‘Bà đỡ’ hỗ trợ tận tình, tận lực cho khởi nghiệp sáng tạo
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã và đang thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng, tài chính đến xúc tiến thương mại, đào tạo… cho cộng đồng startup.
Trong thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Với vai trò ‘bà đỡ’ cho cộng đồng khởi nghiệp, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp với việc kết nối trên 29 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Sở cũng là đơn vị đứng ra kết nối mạng lưới 200 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau nhằm tư vấn/huấn luyện hoàn thiện mô hình kinh doanh, định hướng thị trường cho sản phẩm, cung cấp vốn đầu tư cá nhân (đầu tư thiên thần)… cho các dự án có tiềm năng.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã hỗ trợ đào tạo kiến thức, kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho giảng viên, cán bộ của các trường đại học, các cơ quan/tổ chức cũng như cá nhân và các nhóm khởi nghiệp.
Tính đến nay, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ 1.777 dự án khởi nghiệp, trong đó giúp hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh cho 310 dự án; kết nối thị trường trong và ngoài nước cho 550 lượt dự án; tư vấn tài chính cho 280 lượt dự án; phát triển ý tưởng khởi nghiệp cho 920 dự án…
SpeedUp – “chắp cánh” tài chính cho startup
SpeedUp nằm trong chương trình Hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020 do Sở KH&CN TP.HCM triển khai. Theo đó, chương trình này sẽ hỗ trợ tối đa tới 2 tỉ đồng/dự án. Các dự án khởi nghiệp được tuyển chọn qua 2 vòng: vòng đánh giá chuyên gia và vòng đánh giá của hội đồng tư vấn.
Các dự án được đánh giá đạt cả 2 vòng tuyển chọn, sau khi có quyết định phê duyệt của Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM sẽ tiến hành ký hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng hỗ trợ với cơ sở ươm tạo để triển khai ươm tạo dự án trên.
Hà Văn Lộc, trưởng dự án khởi nghiệp nhang sạch TCS là dự án đã nhận được 700 triệu đồng (trong 9 tháng) từ chương trình SpeedUp năm 2017. Ảnh: Hà Thế An.
Đến hết tháng 6 năm 2019, SpeedUp đã tiếp nhận và đang giải quyết hỗ trợ cho 164 dự án khởi nghiệp sáng tạo của các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (cả tư nhân và nhà nước). Chương trình đã hỗ trợ cho 27 dự án với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 23 tỷ đồng, trong đó phần ngân sách hỗ trợ dự kiến là 15,75 tỷ đồng và phần vốn đối ứng là 7,6 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu được chương trình hỗ trợ như: Teamup, Magix, Ekid, Cloud689, Freelancer, Schoolbus,…
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, chương trình SpeedUp được xây dựng với mục tiêu tăng cường nguồn lực cho cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời kết nối các nguồn lực xã hội với sự tiếp sức của nhà nước để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố, tiến tới việc xây dựng TP đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để bắt nhịp với khu vực và thế giới trong hoạt động này.
Phòng lab cho startup tạo sản phẩm
Innovation Lab là mô hình hỗ trợ các startup trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa nghiên cứu, phát triển hoàn thiện sản phẩm. Mô hình này với 3 trụ cột là Studio Lab (hỗ trợ các dịch vụ quay clip giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, chụp ảnh mẫu sản phẩm, quay các video bài giảng online…); Maker Space (khu vực chế tạo mẫu thử nghiệm – với nhiều thiết bị công nghệ phục vụ cho việc chế tạo mẫu); Open Lab (xưởng sản xuất thực nghiệm – diện tích 1200 m2 với nhiều thiết bị hiện đại để sản xuất và hoàn thiện sản phẩm).
Ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB chia sẻ, chương trình này nhằm hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nghiên cứu, thiết kế và tạo mẫu sản phẩm. Thực tế cho thấy, các startup nghiên cứu và tạo mẫu sản phẩm thường trải qua thời gian dài mới đến được sản phẩm cuối cùng. Quá trình đó họ tốn nhiều nguồn lực vì phải tiến hành tạo mẫu sản phẩm nhiều lần. Nhiều startup tốn rất nhiều chi phí với các doanh nghiệp cơ khí. Chính vì thế mô hình Innovation Lab sẽ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp ở khâu đó.
Ngoài ra, SIHUB với mô hình Innovation Lab sẽ tiến hành tổ chức các khóa đào tạo kiến thức căn bản về thiết kế, tạo mẫu sản phẩm để cho startup các bộ công cụ thực hiện các quy trình này.
Giúp startup tiếp cận thị trường quốc tế
Runway to the world – là chương trình “trao đổi” startup hai chiều giữa Việt Nam và các nước công nghệ tiên tiến ở Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu và các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chương trình do Saigon Innovation Hub (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) thiết kế, chủ trì và triển khai theo định hướng kết nối toàn cầu của Dự án SIHUB 2020.
Theo đó, SIHUB hợp tác với các tổ chức và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các quốc gia để tuyển chọn startup nước ngoài đến tìm hiểu thị trường, nghiên cứu và kết nối giao thương tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các startup Việt Nam được tuyển chọn cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ tương tự tại các quốc gia tham gia trong chương trình.
Đoàn startup Việt Nam trong chương trình Runway to the world tại Malaysia. Ảnh: Sihub.
Tháng 3 năm 2018, phía Hàn Quốc đã đưa 3 nhóm startup sang Việt Nam gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Tháng 7 năm 2018, 6 startup của Malaysia và Singapore cũng đã sang Việt Nam trong chương trình trao đổi startup. Tháng 8 năm 2018, Việt Nam đưa 3 startup Việt sang Malaysia. Tháng 9 năm 2018, Việt Nam tiếp tục đưa 3 startup sang Singapore. Tháng 12 năm 2018, 3 startup của Việt Nam sang Hàn Quốc xúc tiến thương mại.
Đến nay, nhiều quốc gia khác cũng đề nghị hợp tác, chia sẻ, trao đổi startup với Saigon Innovation Hub như: Thái Lan, Phần Lan, Úc, Mỹ, Thụy Sỹ,…
Hỗ trợ tài chính cho startup nông nghiệp
Trong thời gian qua, Sở KH&CN cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại 5 huyện và 5 quận (quận 9, quận 12, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp) của TPHCM có mô hình có tính khả thi và triển khai thực tế sẽ được xem xét, đánh giá để hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa là 70% kinh phí mỗi mô hình nhưng không quá 300 triệu đồng một mô hình.
Gói hỗ trợ trên sẽ được sử dụng cho hoạt động nhận tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo… Chương trình sẽ là đòn bẩy để các tổ chức, nhóm, cá nhân tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân. Sở KH&CN TP.HCM sẽ nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân liên tục trong năm. Kết quả đánh giá, xét duyệt sẽ được thông báo vào các tháng 4, 6, 8 và 10 hằng năm.
Nhờ chương trình Hỗ trợ ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp, chị Lê Hà Mộng Ngọc đã đầu tư hệ thống sấy mới bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: Hà Thế An.
Chị Lê Hà Mộng Ngọc, một dân dân tại Củ Chi, TP.HCM chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, chị đã đầu tư 450 triệu đồng mua hệ thống sấy năng lượng mặt trời của Đức (Sở KH&CN TP.HCM hỗ trợ 50% kinh phí). Công nghệ mới này giúp quá trình sấy nấm không những nhanh hơn mà nấm thành phẩm có chất lượng hơn, sạch hơn.
Chị mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để hoàn tất toàn bộ quy trình ứng dụng công nghệ cho việc sản xuất nấm. “Chương trình hỗ trợ tài chính của Nhà nước như một lực đẩy để chúng tôi ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Chúng tôi biết rằng, ứng dụng công nghệ, chúng tôi không đi một mình mà luôn có một sự đồng hành đáng quý”- chị Ngọc nói.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã đoạt giải Ba, hạng mục khởi nghiệp sáng tạo, giải thưởng Sáng tạo TP.HCM với công trình “Mô hình hỗ trợ, kết nối, thu hút nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM”. Đây là thành quả của tập thể cán bộ, nhân viên Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trên hành trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành phố.
Hà Thế An – Khám phá