đầu tiên, chủ doanh nghiệp cần thay đổi tư duy. Chúng ta không nên quá chăm chú vào mục tiêu doanh số, cứ phải có tiền, cứ phải bán được hàng,… Thật ra, đây cũng là một mục tiêu tốt. Tuy nhiên để có thể cạnh tranh được với những đối thủ lớn và ngày càng phát triển bền vững hơn, cần phải thay đổi tư duy. Tại sao không phải là song song 2 mục tiêu: vừa bán hàng vừa có những nghiên cứu dài hơi hơn?

Tức là DNVVN cần đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu thị trường?

DNVVN không cần nghiên cứu kĩ lưỡng như doanh nghiệp lớn, với mấy trăm, thậm chí mấy ngàn mẫu hỏi. Nhưng vẫn có những kỹ thuật giúp cho doanh nghiệp nhỏ hiểu được khách hàng của mình, và hiểu một cách tường tận tâm lý khách hàng, tức có được insight khách hàng.

Từ đó một chiến dịch truyền thông mới tạo ra được sự khác biệt. Không thể cứ dùng công cụ marketing để nói rằng “sản phẩm của tôi tốt, rẻ” mà phải tìm ra điểm độc đáo của sản phẩm. Điều này một lần nữa cần sự thay đổi về mặt tư duy, chứ không chỉ là mặt kỹ thuật.

Chị có thể đưa ra một ví dụ cụ thể?

Tôi ví dụ trong ngành mỹ phẩm, để tìm insight của khách hàng, chỉ cần 5 nhân viên tản ra đi trò chuyện với chừng 50 khách hàng cũng có thể thu thập được khá nhiều thông tin.

Lúc đó doanh nghiệp mỹ phẩm này sẽ hiểu thêm rằng đối tượng khách hàng của mình khi mua mỹ phẩm sẽ cần gì, những yếu tố nào quyết định họ mua hàng, họ lo lắng về vấn đề gì, tại sao lại dùng mỹ phẩm,… Phải hỏi để ra được vấn đề chứ không thể chủ quan. Doanh nghiệp nhỏ không cần làm khảo sát lớn nhưng phải kỹ lưỡng và hiểu rõ sản phẩm.

Và từ đó có thể thấy rằng nhân viên của DNVVN cũng phải có năng lực nghiên cứu thị trường ở mức tương đối khá?

Đúng vậy. Tuy nhiên DNVVN cũng đang gặp phải vấn đề thiếu nhân lực có kiến thức chuyên sâu về truyền thông và marketing. Từ đó, doanh nghiệp phải phụ thuộc vào agency bên ngoài. Nhưng nếu agency làm trọn gói toàn bộ chiến lược và thực thi thì có thể ngân sách lại quá cao.

Mà khi thấy kẹt ở khoản này thì nhiều doanh nghiệp chọn hướng chỉ làm truyền thông dựa trên kỹ thuật, làm… cho có, mặc dù vẫn ý thức phần nào về tầm quan trọng của truyền thông. Ít nhất nếu doanh nghiệp tự làm, họ cũng nên biết đặt những câu hỏi gì, ví dụ 5 nhân viên đi khảo sát 10 người thì cũng cần có bảng hỏi rõ ràng.

Tóm lại, để phát triển một cách hiệu quả về mặt truyền thông, DNVVN cần sự kết hợp giữa digital marketing lẫn cách tiếp thị truyền thống trong cùng một chiến lược?

Quy trình digital marketing cực kỳ nhanh chóng, nhưng đừng nghĩ một chiến lược truyền thông như vậy có thể thay đổi toàn bộ cục diện kinh doanh, điều đó không bao giờ xảy ra.

Digital có thế mạnh lan tỏa nhanh – viral – còn kênh truyền thống như báo in hay truyền hình lại tạo niềm tin tốt hơn. Vậy nên vẫn cần dành một khoản ngân sách cho các hoạt động marketing truyền thống.

Và ngoài ra, còn điều gì chị nhận thấy DNVVN cần lưu ý khi xây dựng chiến lược truyền thông hiện đại?

Một điều cần lưu ý nữa, đó là về mặt nội dung (content). Nội dung của các DNVVN Việt Nam hiện nay thể hiện trên nền tảng digital cũng không mấy đặc sắc. Có nghĩa là nó hao hao giống nhau, không có sự khác biệt.

Người ta thường quan niệm khi cần truyền thông thì phải đưa được tên thương hiệu vào bài viết, tuy nhiên nhiều chủ doanh nghiệp không nhận thấy được thực ra câu chuyện mình đang kể có hay hay không? Đối tượng của mình có thích không, hay viết một bài rất dài mà chẳng ai đọc…

Có khi khách hàng của mình lại còn không hề quan tâm! Do đó, ngoài việc chú tâm vào chiến lược, cũng cần đầu tư content đặc sắc hơn. Có thể sử dụng một vài công cụ như infographic hay thêm ít nhiều sự hài hước vào các status trên mạng xã hội.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Anh Tú – Khoa học phát triển

Bài gốc