Hãy đi đến bất kỳ buổi hội thảo nào về sự đổi mới và bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên. Ai đó đứng ở phía trên và nói về cách làm thế nào để phát huy tính sáng tạo trong công ty của bạn, phát triển những sản phẩm mang tính đột phá và đi tắt đón đầu trước những đối thủ của bạn. Từng bước bạn sẽ vượt qua hết và sẽ thành công.

Điều này cũng không phải hoàn toàn vô bổ, bạn sẽ liên tưởng mình và những người thành công khác cũng đã sử dụng những phương cách này để đạt được thành tựu.

Những mục tiêu được đặt ra như bởi Steve Jobs hay Elon Musk sẽ cho bạn một con đường sáng rõ, và con đường này sẽ dẫn đến thành công của cuộc đời bạn.

Nhưng người thuyết trình sẽ không nói về những lần thất bại. Có ai lại đi theo con đường thất bại của Steve Jobs không? Không ai lại lăn vào vết xe đổ của Elon Musk cả.

Theo tư duy thông thường, rất ít ai đi tìm những lối đi ngược lại. Hầu hết mọi người đều chọn những câu chuyện tốt đẹp và đó là cách mà lời nói có cánh của những người thuyết trình luôn tươi đẹp.

1. Sáng tạo và ý tưởng

Chắc hắn rất nhiều người trong chúng ta đều nghe được rằng sự đổi mới cần nhất là các ý tưởng. Chắc chắn là vậy rồi, dù chúng ta đổi mới ở bất kỳ lĩnh vực nào, ta cũng phải cần những ý tưởng phía sau nó, nhưng phũ phàng mà nói thì hầu hết chúng đều thất bại.

Bí quyết của một ý tưởng thành công, là ta phải thực hiện nó thành công trước, rồi mới đưa người khác sử dụng và lan rộng ra để tạo hiệu ứng.

Thực tế là những ý tưởng tồi tệ sẽ nhiều hơn những ý tưởng hay ho, và phần trăm để những ý tưởng hợp lý có thể trở nên thành công lại càng ít hơn.

Quá trình đưa một ý tưởng tốt đẹp vào thực tế thành công luôn khó khăn, nhưng khi chúng ta gặp thất bại, thì không ai trong chúng ta lại muốn đón nhận hay nói về chúng.

Tác giả Greg Satell của cuốn sách Mapping Innovation chia sẻ sự thật về những công ty sáng tạo, họ không chỉ tạo ra đột phá trong một lần duy nhất mà có thể duy trì nó suốt nhiều năm sau, họ ít tìm kiếm những ý tưởng mới mà thay vào đó là cách mới để giải quyết vấn đề. Cách giải quyết vấn đề khôn khéo sẽ dẫn đến một ý tưởng tốt.

Ngoài ra, những người có óc sáng tạo mang tính đột phá thường phải kiên nhẫn. Có thể họ không làm điều gì đó với suy nghĩ rằng đó là ý tưởng tốt, đơn giản họ chỉ tin chắc rằng cách giải quyết vấn đề của họ trước sau gì cũng sẽ thành công, thế nên họ quyết làm chúng cho đến khi được thì thôi.

Nếu muốn tạo ra sự đổi mới, hãy bắt đầu với một nguyên nhân chứ không phải một khẩu hiệu, hay đừng tìm kiếm một ý tưởng mà hãy tìm một vấn đề với cách giải quyết khôn ngoan.

2. Những người đổi mới dễ gặp rủi ro

Sự đổi mới sẽ liên quan đến các rủi ro trong quá trình thử nghiệm. Ví dụ như khi bạn đầu tư vào một chiến dịch tiếp thị, thuê một nhân viên mới, vay mượn vốn để mở rộng quy mô tài chính hay làm những điều khác liên quan đến việc điều hành doanh nghiệp, bạn đều có nguy cơ cao gặp rủi ro. Nhưng điều này không có nghĩa những rủi ro sẽ khiến bạn thất bại.

Ngoài ra, còn những rào cản luôn xuất hiện khi bạn muốn thay đổi. Không hiếm những câu chuyện về những người đã phải sống khó khăn vất vả trước khi đạt được thành tựu to lớn.

Dĩ nhiên chúng ta phải đối mặt với các rủi ro và lèo lái khéo léo để vượt qua chúng, chứ không chìm vào các nguy cơ.

Rủi ro sẽ xuất hiện trong quá trình phát triển, chứ không phải từ ban đầu ta chọn một hướng đi đầy rủi ro.

Tuy nguy cơ thất bại không là một trong những nguyên nhân thiết yếu dẫn đến thành công, nhưng rõ ràng chúng khá quan trọng để chúng ta kiểm soát và vượt qua được chúng. Hãy cẩn thận bởi chúng có thể khiến bạn phá sản.

3. Hãy nhanh nhẹn để đổi mới

Khi chiếc iPhone đều tiên được ra mắt vào năm 2007, giám đốc điều hành của Microsoft là ông Steve Ballmer đã bác bỏ nó và cho rằng “Sẽ không có cơ hội nào để iPhone chiếm được thị trường dù là một phần rất nhỏ.”

Nhưng sau đó chính Microsoft phải nỗ lực rất nhiều để tung ra các sản phẩm tương tự mà cạnh tranh với Apple trong mảng di động, và giờ đây họ như con khủng long sắp tuyệt chủng.

Trong 10 năm qua, công ty này đã có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc với những con số về doanh thu và lợi nhuận cao khủng khiếp.

Trong khi đó Microsoft ở mảng di động không mấy thành công, đây là hậu quả của việc sử dụng máy chủ và công cụ cũ mà họ đã xây dựng từ 15 năm trước đó.

Quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị chứ không phải thích nghi. Microsoft không phải là một công ty nhanh nhẹn.

Họ đã hoàn thành xây dựng những cơ sở nghiên cứu hiện đại của mình từ năm 1991, vượt trước rất nhiều đối thủ cùng thời và họ đã nghĩ sẽ không cần phải nhanh hơn nữa khi đã đi trước mọi người.

4. Không chỉ có một con đường đúng đắn dẫn đến sự đổi mới

Những trưởng tộc của các bộ tộc sẽ không được sự tín thác và uy nghi từ cộng đồng nếu họ không chia sẻ kinh nghiệm sống của mình.

Trong trường hợp của sự đổi mới, các chuyên gia sẽ hướng bạn đến một con đường duy nhất là chìa khóa của sự đổi mới sáng tạo. Nhiều người sẽ tin rằng sự đổi mới theo con đường đó sẽ dẫn đến các ý tưởng đột phá.

Nhưng xét trong thực tế, hãy nhìn vào những công ty với các chiến lược kinh doanh cụ thể, bạn sẽ thấy được ít nhất là hai cách làm việc hoàn toàn khác nhau. Họ không có một con đường duy nhất nào dẫn lối đến thành công.

Sự thật thì hầu hết những con đường đổi mới đều dẫn đến thất bại, bởi vì sự đổi mới là giải quyết các vấn đề khác nhau bằng các cách tiếp cận khác nhau.

Vì thế nếu chỉ chọn một con đường duy nhất, là bạn đã tự khóa mình vào một cách giải quyết duy nhất cho hàng loạt các vấn đề khác nhau.

Cuối cùng, khi vấn đề không được giải quyết theo cách thức tốt nhất, nó sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề khác nữa, khi đó hoạt động của công ty sẽ bị gián đoạn vì phải giải quyết những vấn đề khác nhau. Công ty sẽ kết thúc với càng nhiều rắc rối hơn và các ít thành quả đạt được hơn.

Quang Niên (Theo INC)