Đó là ba từ khoá của chuyên gia khai vấn lãnh đạo và điều hành, người sáng lập Coach For Life trong quản lý doanh nghiệp.

Bà Quách Hương là chuyên gia khai vẫn lãnh đạo và điều hành và là người sáng lập Coach For Life – công ty cung cấp dịch vụ khai vấn (coaching) chuyên sâu cho các nhà lãnh đạo từ năm 2016.

Bên cạnh đó, bà đang làm chuyên gia khai vấn điều hành cho một số công ty khai vấn quốc tế như BTS Coach, Global Coach và Marshall Goldsmith Stakeholder Centered Coaching. Trước khi trở thành nhà khai vấn chuyên nghiệp, bà có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.

Là chuyên gia coaching, vậy nghệ thuật lãnh đạo bà đang sở hữu là gì?

“Mindful Leader” – lãnh đạo tỉnh thức là phong cách lãnh đạo mà tôi theo đuổi và cũng là điều tôi thường xuyên chia sẻ. Lãnh đạo tỉnh thức hiểu đơn giản là những lãnh đạo thực hành tỉnh thức (chánh niệm) để phát triển khả năng tự nhận thức cao về bản thân, làm chủ suy nghĩ, chế ngự cảm xúc, kết nối và dẫn dắt người khác bằng lòng trắc ẩn và sự đồng cảm.

Trong quá trình khai vấn các quản lý và lãnh đạo, tôi nhận rằng, rất nhiều người đang chịu đựng áp lực quá lớn từ nhiều phía, họ bị cuốn vào guồng quay công việc, những cuộc họp triền miên, những dự án liên tiếp… để đáp ứng những kỳ vọng (không ngừng tăng lên) của bản thân và của cả người khác.

Nhiều nhà lãnh đạo dù rất thành công, vẫn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như mất cân bằng, trầm cảm, không làm chủ được cảm xúc, mất ngủ triền miên…

Họ dễ bị phân tâm, căng thẳng, kiệt sức khi phải đối mặt với một thế giới không ngừng biến động, với tương lai không thể dự đoán trước.

Việc hiện diện để trọn vẹn lắng nghe đem lại cho tôi rất nhiều lợi ích, nhiều thông tin giá trị mà chúng ta rất có thể bỏ qua trong nhịp sống hối hả như hiện tại.

Thực hành tỉnh thức sẽ giúp họ đạt được sự cân bằng về mặt cảm xúc và tinh thần, xây dựng sức mạnh vững vàng từ bên trong, phát triển trí tuệ cảm xúc, từ đó giúp các lãnh đạo hoá giải được những áp lực từ bên ngoài một cách hiệu quả.

Hàng ngày, điều mà tôi thực hành nhiều nhất là sự lắng nghe. Tôi lắng nghe những dấu hiệu bên trong chính mình, lắng nghe nhân viên để thấu hiểu họ và nhận biết những vấn đề mà họ đang cần hỗ trợ, tôi lắng nghe khách hàng và những đối tác để hiểu được những vấn đề mà họ đang gặp phải.

Tôi tin rằng, ở vai trò lãnh đạo, việc của tôi là làm cho nhân viên cảm thấy hạnh phúc và được trân trọng, sau đó họ sẽ tự hoàn thành tốt các phần việc của mình.

Ngoài ra, triết lý của tôi là chậm lại để đi nhanh hơn. Tôi luôn tin vào việc khi ta dám cho bản thân được chậm lại, có thời gian tĩnh lặng để quan sát và phân tích, ta sẽ có những bước chuyển mình nhanh và mạnh mẽ hơn.

Và điều gì bà ẫn phải tự rèn luyện mỗi ngày?

Tôi vẫn luôn thực hành thiền, thực hành việc làm chủ tâm trí, cảm xúc của mình qua lời nói, thái độ, hành động. Luôn luôn có thứ có thể làm tốt hơn, luôn luôn có thứ cần được khắc phục.

Và mỗi lần tôi nhận thấy bản thân đã chuyển hoá ở một khía cạnh nào đó, tôi cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Đích đến cuối cùng là làm sao để bản thân mình cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, và giúp những người xung quanh cũng cảm thấy như vậy.


Doanh nhân Quách Hương

Vậy đâu là nội lực còn tiềm ẩn trong mình mà bà vẫn cần phải có người khai vấn?

Tôi luôn có một người coach đồng hành, kể từ khi tôi quyết định theo đuổi sự nghiệp coaching. Coach của tôi là một Master Coach rất có kinh nghiệm ở Singapore. Chúng tôi làm việc với nhau đều đặn hàng tháng để giúp tôi phát triển mạnh hơn về chuyên môn, để tiến tới những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp làm coach.

Tôi hoàn toàn tin tưởng vào giá trị của việc có một người coach đồng hành. Họ giúp tôi nhìn rõ được chính bản thân mình, giúp tôi phát triển nhanh hơn và tốn ít công sức hơn.

Bà hình dung về một phiên bản đẹp hơn của mình thế nào?

Tôi không đặt nặng việc phải trở thành người như thế này, như thế kia. Tôi hài lòng với sự thay đổi từng chút một mỗi ngày.

Tôi luôn luôn có suy nghĩ rằng, nếu ngày hôm nay mình tốt hơn ngày hôm qua một chút, về bất kể khía cạnh gì, cứ kiên trì chuyển hoá ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác thì cũng đã là quá tốt rồi.

Tôi được nhận xét hầu như không bị căng thẳng khi đối mặt với áp lực công việc, không nổi nóng, hay khó chịu với bất kỳ ai… Trong suốt quãng thời gian ấy, bí quyết của tôi là thiền định. Tôi thiền sáng, thiền tối, trong ngày có những khoảng dừng lại để quan sát cơ thể, tâm trí, cảm xúc của mình. Những việc này đã giúp tôi duy trì trạng thái bình tĩnh, năng lượng tích cực trong suốt cả ngày.

Tôi nghĩ rằng ai cũng có những khía cạnh có thể cải thiện, có thể làm tốt hơn. Điều quan trọng là mình luôn cởi mở và thành thật để nhìn ra những điều mình có thể chỉnh sửa.

Chính vì vậy, mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi luôn dành thời gian để thiền, để viết nhật ký và nhìn nhận lại cả một ngày của mình, xem điều gì khiến tôi hài lòng, điều gì tôi có thể làm tốt hơn.

Có thời điểm nào bà thấy không hiểu nổi cả bản thân mình?

Khoảng 12 năm trước, khi tôi gần như có trong tay mọi thứ: một sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc, tài chính ổn định… nhưng tôi lại không cảm thấy an yên hạnh phúc.

Khi đó, tôi là một người rất nóng tính, nhiều tham vọng, luôn muốn chinh phục thử thách mới và rất dễ mất cân bằng giữa công việc và gia đình. Dù đạt được thành công trong công việc, nhưng tôi luôn chịu nhiều áp lực, không thấy hài lòng với bản thân và không có sự an yên trong lòng. Tôi không hiểu được mình là ai, mục đích cuộc sống của mình là gì, mình chết đi sẽ để lại cái gì cho thế giới…

Tôi luôn cảm thấy lòng nặng trĩu khi thấy mình đã phấn đấu cố gắng rất điều để đạt được những thành tựu trong công việc như vậy, mà bản thân vẫn không cảm thấy hạnh phúc.

Để cố gắng hiểu những gì đang diễn ra bên trong chính mình, tôi đã tham gia nhiều khoá học về khám phá bản thân, đọc sách, học thiền ở Malaysia, Ấn Độ, và bắt đầu thực hành thiền định…

Và không biết chính xác từ khi nào, sự thô ráp, xù xì của cái tôi, sự kiêu ngạo, ham muốn, kỳ vọng, nóng nảy… sau khi được mài giũa, vật mẫu là tôi giờ đã trở nên hoàn hảo hơn.

Gần bốn năm tôi làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Myanmar là một giai đoạn công việc vô cùng áp lực, với nhiều biến cố và xáo trộn lớn trong tổ chức. Khi kết thúc nhiệm kỳ, điều mà tôi được đồng nghiệp và cấp trên ghi nhận, không chỉ ở hiệu quả công việc cao, mà còn ở việc tôi luôn kiểm soát được cảm xúc của mình.

Đó cũng là hành trình để tôi khám phá ra khái niệm “Mindful Leader” – Lãnh đạo tỉnh thức. Sau này, khi theo đuổi sự nghiệp làm coach chuyên nghiệp, việc thực hành tỉnh thức cũng giúp tôi phát triển sự vững vàng từ bên trong, khả năng hiện diện trọn vẹn, kỹ năng lắng nghe với sự thấu cảm… Đó là những phẩm chất quan trọng của một người coach chuyên nghiệp.

THEO ANH HOA
(Báo Đầu tư)