Mọi doanh nghiệp đều cần phải có website riêng, bất kể ngành nghề hoặc quy mô hoạt động thế nào. Với những công ty mới, internet là nơi tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Theo Internet Live Stats, có ít nhất 3,5 tỷ lượt tìm kiếm trên Google mỗi ngày, trong đó:

  • 86% khách hàng dựa vào internet để tìm kiếm doanh nghiệp trong địa phương.
  • 29% khách hàng tìm kiếm doanh nghiệp địa phương ít nhất một lần mỗi tuần.
  • 72% khách hàng cho biết internet là lựa chọn hàng đầu trong việc tìm kiếm doanh nghiệp địa phương.

Những số liệu này chứng minh rằng dù một doanh nghiệp chỉ hoạt động giới hạn trong phạm vi địa phương, thì việc phát triển một website riêng vẫn có những ý nghĩa tích cực.

Nói về khía cạnh đầu tư, trong thời đại công nghệ hiện nay, làm một website hiện đại với nhiều chức năng không hề tốn nhiều chi phí. Không cần phải thuê hẳn 1 công ty chuyên nghiệp để làm web, doanh nghiệp bây giờ có thể tự mình thực hiện, bởi có rất nhiều phần mềm tự xây dựng website (website builder service) trên thị trường hiện nay với mức giá dễ chịu (chưa đến 10 đô/tháng) và dễ sử dụng.

Nhiều doanh nghiệp dựa quá nhiều vào các trang (page) trên mạng xã hội mà quên đi website riêng của công ty. Đó là một sai lầm.

Đây là năm lý do doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình một website riêng

 

1. Tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp

 

Trước hết, khách hàng có nhu cầu thấy website của doanh nghiệp. 6/10 người tiêu dùng mong muốn tìm thấy thông tin doanh nghiệp trên website chính thức của họ. Không chỉ vậy, hơn một nửa số khách hàng luôn tra cứu thông tin sản phẩm trên website của doanh nghiệp.

91% người tiêu dùng đến cửa hàng từ những trải nghiệm trực tuyến. Họ sử dụng điện thoại, máy tính bảng để quyết định nên đi đâu và nên mua gì. Vì vậy nếu doanh nghiệp không có website riêng, khách hàng sẽ dễ dàng bỏ đi nơi khác không một chút chần chừ.

Theo những thông tin từ Trustpilot, hơn 80% khách hàng xem trọng các đánh giá trực tuyến như những gợi ý cá nhân. Vậy nên nếu website doanh nghiệp có những đánh giá của khách hàng cũ, thì đây chính là điểm hấp dẫn với những khách hàng tiềm năng. Nói cách khác, website là chìa khóa để xây dựng lòng tin của khách hàng.

2. Cạnh tranh

Trong xu hướng hiện nay, dường như tất cả doanh nghiệp đều xây dựng các trang trực tuyến cho riêng mình, bao gồm website lẫn các tài khoản mạng xã hội như Twitter, Instagram hoặc YouTube. Đó là chưa kể đến danh sách doanh nghiệp địa phương trên Google My Business.

Vậy nên một doanh nghiệp không có website sẽ khiến nhiều khách hàng nghi ngại. Họ sẽ tự hỏi phải chăng chủ doanh nghiệp “mù” công nghệ? Hoặc doanh nghiệp không để tâm đến việc phát triển website? Hay thậm chí doanh nghiệp không có đủ tiền để xây dựng một website? Và hiển nhiên, không một doanh nghiệp nào mong muốn nhận phải những nghi ngờ này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên hiểu rằng khách hàng không có nhiều kiên nhẫn. Vậy nên chỉ cần thiếu hụt một phương thức trực tuyến như website, thì doanh nghiệp cũng đã “thất thoát” rất nhiều doanh thu vào tay đối thủ.

3. Một kênh quảng cáo hiệu quả

Những phương thức tiếp thị, quảng cáo truyền thống như TV, tờ rơi, radio,… vẫn được thực hiện bởi các thương hiệu lớn như Coca-Cola, Adidas, Samsung. Tuy nhiên đây không phải là phương án phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lý do lớn nhất chính là chi phí thực hiện. Ngoài ra, các kênh quảng bá truyền thống vẫn tồn tại nhiều khuyết điểm:

  • Lượt tương tác thấp hơn: Tiếp thị truyền thống là đường một chiều, bởi doanh nghiệp không thể tương tác lại các khách hàng tiềm năng.
  • Sự tùy biến hạn chế: Doanh nghiệp không thể tự phân khúc khán giả, độ tuổi hoặc ngành nghề. Và dĩ nhiên, doanh nghiệp không thể cá nhân hóa chiến lược tiếp thị của mình.
  • Gây khó chịu. Theo lẽ thường, chẳng ai mua báo hoặc bật radio để xem/nghe quảng cáo. Vậy nên trong trường hợp này, quảng cáo là thứ gây khó chịu và thường bị khán giả lờ đi.
  • Khả năng đo lường yếu: Đo lường, đánh giá kết quả của chiến dịch tiếp thị là điều rất quan trọng nếu muốn thành công trong thời gian dài. Vậy nên không doanh nghiệp nào muốn lãng phí công sức và tiền bạc trong những phương án sai lầm. Trong khi đó, đánh giá kết quả từ những kênh quảng cáo truyền thống thường rất khó khăn và không chính xác.

Trong khi đó, những phương án tiếp thị trực tuyến mang đến những điểm cộng như:

  • Tiết kiệm chi phí.
  • Độ tương tác cao hơn.
  • Không gây khó chịu.
  • Rất tiềm năng với các ROI (Return on Investment – tỷ lệ lợi nhuận thu được) lớn.
  • Có thể phân khúc khán giả và phù hợp với doanh nghiệp.
  • Có phân tích số liệu để biết kết quả chính xác và ngay lập tức.

Trong các phương án tiếp thị trực tuyến, xây dựng một website ổn định, nhanh, đầy đủ chức năng được xem là chiến lược hàng đầu. Website sẽ là “ngôi nhà” của doanh nghiệp, là nơi doanh nghiệp có thể hoàn toàn kiểm soát các thông tin.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng các trải nghiệm trực tuyến tích cực cho khách hàng. Nói cách khác, ngoài chú ý phát triển nội dung website, công ty còn phải tập trung vào dịch vụ khách hàng trên website, khiến họ cảm thấy bản thân họ chính là điều ưu tiên nhất trên website này.

4. Trình bày/ bán sản phẩm và dịch vụ

Rất nhiều khách hàng dùng tính năng tìm kiếm trên Google để nghiên cứu về một sản phẩm trước khi mua sắm ở các cửa hàng. Vậy nên website là nơi hoàn hảo để doanh nghiệp có thể trình bày các sản phẩm hoặc dịch vụ với đầy đủ nội dung và hình ảnh đẹp mắt.

Doanh nghiệp cũng có thể đăng tải các đoạn video hướng dẫn ngắn hoặc những bản hướng dẫn dưới dạng file PDF tải được/ ebook để hấp dẫn khách hàng.

Không chỉ vậy, lĩnh vực thương mại số đang ngày một mở rộng hơn trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, trong năm 2017, người tiêu dùng đã tiêu tốn 453,46 tỷ đô la để mua sắm trực tuyến (tăng 16% so với năm 2016). Trong năm 2018, doanh số bán lẻ trực tuyến, bao gồm cả những dịch vụ kỹ thuật số, ước tính đạt gần 526 tỷ đô và dự kiến tăng đến 893,4 tỷ đô năm 2022.

Những con số này cho thấy mua sắm trực tuyến đang là xu hướng của rất nhiều người, và xu hướng này sẽ ngày càng mở rộng. Vậy nên các doanh nghiệp cần phải cân nhắc lại hoạt động và bắt đầu hướng đến việc bán các sản phẩm trực tuyến để không bị chậm nhịp so với thế giới.

5. Thu thập dữ liệu và phản hồi của khách hàng

Với các kênh truyền thống, việc thu thập dữ liệu khách hàng như địa chỉ hòm thư điện tử hoặc các phản hồi có thể rất khó khăn. Trong khi đó, yêu cầu khách hàng điền email hoặc trả lời những khảo sát nhanh để sử dụng các tài nguyên trực tuyến là một việc “làm chơi ăn thật”.

Một khi doanh nghiệp đã nắm được địa chỉ hòm thư điện tử của khách hàng, khi đó họ có thể bắt đầu triển khai chiến lược tiếp thị qua email. Với những người trong nghề, đây chính là một trong những kênh tiếp thị đem lại hiệu quả lớn nhất.

Hải Vy (Theo Smallbiztrends)