Phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Việt Nam – Viet Solutions do Bộ Thông tin Truyền thông và Viettel đồng tổ chức, bà Tạ Thị Vân Anh – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của iSofH chia sẻ nỗi lòng khi startup của mình đang “tự ăn thịt mình” và không thể sống được vì thiếu sự đồng thuận của chính phủ về cải cách hành chính.

Bà Tạ Thị Vân Anh – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của iSofH

Là một startup công nghệ y tế, iSofH là nền tảng hỗ trợ các bệnh viện phục vụ người bệnh từ lúc họ được tiếp đón vào bệnh viện, cho đến khi được điều hướng, phân luồng, khám, quản lý hồ sơ, ra được đơn thuốc, kết nối toàn bộ hệ thống lâm sàng. Thành lập năm 2015, iSofH hiện nay đang phục vụ hơn 10 bệnh viện công lớn nhất tại Hà Nội, phục vụ hơn 15.000 người bệnh mỗi ngày và khoảng 10.000 cán bộ y tế.

Bà Vân Anh chia sẻ, sau 5 năm đó, công ty bà đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để “nuôi” hơn 100 kỹ sư. Trong ngành y tế, bên cạnh nhân lực, hạ tầng, trang thiết bị thì công nghệ thông tin lại không được xét như là một chiếc “chân bàn” thứ tư, tương xứng với mức đầu tư cho ba yếu tố kia. Yếu tố công nghệ thông tin trong y tế, theo bà Vân Anh đang không có mức định giá, không có mức đầu tư và không biết phải thu như thế nào.

Bà Vân Anh chia sẻ, mặc dù phía công ty bà đã tiếp cận theo cách thức phát triển công nghệ nền tảng, muốn được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, là biến giải pháp trở thành một sản phẩm cho thuê, nhưng việc thu với giá như thế nào vẫn là một câu hỏi khó trả lời. Mặc dù muốn thu 5.000 đồng cho một lượt phục vụ, không bằng một sổ khám bệnh bằng giấy – phương pháp truyền thống nhưng lại không có cơ chế.

“Một người bệnh đi vào bệnh viện, vé gửi xe máy đã 5.000 đồng. Tại sao một startup công nghệ đầu tư hàng trăm tỷ đồng không bằng bỏ ra vài chục tỷ thầu một mảnh đất gửi xe máy?” – bà Vân Anh trăn trở.

Hiện tại các startup công nghệ y tế cần sự cải cách về chính sách, về thủ tục hành chính để các mô hình mới về chuyển đổi số có thể sống được. Có thể có được mô hình đầu ra và có nguồn thu.

Chia sẻ cùng trường hợp với Bà Vân Anh,ông Nguyễn Mạnh Hổ – CEO Viettel Solutions tiếp nối: “Các chính sách có lẽ cùng cần ban hành đồng bộ vì đây là những việc mới. Tôi cũng giống như chị Vân Anh, Viettel cũng có triển khai hệ thống nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa trong thời gian vừa rồi. Cách làm cũng không dễ dàng, vì đây là việc phải sửa lại quy định, thậm chí là luật. Viettel cũng là đơn vị đi đầu, nhận được sự tin tưởng của bộ ngành, nên chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các bộ.

Tôi đã trao đổi với anh Long (Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long) và một trong số những ý đề xuất là khép kín hệ sinh thái. Làm sao để người dân có thể sử dụng dịch vụ và trả tiền một cách hợp pháp với chất lượng dịch vụ như vậy. Tôi nghĩ là chuyển đổi số có việc dễ, việc khó và chúng ta cần bền bỉ, kiên trì, đi cùng nhau. Viettel nếu như gỡ được chính sách về khám chữa bệnh từ xa thì có lẽ iSofH cũng có thể báo cáo với anh Long”.

Trong khi đó, ông Trần Việt Vĩnh, CEO của startup OneLink cho rằng, xu hướng của y tế số trong thời gian tới là sự kết nối và liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế để tạo ra các hệ thống tư vấn, chăm sóc sức khỏe đồng nhất.

Hệ thống của OneLink tại một bệnh viện

Hiện nay ở Việt Nam, các hệ thống công nghệ thông tin y tế vẫn chưa chia sẻ dữ liệu người bệnh với nhau, liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, hồ sơ sức khỏe. Các bệnh viện cũng sử dụng những giải pháp, phần mềm khác nhau nên việc kết nối dữ liệu với nhau sẽ là một thách thức tương đối lớn.

Vì vậy, ông Vĩnh mong muốn các cơ quan chức năng sớm ban hành những quy định phù hợp, cho phép liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin đang làm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, để các startup kết nối vào đó và cung cấp những giải pháp y tế tổng thể cho cộng đồng.

Được biết, thời gian tới, OneLink sẽ triển khai hợp tác với các công ty cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện để mang dịch vụ của mình đến các bệnh viện trên toàn quốc. Song song với đó, OneLink sẽ mở rộng tính năng của thẻ sang các mảng dịch vụ khác, bao gồm: Hành chính công, thẻ vé giao thông (xe bus, xe khách, tàu điện đô thị…), thẻ tích điểm khi mua hàng, thẻ thanh toán điện tử trong thương mại…

Chi tiêu y tế tại Việt Nam được BMI dự báo sẽ đạt giá trị 22,7 tỉ USD vào năm 2021, là một thị trường lớn tạo cơ hội cho các startup. Tuy nhiên, con số startup trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại châu Á.

Hàn Mai