Theo một khảo sát năm 2016 của Accenture, chỉ 14% sinh viên Mĩ sau khi tốt nghiệp mong muốn làm việc tại các công ty lớn. Trong khi đó, có tới 44% bạn trẻ yêu thích trải nghiệm tại các startup hay các doanh nghiệp nhỏ.

Thoạt nhìn qua, có thể hiểu tại sao cuộc sống startup thu hút đến vậy: tính tự chủ cao, văn hoá linh hoạt hơn, nhiều tiềm năng phát triển và nhiều ý nghĩa trong công việc. Các startup lôi kéo nhân tài bằng nhiều cách, từ ghế ngủ và phòng mát xa (tại Google) đến máy chơi game và studio thu âm (tại Dropbox).

Mặc dù vậy, Rob Wiesenthal – CEO và nhà sáng lập startup đặt vé máy bay BLADE, lại đánh giá cao lợi ích của việc khởi đầu con đường sự nghiệp tại các công ty lớn.

Ông chỉ ra những lí do kinh nghiệm tại các doanh nghiệp lớn sẽ làm bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp của mỗi người.

1. PHÁT TRIỂN CÁC KĨ NĂNG LÀM VIỆC QUAN TRỌNG

Theo Wiesenthal, mọi nhân viên đều cần kĩ năng phân tích, viết và quản lý.

“Trong môi trường doanh nghiệp, bạn có cơ hội trau dồi rất nhiều kĩ năng quý giá, có thể áp dụng trong môi trường khởi nghiệp.”

Wiesenthal khuyến khích các bạn trẻ khởi đầu sự nghiệp với vị trí chuyên viên phân tích trong 2 năm đầu tại một ngân hàng đầu tư hoặc công ty tư vấn. Công việc đầu tiên của Wiesenthal là ở First Boston, tiền thân của Credit Suisse.

Đó có thể là một chương trình dài hơi với khối lượng công việc đồ sộ, song bạn có thể khám phá nhiều ngành nghề khác nhau cũng như cách làm việc, học hỏi từ người khác. Quan trọng hơn hết, đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi, thậm chí còn hơn cả một chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA).

Khi được hỏi về việc có hối hận không khi không theo học MBA, Wiesenthal trả lời ngay, “Tôi không hề hối hận.”

Ông tiếp tục, “Tôi nghĩ bằng MBA sẽ giúp mở rộng mối quan hệ,” nhưng với ông, hai năm làm việc tại First Boston đã dạy cho ông nhiều điều.

2. MÀI DŨA NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỐT LÕI

Kĩ năng chuyên môn có thể sẽ khó phát triển trong môi trường doanh nghiệp nhỏ khi bạn phải đảm nhiệm nhiều vai trò. Trong vòng một tuần, bạn có thể phải viết quảng cáo, gọi điện bán hàng hay tuyển dụng thực tập sinh. Bạn phải làm việc của phòng Marketing, bán hàng, nhân sự mà không hề chuyên sâu ở bất kì lĩnh vực nào.

Vì thế, sẽ dễ dàng hơn cho bạn để trau dồi kĩ năng cốt lõi tại công ty lớn vì bạn không phải gánh vác quá nhiều trọng trách. Bạn có thể tập trung vào một hoặc một vài lĩnh vực chính và rèn luyện kĩ năng tương ứng.

Năng lực cạnh tranh cốt lõi sẽ là cứu cánh cho bạn tại các công ty khởi nghiệp về sau này vì họ sẽ thường tìm kiếm một chuyên gia đảm nhiệm các công việc cấp cao. Họ cần người có thể nhanh chóng bắt tay vào công việc ngay từ ngày đầu.

“Đôi khi bạn không cần phải có năng lực cốt lõi khi bạn khởi nghiệp. Vẫn có người thành công nhờ việc biết cách thu hút nhân tài với các kĩ năng cần thiết. Nhưng nếu bạn là trưởng phòng phát triển kinh doanh, một nhân viên marketing hay làm việc trong phòng tài chính, bạn sẽ không thể cạnh tranh nếu không có nền tảng.”

Vậy làm thế nào để mài dũa năng lực tại công ty lớn?

  • Luôn thử thách bản thân và làm việc liên tục
  • Tham gia các chương trình đào tạo hoặc tự tìm cố vấn
  • Tham dự hội thảo, các khoá huấn luyện

3. HỌC HỎI QUY TRÌNH

Một vị trí trong một công ty lớn sẽ cho phép bạn học hỏi và tìm hiểu các quy trình trong doanh nghiệp. Nếu bạn quyết định khởi nghiệp sau đó, bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt.

Các công ty lớn có một bộ quy trình và hệ thống được xây dựng bài bản, ví dụ như Kaizen (phương pháp phát triển không ngừng) của Toyota hay Six Sigma (phương pháp quản lý chất lượng) của GE và Motorola. Bạn có thể dựa trên nền tảng này để phát triển doanh nghiệp của mình, thay vì phải gây dựng lại từ đầu.

Điều đó không có nghĩa các quy trình tại công ty lớn là hoàn hảo. Trong thực tế, chính những nhu cầu cải tiến quy trình tại công ty lớn lại là nguồn cảm hứng cho các startup.

Wiesenthal lý giải, “Doanh nghiệp lớn thường có vấn đề với các cải tiến sáng tạo.”

Sau vài năm đầu tích lũy kinh nghiệm trong môi trường kinh doanh, bạn đã có sự chuẩn bị tốt để khởi nghiệp – nếu đó là con đường bạn chọn.

Hiệp (Theo Forbes)