Tuần trước, tôi mới gửi email cho cô bạn thân bàn về kế hoạch vi vu Thái Lan trong dịp Tết này, nhưng điều kì lạ là ngay ngày hôm sau, tôi nhận được một đống tin nhắn quảng cáo về các quán ăn, nhà nghỉ Thái Lan. Tôi thầm nghĩ chả lẽ Google lại thần kì đến mức có thể đọc được những gì mình muốn, mình nghĩ trong đầu? Nhưng sự thực là tin nhắn điện tử của tôi đã bị đọc trộm.

Email, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn là một trong những công cụ giao tiếp điện tử phổ biến nhất trên thế giới.

Theo số liệu thống kê trong Radicati Report năm 2015, số lượng người sử dụng Email trên toàn thế giới là gần 2,6 tỷ người với 205,6 tỷ Email được gửi đi mỗi ngày.

Thực tế, mỗi nội dung thư chúng ta gửi qua Gmail, Yahoo hay Hotmail đều được quét trước khi đến được với người nhận. Nếu trước đây nhiều người còn hoài nghi về vấn đề này thì năm 2014, Google đã cập nhật lại chính sách bảo mật, đi kèm với một thông báo được cho là công khai nhất từ trước đến nay về quyền riêng tư của người dùng.

Thông báo của Google ghi rõ “Hệ thống tự động của chúng tôi phân tích nội dung của bạn (bao gồm cả email) để cung cấp cho bạn các tính năng sản phẩm có liên quan đến cá nhân, chẳng hạn như kết quả tìm kiếm tùy chỉnh, quảng cáo được điều chỉnh cho thích hợp.”

Có nghĩa, với những thông tin trong email, thậm chí là thông tin cá nhân của người gửi, Google hoàn toàn được phép đọc và lấy nhằm phục vụ mục đích quảng cáo, kinh doanh.

Suy cho cùng, việc thông tin bị đọc trộm ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới người sử dụng mà hậu quả của việc này chẳng ai có thể lường trước được.

Tại Việt Nam, hàng triệu cá nhân, doanh nghiệp, nhân viên các tổ chức nhà nước, xã hội đang sử dụng các dịch vụ email miễn phí của các nhà cung cấp Google, Yahoo. Nhiều thông tin quan trọng như bí mật kinh doanh, đời tư cá nhân… được trao đổi trực tiếp qua email, nếu những thông tin này bị đọc trộm hay lộ ra ngoài, hậu quả sẽ vô cùng to lớn.

Một hợp đồng bị hủy vì lộ thông tin có thể gây tổn thất hàng tỉ đồng, hay tài khoản ngân hàng, số điện thoại bị đánh cắp gây không ít rắc rối cho người sử dụng, đôi khi còn tiền mất tật mang.

Nhiều người thậm chí còn bàng quan với việc thư điện tử của mình bị đọc trộm bởi họ nghĩ nội dung email của họ chẳng có gì quan trọng, cho Google đọc thoải mái. Thế nhưng, họ đâu biết rằng chính mình cũng sẽ là nạn nhân của việc này. Hậu quả đơn giản nhất mà ai cũng biết chính là spam trên email.

Khi các thông tin về địa chỉ email bị người khác biết, khả năng email của bạn bị tin rác tấn công là rất cao. Những tin Spam này thường vô bổ, chứa các thông tin quảng gây khó chịu cho người dùng.

Thậm chí, các thông tin cá nhân bị đánh cắp thậm chí còn bị bán cho kẻ gian sử dụng vào những việc làm phạm pháp như lừa đảo lấy tiền. Có những trường hợp người dùng bị kẻ gian dụ dẫn tới việc giao nộp cho chúng hàng triệu đồng bởi chúng nắm trong tay các thông tin chính xác về tên, tuổi, địa chỉ, thậm chí là giao dịch ngân hàng khiến người dùng dễ mắc lừa và dính vào bẫy của kẻ xấu.

Dù là công nhân viên chức, chủ doanh nghiệp hay chỉ là người bình thường dùng Email thì việc rò rỉ thông tin trên thư điện tử cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người sử dụng.

Vậy những người sử dụng Email cần phải làm gì để không trở thành nạn nhân của việc đọc trộm tin nhắn điện tử?

Cách đơn giản và phổ biến nhất hiện nay là sử dụng các dịch vụ email mã hóa. Khi sử dụng loại dịch vụ này, nội dung email trên đường gửi đi sẽ biến thành những dòng vô nghĩa đến cả những nhà cung cấp dịch vụ cũng không thể đọc. Chỉ duy nhất người nhận mail mới đọc được.

Trong phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng điểm tên một vài dịch vụ email “không bị đọc trộm” phổ biến hiện nay.

Pham Thu Ha