Không chỉ được cấp kinh phí nghiên cứu, các nhà khoa học từ chương trình Vuờn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ đã công bố nhiều bài báo quốc tế có giá trị.

Chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Trẻ (gọi tắt là chương trình Vườn ươm) do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Thành đoàn TP tổ chức. Trong đó, Thành đoàn TP.HCM là cơ quan chủ trì thực hiện từ khâu tổ chức sơ tuyển, xét duyệt, cấp kinh phí và tổ chức nghiệm thu các đề tài.

Một buổi báo cáo nghiệm thu đề tài chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ. Ảnh: TST.

Sau gần 01 năm triển khai thực hiện thực hiện, Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức nghiệm thu các đề tài. Tính đến hết tháng 06/2019, tất cả 22 đề tài đều được Hội đồng khoa học thông qua. Trong đó có 08 đề tài nghiệm thu loại xuất sắc, 14 đề tài nghiêm thu loại đạt. Các đề tài được thông qua đều được cấp kinh phí tối đa 100 triệu đồng/đề tài.

Từ kết quả nghiên cứu của các đề tài, có 16 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế (danh mục ISI,Scopus,SCI). Có 14 bài báo khác được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước có uy tín và 03 bài báo trên các kỷ yếu Hội thảo quốc tế.

Điểm mới của chương trình năm nay là mỗi đề tài đều tổ chức một Hội thảo khoa học để công bố kết quả nghiên cứu, các hội thảo vừa góp phần tạo hoạt động khoa học sôi nổi ở các đơn vị vừa thu thập được nhiều ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện đề tài nghiên cứu.

Theo đánh giá của các Hội đồng khoa học, nhiều đề tài có tính ứng dụng cao có thể triển khai vào thực tiễn như: “Nghiên cứu hệ thống xử lý nước cấp cho những vùng thiên tai” của TS. Nguyễn Thị Thủy – ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM; “Nghiên cứu chế tạo phòng thí nghiệm trên chip (lab-on-a-chip) với giá thành thấp giúp thực hiện phản ứng LAMP (Loop-mediated Isothermal Amplification) khuếch đại ADN tại chỗ ứng dụng trong xét nghiệm nhanh các bệnh truyền nhiễm phổ biến tại Việt Nam” của KS. Nguyễn Hoàng Tuấn – ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM; “Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence) cho bài toán nhận dạng và áp dụng cho hệ cơ Piezo-Actuator” của TS. Nguyễn Ngọc Sơn – ĐH Công nghiệp TP.HCM; “Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên xu thế biến đổi các hiện tượng khí hậu cực đoan tại TP.HCM” của CN. Nguyễn Trọng Quân – Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán;…

Chương trình Vườn ươm nhằm khuyến khích, tạo điều kiện, đồng thời phát huy tiềm lực về sức trẻ, sức sáng tạo của tuổi trẻ thành phố trong việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, ươm tạo các nhà khoa học trẻ có những nghiên cứu có giá trị, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội TP.HCM.

Đối tượng tham gia chương trình là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn TP.HCM, có độ tuổi từ 35 tuổi trở xuống, bao gồm: cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giáo viên – giảng viên trẻ, cán bộ, nghiên cứu viên trẻ thuộc các cơ quan, trường học, trung tâm – viện nghiên cứu.

Hà Thế An – Khám Phá

Bài gốc