Từ ý tưởng tới triển khai là một con đường rất dài, và trở ngại lớn nhất trên con đường đó, thường sẽ là Vốn.

Thật may là việc huy động vốn đã mở rộng hơn trong 15 năm qua, với sự gia tăng của hình thức Gọi vốn cộng đồng – Crowdfunding.

Với hoạt động crowdfunding, sẽ có các Platform (nền tảng dịch vụ) chuyên dùng cho huy động vốn. Nhưng khi bạn tham gia gọi vốn trên crowdfunding platform, bạn làm thế nào để chắc chắn được chiến dịch của mình thành công?

Một phần là ở chỗ bạn gọi vốn ở đâu – những platform phù hợp sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn – và phần còn lại phụ thuộc vào khả năng bạn tiếp thị ý tưởng của mình thế nào.

Chúng ta hãy cùng xem một vài phương án tốt nhất giúp bạn biến giấc mơ thành hiện thực và làm thế nào để thực hiện chiến dịch huy động vốn thành công nhé.

Chọn crowdfunding platform nào?

Đừng coi nhẹ quyết định này.

Bạn sẽ bơi theo cá lớn ra biển lớn và chấp nhận nguy cơ dự án của mình có thể thất bại chìm nghỉm trước hàng loạt dự án khác? Hay sẽ tham gia vào một platform thích hợp cho riêng ngành của mình nhưng không được biết đến nhiều?

Dưới đây là một vài crowdfunding platforms dành cho các nhà sáng tạo đang ôm ấp những ý tưởng lớn. Mỗi loại sẽ có những ưu và nhược điểm riêng – chẳng hạn có bao gồm tiền hoa hồng, hay có được khấu trừ thuế không – vì vậy hãy đọc kĩ và hiểu rõ các quy định trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Kickstarter:

Chắc bạn cũng biết rồi, khi hầu hết mọi người khi nghĩ đến crowdfunding, họ nghĩ tới Kickstarter.

Đây hiện là platform lớn nhất và đã thu được hơn 2,8 tỷ đô la cho đến nay. Platform này có 15 danh mục gọi vốn khác nhau, có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ tìm thấy vị trí thích hợp của mình.

Thế còn nhược điểm? Tất cả các chiến dịch đều là được-tất-hoặc-không-có-gì. Tức là nếu bạn không huy động được số tiền đã đặt ra, bạn sẽ không nhận được gì.

Vì vậy bạn cần khởi động và lên kế hoạch hết sức cẩn thận – đặc biệt nếu bạn biết rằng trên 60% chiến dịch gọi vốn ở Kickstarter không thành công.

Tuy nhiên nếu có chút bí quyết về marketing, bạn có thể tận dụng truyền thông để gây chú ý khi ra mắt chiến dịch.

Indiegogo

Nếu bạn muốn gọi vốn linh hoạt, được hỗ trợ bởi nền tảng kiểu “nhà máy công nghiệp” (powerhouse platform), Indiegogo có thể là lựa chọn phù hợp. Bạn có thể lựa chọn chiến dịch “được tất cả hoặc chẳng có gì” hay chọn “lấy phần mình huy động được”, linh hoạt như vậy nên đây là phương án hấp dẫn đối với nhiều người.

Bạn cũng có thể đưa ý tưởng lên và xúc tiến gọi vốn nhanh chóng vì không cần đăng kí trước hay không cần qua quá trình phê duyệt.

Patreon

Bạn muốn có dòng thu nhập đều đặn để tập trung vào mục tiêu sáng tạo? Patreon có thể là một phương án tốt cho bạn.

Dịch vụ này cho phép bạn hàng tháng có thể thu một phần thu nhập từ người hâm mộ – những người đã đăng kí hỗ trợ bạn ở các mức khác nhau.

Nền tảng này lấy người sáng tạo làm trung tâm, bạn có thể chia sẻ với khách hàng/người hâm mộ của mình vài nội dung đặc biệt hay đưa ra các phần thưởng hấp dẫn để khích lệ và tạo cho họ cảm giác được tham gia vào quá trình sáng tạo.  

GoFundMe

GoFundMe không chỉ dành cho cá nhân, mà còn cho các hoạt động cộng đồng như chăm sóc y tế, khắc phục sau thiên tai.

Ở đây có thể gọi hỗ trợ mọi thứ từ xuất bản sách ảnh đến sân khấu biểu diễn trong nhà hát. Nền tảng này không có giới hạn về thời gian và cũng cho phép duy trì bất kì quỹ nào đã kêu gọi nên có thể là giải pháp lý tưởng tùy thuộc vào tính chất dự án của bạn.

Seed&Spark: 

Trang crowdfunding này phục vụ cho các nhà làm phim, và đã thu được hơn 7 triệu đô la kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2012.

Seed&Spark cũng đạt tỷ lệ thành công khá ấn tượng với 75% số dự án huy động được tài trợ.

Điều đặc biệt nhất là, họ cũng là dịch vụ truyền hình trực tuyến, bạn có thể xem các bộ phim độc lập và loạt phim truyền hình tại đây.

Hà (Theo mymodernmet)