Steve Blank là một trong những ‘cây đa cây đề’ của giới khởi nghiệp thế giới. Ông là nhà đầu tư lớn, đồng tác giả của Phương pháp/Triết lý Khởi nghiệp tinh gọn nổi tiếng, ‘kim chỉ nam’ từ nhiều năm qua của rất nhiều startup thế giới cũng như Việt nam.

Thời gian gần đây, giới học thuật startup có nhiều ý kiến xem lại tính hiệu quả và hợp thời của Khởi nghiệp tinh gọn. Steve Blank cũng vậy, và sau đây là bài viết của ông về vấn đề này.

Nhìn lại lược sử Khởi nghiệp tinh gọn

Đọc bài báo “Jeffrey Katzenberg gọi thành công 1 tỷ USD cho nền tảng Video dạng ngắn” trên tờ NY Times, tôi nhận ra một lý thuyết mới cho các startup: Vốn mạo hiểm sẵn có càng lớn, thì việc xác định khách hàng và việc dung hoà sản phẩm – thị trường càng không cần thiết, và ngược lại.

Và trong khi “lợi thế người tiên phong” là tín hiệu thành công mạnh mẽ nhất ở thời kỳ trước, thì ngày nay triết lý là: “cứ việc đổ hàng đống tiền để thống lĩnh toàn bộ thị trường.”

Khai hoả, Chuẩn bị, Nhắm

NewTV, một dự án mới mở đã có gần 2 tỷ USD để hoạt động. Ý tưởng của dự án là: khách hàng sẽ muốn đăng ký những dịch vụ giải trí nhanh gọn (những chương trình chỉ kéo dài 10 phút) trên điện thoại, thay cho những bộ phim dài đầy đủ. (Hãy nghĩ đến Youtube kết hợp với Netflix).

Tính toán dựa trên các giả thuyết, đây là một vụ cược trị giá gần 2 tỷ USD. Liệu khách hàng có muốn xem những chương trình giải trí ngắn trên điện thoại? NewTV sẽ không tự sản xuất nội dung, họ sẽ cấp phép và hợp tác với những nhà sản xuất nội dung giải trí truyền thống khác.

Liệu những đối tác bên thứ 3 này sẽ sản xuất được cái gì đó khách hàng sẽ xem? Và NewTV sẽ phụ thuộc vào đối tác, như những công ty truyền thông, để phân phối nội dung, trong khi hãng truyền thông Verizon vừa mới đóng cửa Go90, dịch vụ video dạng ngắn của họ.

Nhiều nghi vấn là thế, nhưng NewTV không hề có kế hoạch kiểm tra lại các giả định của mình. Với ít hơn 10 nhân viên và gần 2 tỷ USD trong tài khoản, họ dự định nhảy ngay vào cuộc chơi.

Việc này đi ngược lại triết lý Khởi nghiệp tinh gọn. Và nó có thể thành công. Tại sao?

Bong bóng Dot Com

Hầu hết doanh nhân thời nay không hề nhớ tới bong bóng Dot Com năm 1995, và vụ nổ Dot Com sau đó vào năm 2000.

Nhắc lại: bong bóng Dot Com là một thời kỳ kéo dài 5 năm, bắt đầu từ tháng 8 năm 1995 (mốc Netscape IPO), khi có một làn sóng lớn các thử nghiệm trên nền tảng internet (một thứ mới mẻ trong thời kỳ đó), từ thương mại, giải trí, phương tiện truyền thông mới, đến việc tìm kiếm.

Khi Netscape lên sàn, một làn sóng phấn khích được thổi bùng lên đối với bất kỳ thứ gì liên quan đến internet, và là tín hiệu cho những nhà đầu tư mạo hiểm rằng, đầu tư vào bất kỳ thứ gì liên quan đến internet đều mang lại lợi nhuận khổng lồ.

Một cơn lũ được xả ra ngay trong đêm, một lượng vốn mạo hiểm với quy mô lớn luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng trên thị trường, và những nhà đầu tư mạo hiểm luôn miệng hối thúc các startup IPO. Giá IPO công nghệ bùng nổ và giá cổ phiếu sau đó tăng cao chóng mặt, bất chấp tình trạng doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Thời kỳ này được gọi là thời kỳ thịnh vượng vô lý. Nhưng người ta đã mô tả rất khéo léo: Tất cả ngành công nghiệp công nghệ mới đều sẽ trải qua một giai đoạn bùng nổ điên cuồng, tiếp theo đó sẽ là một vụ nổ bong bóng, cuối cùng là thời kỳ vàng rồi trưởng thành. Và chu kỳ sẽ tiếp tục lặp lại, với những công nghệ mới hơn.

Vì ở thị trường chứng khoán, người ta mua “câu chuyện và tầm nhìn” của mọi thứ trên internet, những kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai được đánh giá cao hơn những chỉ số truyền thống như khách hàng, tăng trưởng, doanh thu, hay lợi nhuận. Startup viết kế hoạch kinh doanh, tạo ra tầm nhìn phát triển 5 năm và thực thi (thuê, chi trả và xây dựng) theo kế hoạch.

Câu thần chú “lợi thế người đi đầu” nói về việc những người gia nhập thị trường đầu tiên sẽ là người chiến thắng. Nó trở thành kim chỉ nam của những nhà đầu tư ở Silicon Valley.

Tuy nhiên thực tế là “Người đi đầu” không hề hiểu những vấn đề của khách hàng, hay những tính năng của sản phẩm sẽ giải quyết các vấn đề này thế nào (đây là quá trình điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường, gọi là quá trình Dung hoà Sản phẩm-Thị trường).

Những startup bong bóng này thật sự chỉ dự đoán mô hình kinh doanh của họ, thổi phồng một cách vội vàng và quá đáng, sau đó khi công ty ra mắt, dùng hết số tiền đầu tư mạo hiểm 1 cách nhanh chóng – tất cả đều được dự đoán để 1 IPO gọi thêm nhiều tiền.

Công bằng mà nói, trong thế kỷ 20 đã không thật sự có 1 quy trình để xây dựng startup, ngoài việc viết kế hoạch, gọi vốn, và thực thi – bong bóng được bơm theo cách này. Và thành thực mà nói, các nhà đầu tư mạo hiểm cũng không mấy quan tâm. Dòng tiền khổng lồ có độ thanh khoản cao sẽ được dành cho những kẻ đi đầu khi họ IPO, đó là triết lý đầu tư của họ.

Khi các nhà đầu tư mạo hiểm nhận ra thị trường đang đói khát mọi thứ liên quan đến internet, họ thúc đẩy các startup với doanh thu hạn chế và lợi nhuận bằng 0 khẩn trương IPO nhanh nhất có thể. Số lượng và quy mô các nhà đầu tư mạo hiểm gia tăng chưa từng thấy đã biến những tài khoản đóng băng trong ngân hàng, trở thành nguồn vốn mạo hiểm khổng lồ – động lực chính trong thị trường tài chính bấy giờ.

Rồi một ngày chuyện này cũng kết thúc. Các IPO héo úa. Các startup với tốc độ tiêu tiền nhanh – xây dựng văn phòng, nhân viên, hoạt động quảng cáo và PR – cuối cùng cũng hết tiền. Đa số những startup sinh ra từ bong bóng rồi cũng chết trong bong bóng.

Sự trỗi dậy của Khởi nghiệp tinh gọn

Sau vụ sụp đổ, vốn mạo hiểm ngày càng khan hiếm. Hầu hết các quỹ được thành lập vào thời kỳ cuối của bong bóng đều ngấp ngỏm. Những nhà đầu tư thiên thần, với lượng vốn hạn chế, đã biến mất hoàn toàn. Những nhà đầu tư mạo hiểm không còn thúc đẩy các startup tiêu xài nhanh hơn để đạt được “điều kỳ diệu”. Thật ra, họ còn hét vào mặt các startup rằng hãy giảm tốc độ tiêu tiền xuống. Thời kỳ này là một mùa đông hạt nhân cho các thủ đô startup.

Ý tưởng của Khởi nghiệp tinh gọn được xây dựng trên đống tro tàn của bong bóng Dot Com năm 2000.

Với vốn mạo hiểm khan hiếm và thị trường gần như đóng cửa, các startup và các nhà đầu tư cần một phương pháp luận để bảo vệ nguồn vốn, cũng như tồn tại đủ lâu cho tới khi sinh ra doanh thu và lợi nhuận.

Để làm điều đó, họ cần 1 phương pháp khác hơn là chỉ “cứ làm thôi và thành quả sẽ đến”. Họ cần chắc chắn rằng thứ mà họ đang xây dựng sẽ được khách hàng cần và chào đón. Và vì những dự đoán ban đầu có thể không chính xác, họ cần 1 quy trình có thể cho phép họ thay đổi nhanh chóng với chi phí thay đổi thấp – phương pháp Pivot (chuyển hướng chiến lược) nổi tiếng.

Khởi nghiệp Tinh gọn bắt đầu từ sự thật rằng bạn không thể hỏi 1 câu hỏi nếu bạn vốn không có khái niệm gì về nó. Trong thời điểm này, không có điều gì có thể chứng tỏ startup sẽ trở thành 1 công ty lớn hay không; quy luật là: công ty lớn thực thi những mô hình kinh doanh đã được chứng minh, còn startup tìm kiếm những mô hình.

Trong khi chúng ta có rất nhiều công cụ và kinh nghiệm cho việc thực thi, chúng ta không hề có cách nào đảm bảo cho việc tìm kiếm. Vì vậy, chúng tôi (Blank, Ries, Osterwalder) xây dựng những công cụ và tạo ra một hệ ngôn ngữ mới cho tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và hiện đại.

Một điều thuận lợi là trong mùa đông hạt nhân sau vụ nổ bong bóng, năm 2001 – 2004, các startup và nhà đầu tư mạo hiểm cực kỳ ghét rủi ro và sẵn sàng thử những ý tưởng có thể hạn chế rủi ro. (Tình trạng ghét rủi ro, bảo toàn tiền mặt 1 lần nữa xảy ra sau năm 2008, khi thị trường nhà đất sụp đổ).

Chúng tôi đã phát triển Khởi nghiệp Tinh gọn như 1 mô hình kinh doanh/quy trình phát triển khách hàng/giải pháp phát triển phần mềm Agile, những nhà khởi nghiệp lần đầu tiên có thể kết nối và kiểm định những giả định của họ với khách hàng (phát triển khách hàng) và sử dụng một phương pháp phát triển sản phẩm theo vòng lặp và từng bước một (phương pháp Agile).

Điều này cho phép những startup xây dựng được những Sản phẩm Khả dụng Tối thiểu (MVPs) – các sản phẩm mẫu trong từng giai đoạn – và đưa cho một lượng lớn khách hàng để nhận được những phản hồi nhanh chóng.

Nếu các nhà sáng lập thấy rằng những dự định của họ không chính xác (thực tế thì điều này luôn xảy ra) thì mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát; đây là 1 sự kiện học hỏi gọi là Pivot – và là 1 cơ hội để họ thay đổi mô hình kinh doanh đúng đắn hơn.

Mỗi startup đều nằm trong 1 cuộc đua với thời gian. Họ phải dung hòa được sản phẩm và thị trường trước khi tiêu cạn tiền. Khởi nghiệp Tinh Gọn rất có ý nghĩa khi vốn khan hiếm và bạn phải duy trì tốc độ tiêu tiền thấp. Khởi nghiệp Tinh Gọn được thiết kế để các nhà sáng lập đánh giá tầm nhìn trong khi vẫn vận hành một cách nhanh chóng với ít chi phí. Nó không được thiết kế như 1 buổi phỏng vấn nhóm nhằm đạt được sự thống nhất giữa những người không có chung niềm tin.

Kết quả ra sao? Startup bây giờ đã có công cụ giúp họ tăng tốc quá trình tìm kiếm khách hàng, đảm bảo rằng những thứ họ đang phát triển đáp ứng đúng yêu cầu khách hàng, giảm thiểu thời gian tiếp cận thị trường, và giảm chi phí phát triển sản phẩm.

Surphi10 (theo Steveblank)