Internet là một miền đất hứa cho các công ty khởi nghiệp từ công nghệ, tuy nhiên thực tế đây là vùng đất đầy chông gai với sự cạnh tranh khốc liệt từ những công ty lớn, khiến khởi nghiệp từ internet khó đạt được những thành công.

Thung lũng Silicon là nơi được biết đến với những chàng sinh viên trẻ bắt đầu thành lập công ty từ trong gara xe hay phòng ký túc xá, để rồi sau này chúng thống trị và thay đổi cả thế giới.

Có thể kể đến Apple và Microsoft vào thập niên 1970, Amazon, Yahoo hay Google vào những năm 1990 và mới đây nhất là Facebook vào thập kỷ đầu của thế kỷ 21.

Nhưng giờ đây khi sắp kết thúc thập niên 2010, chúng ta vẫn chưa chứng kiến được sự thành công nào thật sự đáng kể của các công ty khởi nghiệp từ công nghệ.

Uber được mệnh danh là kẻ khổng lồ công nghệ mới nổi dậy ở thung lũng Silicon, nhưng sau tất cả những bê bối, tương lai của công ty vẫn là một mối nghi ngờ lớn.

Trong khi đó, những công ty có giá trị lớn nhất Hoa Kỳ chỉ sau Uber, như Airbnb với giá trị 31 tỷ USD thì cũng chỉ tương đương với một phần nhỏ – cụ thể là 7% – so với giá trị của Facebook. Những gương mặt khác như Snap, Square, và Slack càng có giá trị thấp hơn.

Vậy, vấn đề gì đang thực sự xảy ra?

‘Không còn Châu Mỹ để Columbus khai phá’

Theo Jay Zaveri, nhà đầu tư của công ty Social Capital, cho biết: “Nhìn vào trường hợp của Google và Amazon hồi những năm 90, tôi thấy họ như Columbus hay Vasco da Gama hăng hái giong thuyền từ Bồ Đào Nha.”

Những công ty đầu tiên khởi nghiệp từ công nghệ đã nhanh chóng hái được những quả ngọt nằm ở cành thấp, nhanh chóng thu lợi nhuận từ những mảnh đất màu mỡ của mạng tìm kiếm, mạng xã hội, mạng thương mại điện tử. Những kẻ đến sau không còn gì nhiều để thu hoạch.

Ngoài ra, không chỉ vấn đề người đến trước hay kẻ đến sau. Mà quan trọng là những công ty lớp đầu tiên, họ đã có đủ kinh nghiệm để trải đều trên các lĩnh vực, họ muốn vươn vòi ra xa hơn để đảm bảo an toàn cho mình trước sự cạnh tranh của những công ty đến sau.

Những công ty lớn nhanh chóng mở rộng qua các thị trường và các lĩnh vực kinh doanh khác, giành hết thị phần tiềm năng mà những công ty nhỏ đang nhắm vào. Họ kiểm soát hết mọi con đường lớn của internet, để những công ty nhỏ đi theo các ngõ hẻm mà phát triển.

Kết quả là một ngành công nghiệp năng động mang hơi hướng của sự đổi mới và tư duy hiện đại, lại trở thành một nơi của sự độc quyền – nơi những công ty lớn mãi thống trị và giữ vững ngôi vương của mình trong ngành công nghiệp béo bở này.

Những năm 2015, 2016 phong trào startup khá nở rộ ở Việt Nam khi số vốn đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế không ngừng tăng cao.

Khởi nghiệp ở Việt Nam hầu hết lựa chọn công nghệ và internet làm hướng đi, vì lĩnh vực này có thể dễ dàng hơn tiếp thu được kinh nghiệm từ nước ngoài.

Nhưng đa phần các sản phẩm của các startup nền internet mang hơi hướng ‘bản địa hóa’ các sản phẩm thành công từ nước ngoài, chưa thực sự có tính khai phá mảnh đất mới như cần phải có của khởi nghiệp sáng tạo.

Hoặc bị mua lại, hoặc không thể ngóc đầu lên

Các công ty lớn có tầm nhìn xa về những xu hướng sẽ phát triển trong tương lai, họ xem xét thị trường hiện tại có những công ty nhỏ nào đang làm việc trong cái xu hướng đó và họ sẽ lập tức mua lại, để rồi chính họ là những người đón đầu xu hướng.

Trong khi đó, những công ty nhỏ ‘kém may mắn’ hơn khi không được mua lại, sẽ phải vật vã để tự thay đổi mình nhằm đáp ứng kịp với sự thay đổi được đưa ra từ các công ty lớn.

Lấy ví dụ với Facebook, họ là một công ty bắt đầu với nền tảng web cho máy tính. Nhưng Zuckerberg đã nhận ra tầm quan trọng của các thiết bị di động với màn hình cảm ứng và đã thúc đốc những kỹ sư của mình để biến nền tảng này trở thành ưu tiên hàng đầu của công ty.

Khi đón đầu xu hướng điện thoại thông minh, Zuckerberg mua lại Instagram vào năm 2012 với giá 1 tỷ USD khi công ty này chỉ có vài nhân viên, và sau đó là công ty khởi nghiệp với sản phẩm phần mềm nhắn tin di động Whatsapp với giá 19 tỷ USD.

Mark đang theo đuổi một mô hình được tiên phong bởi Google. Vào năm 2006, gã khổng lồ này đã bỏ ra 1,65 tỷ USD để mua lại YouTube, là một trong những trang web thịnh hành nhất internet thời đó.

Rồi tiếp sau đó công ty này mua lại Android vào năm 2005, đặt viên gạch đầu tiên cho đế chế của Google trên các thiết bị di động.

Có thể thấy, các công ty lớn không quá khó để đón đầu một xu thế mới nào. Họ chỉ cần quan sát và thâu tóm các công ty tiềm năng và biến xu hướng tương lai thành hiện thực, trong khi những công ty nhỏ khác phải loay hoay để đáp ứng được với những trào lưu mới nổi.

Cá biệt có trường hợp của Snapchat, mà sau này giám đốc điều hành Evan Spiegel đã đổi tên công ty thành Snap, không chấp nhận bán mình cho các công ty lớn mà tự thân vận động với những ý tưởng mới lạ. Để rồi chính họ nhận được sự cạnh tranh từ các ý tưởng của mình.

Snapchat ra mắt tính năng Story cho phép mọi người đăng tải mọi thứ lên và nó sẽ tự mất trong 24 giờ, đây là một ý tưởng mới lạ và hấp dẫn đến nỗi Instagram của Facebook đã ‘vay mượn’, và bây giờ số lượng người dùng Story của Instagram thậm chí còn cao hơn của Snapchat. Tương tự với các filter chụp ảnh selfie, sự cạnh tranh từ Instagram đã gây sức ép lớn lên cổ phiếu của Snap.

Ở Việt Nam, nơi ngành thương mại điện tử non trẻ cần phải đổ ra rất nhiều tiền để thu hút khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi. Các công ty khởi nghiệp ngành này cần có một số vốn khổng lồ để phát triển. Họ khó có thể làm gì khác là phải bán mình cho các ông lớn.

Có thể kể đến thương vụ VNG mua lại 38% vốn của Tiki với giá trị 376,5 tỷ đồng. Cũng như Alibaba mua Lazada, Nguyễn Kim mua Zalora, những khởi nghiệp trong mảng thương mại điện tử về lâu dài vẫn cần sự giúp sức từ phía sau của những doanh nghiệp lớn.

Sức ép từ các nhà đầu tư

Nếu như Facebook, Google, Yahoo hay eBay chỉ cần bỏ ra một số vốn nhỏ để thu lại hàng bội lần lợi nhuận, thì các công ty khởi nghiệp ngày nay được các nhà đầu tư rót vốn rất nhiều nhằm phát triển thật mạnh và có chỗ đứng thật vững chắc trong thị trường.

Mark xây dựng Facebook với tâm lý là một sản phẩm vui chơi, không quá áp lực về sự thành công. Nhưng khi trang web phát triển mạnh mẽ, họ nhanh chóng thu được lợi nhuận và từ đó tập trung đầu tư thêm về hạ tầng kỹ thuật, rồi đạt được thành công nhanh chóng.

Trong khi các công ty non trẻ ngày nay, khi chưa có những thành công bước đầu thì họ đã nhận được các khoản đầu tư rất lớn kèm theo áp lực phải thành công, khiến trong thời gian đầu họ sẽ rất khó thu được lợi nhuận tương thích với khoản vốn khổng lồ ban đầu.

Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và trả lương cho nhân viên sẽ không nhiều như chi phí quảng cáo, các công ty nhỏ phải liên tục đổ tiền vào các mẫu quảng cáo nhằm thu hút khách hàng đến với mình.

Trớ trêu thay họ phải đưa tiền quảng cáo cho Google, Facebook, là những công ty lớn đang cạnh tranh với mình.

Ngoài ra còn các lý do về pháp lý, về hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế, về sự tập trung của thị trường thay vì phải phân bố rãi đều, khiến những công ty trẻ khó khăn trong việc phát triển ở một lĩnh vực mới, mà họ thường lao vào những ngành nghề đã có sẵn để rồi chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Quang Niên