Rời bỏ nước Mỹ để trở về Việt Nam với mong muốn sắp xếp lại nguồn thông tin hỗn loạn của thị trường bất động sản không chỉ tại Việt Nam; doanh nhân thành đạt, Việt kiều Mỹ, CEO và nhà sáng lập Propzy vẫn đang tiêu nhiều triệu đô vào công cụ mua bán bất động sản Propzy và mới đây nhất, Propzy công bố thông tin về việc muốn gọi vốn 25 triệu đô để tiếp tục phát triển startup này.

Trên thị trường Việt Nam hiện nay có tới hàng trăm website về bất động sản trong đó theo thống kê của Commscore (công cụ đánh giá website uy tín và phổ biến nhất hiện nay) có 50 triệu lượt người truy cập các website bất động sản mỗi tháng. 76% người dùng internet Việt Nam thường tìm kiếm thông tin về bất động sản trước khi tiến hành mua bán. Tuy số lượng nhiều nhưng chất lượng thông tin của các website này không minh bạch, thông tin không đầy đủ và thiếu độ tin cậy khiến cho người mua băn khoăn.

Từng sáng lập Loan Trader (đã được Tập đoàn Metavante mua lại), nền tảng Internet đầu tiên nhằm tính toán thế chấp khi vay mua bất động sản, được 90% các tổ chức tín dụng, công ty môi giới bất động sản ở Mỹ sử dụng. Năm 2009, John Lê được mời về Việt Nam để tham gia thành lập trung tâm thông tin tín dụng tư nhân. Dự án hoàn thành sau 3 năm, anh trở về Mỹ nhưng quay lại Việt Nam ngay, cùng một số bên liên quan tham gia hỗ trợ thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) khi nợ xấu trở thành đề tài nóng bỏng thời điểm đó.

Tuy nhiên, trong thời gian đi về giữa Việt Nam và Mỹ, John Le không thể tìm thuê được một căn nhà theo nhu cầu. Đó cũng là một trong những lý do khiến  ý tưởng thành lập Propzy xuất hiện vào năm 2014 tại California, rồi dời về Việt Nam, bởi anh quan điểm, thị trường dành cơ hội cho người giải quyết được vấn đề của ngành. Tháng 07/2015, Propzy ra đời với mục tiêu là tạo ra trải nghiệm thuận tiện nhất cho người mua/thuê nhà. Propzy được ghép từ “Property” và “Easy” mang ý nghĩa, làm bất động sản dễ dàng.

John Lê – CEO, người sáng lập của Propzy

Bằng cách nhập thông tin về về khu vực, diện tích, giá cả, hướng nhà, số phòng ngủ, người mua/thuê nhà sẽ nhận được các gợi ý về căn hộ. Việc đặt lịch xem nhà sẽ tiếp tục bằng cách để lại tên, số điện thoại và địa chỉ e-mail. Đội ngũ sale của Propzy sẽ liên lạc và hướng dẫn người mua/thuê xem nhà, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan nếu khách hàng yêu cầu. Hiện tại, tỷ lệ đơn hàng thành công của Propzy khoảng 25%.

“Chúng tôi không chỉ là trang web kết nối người mua và người bán, mà còn giúp chuỗi việc liên quan – workflow để thúc đẩy các thỏa thuận thành công. Khi “mai mối” xong, chúng tôi mới nhận nhận hoa hồng như thị trường chung”, John Le chia sẻ.

Propzy đang có 200 nhân sự, làm việc tại 6 trung tâm giao dịch tại TP.HCM và Hà Nội, trong đó có 50 kỹ sư phần mềm với mức lương trên 20 triệu/tháng, đảm bảo các công việc liên quan đến công nghệ, đặc biệt với thuật toán phân tích khách hàng. Họ có thể phân loại đâu là chủ nhà đăng tin và đâu là môi giới bất động sản; ai là người có nhu cầu tìm nhà thực sự và nhu cầu của họ thế nào… Chính đội ngũ này khiến John Le, người có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực fintech, tự tin về cụm từ “minh bạch” trên Propzy.

Với người môi giới, ứng dụng này có thể giúp họ tập hợp, hợp tác với nhau trên một nền tảng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng thị trường qua quá trình giao dịch thuận lợi giữa người bán và người mua tiềm năng.

Propzy đã tiêu tốn 3 triệu USD, gồm 1 triệu USD của John Le và 2 triệu USD từ Quỹ Frontier Digital Ventures (có trụ sở tại Malaysia). Tại vòng gọi vốn “hạt giống”, Propzy được cho là đã gọi vốn thành công 12 triệu USD. Lần gần nhất, Propzy nhận vốn 6 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc là Stonebridge Capital.

Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit 2019) diễn ra ở Hà Nội, Propzy cũng là startup tiêu biểu nhận được sự quan tâm đặc biệt từ 18 quỹ đầu tư lớn trong nước và trên thế giới. Trong số đó có quỹ DT&I đến từ Hàn Quốc quyết định đầu tư cho Propzy số tiền 1,4 triệu USD trong quý 2/2019.

Ngoài các nhà đầu tư kể trên, Propzy còn có sự hậu thuẫn lớn đến từ các quỹ như: Insignia Ventures, GS Shop, Frontier Digital Ventures, TNB Aura và Next Billion Ventures.

Trong 2 quý đầu năm 2017, ứng dụng đã nhận được hơn 2.500 yêu cầu giao dịch nhà đất với tổng giá trị tài sản trên 300 triệu USD và đạt con số gấp đôi tính đến cuối năm 2017. Hiện giá trị các giao dịch bất động sản môi giới, thế chấp thông qua Propzy trong nửa đầu năm 2019 đã vượt quá tổng giá trị của năm 2018. Dự kiến, đến quý 2/2020, Propzy sẽ bắt đầu có lãi, cũng như mở rộng sang các thị trường bất động sản khác, gồm: Hà Nội và các khu vực lân cận.

Mục tiêu của proptech là tính chính xác, rút ngắn thời gian giao dịch. Xa hơn trong 5 năm tới, lĩnh vực proptech được kỳ vọng tạo ra nhiều giao dịch thành công tương đương với các sàn môi giới truyền thống, nhưng với lượng nhân sự thấp hơn ít nhất là 5 lần.

Hiện tại,Propzy đang lên kế hoạch huy động số tiền 25 triệu USD cho vòng gọi vốn Series B vào cuối năm nay.

Ông John Lê – CEO Propzy cho hay, vòng gọi vốn mới sẽ giúp công ty mở rộng thị phần của mình tại thị trường TP. HCM, cũng như nền tảng TAP (Tenant Access Platform) dành cho chủ tòa nhà, cũng như các đơn vị phát triển bất động sản trong việc quản lý chung cư và căn hộ.

Vị CEO cho rằng, trong tương lai, nền tảng TAP sẽ là quân bài chiến lược giúp startup này khẳng định vị thế tại khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng.

Oanh Phạm (Tổng hợp)