Số lượng người có ý định khởi nghiệp ngày càng tăng, nhưng không phải ai cũng thành công. Có 3 yếu tố đúc rút từ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công mà các start-up cần đặt lên hàng đầu.

 

Xây dựng ý tưởng một cách chi tiết, khoa học

Ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp chính là chìa khóa, là bước đệm đưa bạn đến với con đường hiện thực hóa ước mơ của mình.

Tuổi trẻ với bao khát khao, hoài bão, cùng bầu nhiệt huyết, sung sức chính là khởi nguồn cho những ý tưởng độc đáo, táo bạo. Song theo kinh nghiệm khởi nghiệp thành công của nhiều người, một ý tưởng độc đáo chưa thể làm nên thành công. Muốn làm rõ con đường khởi nghiệp, bạn phải chắc chắn là ý tưởng đó có tính khả thi, có thể triển khai và vận hành một cách trơn chu.

Sau khi có ý tưởng, bạn phải chi tiết hóa ý tưởng đó một cách khoa học. Để chi tiết ý tưởng ấy, bạn phải vạch ra được mục tiêu, sứ mệnh, định hướng, tiêu chí hoạt động… trong doanh nghiệp tương lai của mình. Khi start-up bắt tay vào quá trình chi tiết hóa ý tưởng, nếu thấy các định hướng, mục tiêu không rõ ràng, bạn phải bắt đầu lại để không thất bại nhanh chóng.

Dám đối mặt với thách thức, thất bại

Một trong những kinh nghiệm khởi nghiệp thành công được rút ra chính là tinh thần dám đối mặt với những thất bại.

Bằng sự mạnh mẽ, lạc quan, một cá nhân sau khi thất bại với dự án của mình, sẽ không bao giờ buông xuôi. Hoặc là họ tìm ra định hướng làm việc mới, hoặc phải “lột xác” để làm mới tư duy, cách quản lý, vận hành công việc. Vì thế, một người muốn khởi nghiệp thành công phải kiên định trước mọi sóng gió và tác động từ xung quanh. Đây là yếu tố không thể thiếu và luôn được nhiều người nhắc đi nhắc lại khi nói về kinh nghiệm khởi nghiệp thành công.

Tiếp tục “nghĩ lớn”

Khai thác thị trường, tìm đến những khoảng trống mà chưa một doanh nghiệp nào tìm đến chính là một trong những điểm then chốt giúp dự án khởi nghiệp của bạn có tương lai.

Tuy vậy, một start-up không được phép dừng việc “khai hoang” ở một thửa ruộng, một khu vườn. Chỉ có nghĩ lớn, có kế hoạch phát triển trong tương lai, dự án khởi nghiệp mới có thể tồn tại bền vững. Lý do là, nếu không mở ra tầm nhìn tương lai cho doanh nghiệp, thì nhiều khả năng công việc của bạn sẽ bị bế tắc vì đến một thời điểm nào đó, thị trường sẽ bão hòa. “Nghĩ lớn” và có định hướng mở rộng doanh nghiệp giúp bạn nhìn rõ hơn quy mô có thể đạt đến của doanh nghiệp. Trong khâu hoạch định chiến lược phát triển này, bạn sẽ tìm thấy những điểm yếu của doanh nghiệp, từ đó sẽ biết cách để thay đổi, điều chỉnh lại hoạt động của doanh nghiệp.

Khởi nghiệp là con đường rộng mở, nhưng đầy chông gai, những người đi sau nên học hỏi kinh nghiệm, nhìn từ hai phía thất bại và thành công để chuẩn bị tâm thế trước khi bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên cho dự án mới. Nắm bắt được những điều này, cơ hội khởi nghiệp thành công của bạn sẽ rộng mở hơn.

Hiếu Ninh – Báo đầu tư